03:13 12/03/2012

Thâm hụt thương mại của Trung Quốc ở mức kỉ lục

Theo báo "Thư tín Địa cầu", thâm hụt thương mại của Trung Quốc trong tháng 2 đã đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua khi nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy cả nhu cầu về nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều suy giảm.

Theo báo "Thư tín Địa cầu", thâm hụt thương mại của Trung Quốc trong tháng 2 đã đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua khi nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy cả nhu cầu về nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều suy giảm.

Cơ quan Hải Quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu của quốc gia này trong tháng 2 tăng 18,4% lên đến 114,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đã tăng 39,6% lên đến 145,9 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong thập kỷ qua.

Mức thâm hụt này cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và những khó khăn của nền kinh tế Mỹ. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 8,9% trong quý cuối cùng của năm 2011 và mục tiêu tăng trưởng năm nay của Bắc Kinh là 7,5%.

Hình minh họa. Nguồn: Internet


Tăng trưởng trong cả nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2012 đều sụt giảm đáng kể, với xuất khẩu thấp hơn 6,9% của cùng kỳ năm 2011 và chỉ bằng gần một nửa mức 13,4% của tháng 12/2011. Nhập khẩu tăng 7,7%, nhưng vẫn giảm so với 11,8% của tháng 12. Theo các chuyên gia phân tích, việc sụt giảm này do một phần do tác động của kỳ nghỉ Tết kéo dài 2 tuần của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là nhu cầu về dầu mỏ, quặng sắt, các mặt hàng và thành phần công nghiệp khác của Trung Quốc đang giảm bởi đơn đặt hàng của các nhà máy xuất khẩu giảm đáng kể và Bắc Kinh đang nỗ lực điều chỉnh thị trường đang quá nóng nhằm duy trì sự tăng trưởng bền vững.

Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của nhiều nước láng giềng châu Á, cũng như các nhà cung cấp hàng hóa xa xôi như Ôxtrâylia và châu Phi, điều đó có nghĩa là nhu cầu hạ nhiệt thị trường của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 8,2% trong năm 2012. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng tỷ lệ này có thể giảm xuống còn một nửa nếu châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, bị suy giảm nghiêm trọng do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công khu vực.


TTXVN/ Tin Tức