05:20 17/05/2017

Tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất công nghiệp khu vực và thế giới

Ngành công thương đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Bộ sẽ tập trung phát triển công nghiệp với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ. Đặc biệt tập trung khai thác triệt để lợi thế sẵn có và chủ động tạo ra lợi thế trong nước và các cơ hội quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất công nghiệp khu vực và thế giới.

Mặt khác, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên hướng đến tập trung phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao; giá trị xuất khẩu lớn; tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển; sử dụng công nghệ cao; tạo nhiều việc làm đòi hỏi trình độ cao; giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn.

Cùng với đó, ngành sẽ tập trung vào phát triển sản xuất để tăng nhanh xuất khẩu, đồng thời đáp ứng nhu cầu trong nước. Đáng lưu ý là khai thác tốt lợi thế so sánh của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh xuất khẩu; phát triển xuất khẩu theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ.

Đề án cũng nêu rõ việc tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA. Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Hơn nữa, tích cực và chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng xây dựng và phát triển hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Không những thế, ngành sẽ hướng tới việc chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa. Đáp ứng yêu cầu nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị và công nghệ cao phù hợp với nguồn lực, trình độ sản xuất trong nước và tiết kiệm năng lượng, vật tư; định hướng nhập khẩu ổn định cho các ngành sản xuất sử dụng các nguyên, nhiên, vật liệu mà khai thác, sản xuất trong nước kém hiệu quả hoặc có tác động xấu đến môi trường. Kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn.

Ngoài ra, ngành công thương đặc biệt coi trọng và phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng nền thương mại trong nước phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia đa dạng của các loại hình tổ chức và các thành phần kinh tế.

Ngành cũng khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp lớn và tập trung phát huy vai trò và vị trí của thương mại trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân; đặc biệt quan tâm phát triển thị trường ở vùng biên giới, miền núi, hải đảo.

Để góp phần đạt được các mục tiêu nêu trên, đòi hỏi tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức Bộ Công Thương phải đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung vào cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Đây là những ưu tiên, trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2016-2020.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo lập hành lang pháp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia và đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã cầu thị lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện quy định, thủ tục hành chính nhằm cải cách thể chế toàn ngành một cách sâu, rộng. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã tích cực hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc thẩm quyền theo tinh thần này. Nhiều quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện khơi dậy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để giải đáp kịp thời các quy định, đồng thời tiếp nhận và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tạo rào cản kinh doanh cho các doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tới đây, nhằm tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế, trên cơ sở thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách quy định, thủ tục hành chính chú trọng ba tiêu chí là: đơn giản, minh bạch và hiện đại để hướng tới ba mục tiêu sau: tiết kiệm chi phí, tạo sự công bằng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng với việc bãi bỏ và đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính, việc tăng cường ứng dụng thông tin trong quản lý điều hành tác nghiệp cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước là nhiệm vụ cần được đẩy mạnh, tăng cường. Việc này, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, minh bạch hóa, tránh được nguy cơ tạo ra những sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 từ năm 2010. Hiện nay, Bộ có 130 dịch vụ công trực tuyến và đều mức độ 2 trở lên. Năm 2016, Bộ Công Thương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Hiện tại, các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 của Bộ Công Thương được tích hợp tại một cổng duy nhất, cổng dịch vụ công này là đầu mối duy nhất kết nối, liên thông đến Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đặc biệt, với chức năng là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có những ngành, lĩnh vực rất quan trọng như công nghiệp điện, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế... Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đang có 35 đơn vị hành chính, sự nghiệp, trong đó có 19 Vụ và tương đương, 1 Tổng cục, 10 Cục.

Tuy nhiên, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như đáp ứng được yêu cầu tổ chức quản lý trong tình hình mới, Bộ Công Thương đã hoàn thiện xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ để thay thế Nghị định 95/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương trình Chính phủ. Theo đó, đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ dự kiến sẽ sắp xếp, thu gọn được 5 đơn vị (còn 30 đơn vị so với 35 đơn vị hiện hành).

Cùng với việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nhất cơ cấu biên chế công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy, đảm bảo khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức của Bộ.

Trong công tác cán bộ, chú trọng, ưu tiên bố trí, sử dụng các cán bộ lãnh đạo trẻ, có năng lực, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm, tạo lực lượng nòng cốt trong công tác cán bộ. Tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch nhân sự lãnh đạo các cấp của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020, tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2021-2026.

Cùng đó, bổ sung các quy chế, quy định về công tác bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt, đánh giá cán bộ. Điều này góp phần đảm bảo cho việc sắp xếp, bố trí nhân sự được tiến hành công khai, minh bạch đúng quy định, đảm bảo lựa chọn được người có tài, có đức, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của Chính phủ kiến tạo và phát triển.

Uyên Hương (TTXVN)