08:06 31/08/2016

Thảm kịch bí ẩn trên đèo Dyatlov - Kỳ cuối

Giả thiết đầu tiên cho vụ án 9 người chết thảm trên sườn núi Kholat Syakhl là do họ đã phạm sai lầm khi đi vào vùng đất cấm địa của thổ dân Mansi. Sau khi theo dõi lều trại đoàn leo núi dựng, đến đêm, tộc người này đã tấn công toàn đội leo núi, đánh đuổi họ chạy xuống chân núi.

THUYẾT ÂM MƯU

Sau 3 năm đi tìm lời giải, các nhà điều tra vẫn không đưa ra được một kết luận chính xác cho thảm kịch. Giới chức Liên Xô quyết định đóng vụ án nhưng dư luận vẫn đưa ra một loạt giả thiết gây xôn xao.

Chiến binh Mansi

Giả thiết đầu tiên cho vụ án 9 người chết thảm trên sườn núi Kholat Syakhl là do họ đã phạm sai lầm khi đi vào vùng đất cấm địa của thổ dân Mansi. Sau khi theo dõi lều trại đoàn leo núi dựng, đến đêm, tộc người này đã tấn công toàn đội leo núi, đánh đuổi họ chạy xuống chân núi. Sau khi nhìn Doroshenko và Krivonischenko chết cóng, người Mansi bắt đầu tìm kiếm những người còn lại. Hộp sọ của Slobodin có thể bị đánh bằng báng khẩu súng săn hay một vật nặng nào đó. Vết thương của Thibeaux - Brignollel cũng giống của Slobodin. Tiếng hét của Dubinina có thể khiến những người tộc Mansi cảm thấy khó chịu và họ đẩy cô xuống dưới đất, làm gãy xương sườn bằng đầu gối và cắt lưỡi nạn nhân. 

Một gia đình người Mansi.

Trước tin đồn lan nhanh một cách chóng mặt, các nhà điều tra quân đội đã ngay lập tức bác bỏ. Họ cho rằng vết thương trên người các nạn nhân không thể do sức con người tạo ra. Theo bác sĩ Boris Vozrozhdenny, lực có thể gây ra những vết thương như thế rất lớn, có thể so sánh với lực gây ra trong một vụ đâm ô tô. Bên cạnh đó, giả thiết nói người Mansi có súng nhưng điều tra viên không thấy dấu vết nào cho thấy có súng nổ trong vụ tấn công. Hiện trường không hề có thêm bất kì vết chân người nào ngoài dấu vết của 9 nạn nhân.

Bị người ngoài hành tinh tấn công

Giống như mọi bí ẩn liên quan đến một nhóm người mất tích không dấu vết hay những cái chết bất thường trong thế kỷ 20, bao giờ cũng có giả thiết về người ngoài hành tinh. Theo như những báo cáo thu thập được, trưởng ban điều tra vụ án, ông Lev Ivanov cho biết có một nhóm nhà leo núi nhận định sinh vật ngoài Trái Đất là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch đèo Dyatlov.

Theo nhóm thám hiểm dựng lều trại tại vị trí cách sườn núi Kholat - Syakhl gần 52 km về phía nam vào buổi tối định mệnh đó, họ khẳng định đã nhìn thấy nhiều hình cầu da cam lạ lùng xuất hiện trên bầu trời phía bắc. Đáng chú ý là trong một tháng rưỡi sau đó, những người dân ở trong khu vực cũng báo cáo hiện tượng tương tự. 

Cho đến nay các nhà điều tra vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra cái chết của 9 nhà leo núi.

Bản thân ông Ivanov cũng tin rằng những “quả cầu cam phát sáng” đó có liên quan đến vụ việc 9 nhà thám hiểm chết bất thường. Trong cuộc phỏng vấn năm 1990, ông Ivanov cho biết ông được yêu cầu khép lại vụ điều tra và xếp chúng vào mục tài liệu mật. Ông cho rằng quan chức cấp cao lo lắng chính những báo cáo về UFO (vật thể bay không xác định) từ nhiều nhân chứng khác nhau - bao gồm cả nhân viên quân sự và các nhà khí tượng học - sẽ dẫn đến việc dư luận có những phán đoán không cần thiết. Ông Ivanov nghi ngờ một thành viên trong đội leo núi đã vô tình thấy UFO và thông báo cho các thành viên còn lại chạy nhanh ra ngoài khi một “phương tiện bay” phát nổ. Có lẽ những mảnh vụn vỡ từ vụ nổ đã bay trúng đầu làm vỡ hộp sọ của Slobodin. Bên cạnh đó, một “bằng chứng” khác mà nhiều nhà nghiên cứu tin rằng vụ việc có liên quan đến sự xuất hiện của người ngoài hành tinh là “màu da thi thể biến đổi thành màu cam và tóc chuyển màu bạc”. Theo kết quả xét nghiệm, quần áo của các nạn nhân đều nhiễm một lượng phóng xạ.

Thử nghiệm vũ khí thất bại

Một trong những người tin vào giả thuyết này là thành viên ở lại Yudin. Anh cho rằng các bạn mình đã đi vào vùng quân sự bí mật của chính phủ Liên Xô và không may trở thành con mồi trong cuộc thử nghiệm vũ khí thất bại. Anh nghi ngờ chính lý do này đã khiến quân đội giấu giếm các tình tiết trong khi điều tra và không đưa ra kết luận thực sự. Theo Yudin, sau khi thu dọn chứng cứ từ hiện trường, anh được các nhà điều tra nhờ giúp xác định chủ sở hữu của các vật dụng. Và ngạc nhiên thay, trong số đó có các mảnh vải từ bộ quân phục, một cặp kính mắt và một đôi ván không phải của bất kì ai trong đội leo núi.
Yudin cũng cho biết anh tận mắt thấy một tài liệu mật, theo đó cuộc điều tra bắt đầu được hai tuần trước người ta tìm thấy dấu vết của lều trại. Điều này có nghĩa là quân đội đã phát hiện ra căn lều trước khi đội cứu hộ đến nơi. 

Tuy nhiên, giả thuyết này của Yudin nhanh chóng bị bác bỏ khi đội tìm kiếm không phát hiện ra bất kì dấu vết của vụ nổ nào gần khu cắm trại Kholat - Syakhl cũng như không có bản báo cáo ghi nhận có cuộc phóng thử tên lửa nào trong khu vực. 

Mẹ thiên nhiên nổi giận

Khu vực sườn núi phía tây Kholat - Syakhl luôn bị coi là vùng nguy hiểm khi thường xuyên xảy ra lở tuyết. Nhiều người cho rằng có lẽ trong đêm tối, các thành viên trong đoàn thám hiểm nghe thấy tiếng động tưởng sắp xảy ra tình trạng sạt lở, nên vội vã chạy xuống chân núi trong tình trạng bán khỏa thân. Sau đó, khi phát hiện ra không phải sạt lở núi tuyết, họ mới bình tĩnh quay trở lại lều nhưng thời tiết khắc nghiệt đã làm thân nhiệt giảm nhanh. Tuy nhiên, có thể bác bỏ giả thiết lở tuyết vì các điều tra viên cho rằng tuyết sẽ phủ lấp hết dấu chân chứ không để lại bằng chứng quanh lều. Ngoài ra, sạt lở tuyết không gây ra những vết thương chết người cho nhiều thành viên đến vậy. 

“Người tuyết” Yeti

Người tuyết Siberia còn có tên gọi khác nữa là Yeti, là sinh vật giống vượn, được cho là sinh sống ở khu vực Himalya thuộc Nepal, Ấn Độ, vùng núi Siberia của Nga và cả Bắc Mỹ. Có thể con quái vật đã làm cho cả đội hoảng sợ và gây ra những vết thương chí mạng. Bên cạnh đó, trên một mảnh giấy thu được từ hiện trường vụ án có ghi: “Từ giờ chúng ta biết người tuyết là có thực”. Đối với giả thuyết này, nhiều nhà nghiên cứu cho biết họ vẫn có thể phản bác với nhiều lí do như không tìm thấy dấu chân to lớn nào quanh khu cắm trại. Loài sinh vật này cũng không thể chỉ chọn vài đối tượng để tấn công và bỏ mặc những người khác chết cóng.

Vậy thực sự chuyện gì đã xảy ra với 9 nhà thám hiểm xấu số? Đó là câu hỏi mà đến tận bây giờ, sau khi dành hơn nửa thế kỷ để vò đầu bứt tóc với những bằng chứng, giả thuyết, các nhà điều tra lẫn giới khoa học, quân sự vẫn chưa thể tìm ra một lời giải hợp lý.
Hồng Hạnh