10:19 27/10/2020

Tham gia chương trình OCOP để tìm đường tới người tiêu dùng

Hà Nội có nhiều nông sản mang đặc trưng vùng, miền đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và nhiều sản phẩm tiềm năng. Các đơn vị tham gia chương trình OCOP để mở rộng thị trường với những sản phẩm chất lượng.

Đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe

Mới đây, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng 20 sản phẩm OCOP. Bà Ngô Thị Tính, Giám đốc Công ty cổ phẩn bánh mứt kẹo Bảo Minh cho biết: Để tham gia chương trình OCOP, đơn vị hệ thống và hoàn thiện lại một loạt giấy tờ theo tiêu chuẩn của hệ thống OCOP từ mẫu mã, bao bì, an toàn vệ sinh thực phẩm… để tham gia đánh giá xếp hạng 20 sản phẩm.

Chú thích ảnh
Các đặc sản nông sản được giới thiệu tại các sự kiện kết nối sản phẩm OCOP tại Hà Nội.

Theo đó, để đạt tiêu chí OCOP, các sản phẩm phải đáp ứng 3 nhóm nội dung, gồm: Nhóm tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (tổ chức sản xuất và sử dụng nguyên vật liệu, lao động tại địa phương, phát triển sản phẩm); các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (tiếp thị, câu chuyện sản phẩm); các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm...).

Bà Nguyễn Thị Nắng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết: Quận định hình quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đồng bộ, nhất là các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của địa phương nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.

Quận đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và UBND các phường rà soát thống kê, tuyên truyền và hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2020; đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống. Đồng thời, quận sẽ chú trọng công tác khảo sát để lập kế hoạch thực hiện chương trình OCOP đến năm 2025, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến thương mại và làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại để xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn quận. cho các sản phẩm OCOP của quận trên thị trường.

“Qua rà soát, quận lựa chọn 7 chủ thể và hướng dẫn đăng ký với các tiêu chuẩn tham gia chương trình OCOP. Tuy nhiên, đến nay có duy nhất 1 chủ thể là doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí để thành lập hội đồng phân loại. Ngay trong hội nghị đánh giá phân loại, quận cũng mời các chủ thể khác đến dự để có thể học tập kinh nghiệm”, bà Phạm Thị Chinh, Phó Phòng kinh tế quận Bắc Từ Liêm cho biết.

Ông Đỗ Mạnh Thế, chủ cơ sở sản xuất bánh truyền thống tại Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Qua buổi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, đòi hỏi nhiều tiêu chí về quy chuẩn chất lượng sản phẩm mà những đơn vị sản xuất truyền thống như chúng tôi cần hoàn thiện. Yêu cầu đầu tiên đó là quy mô, hạ tầng xưởng sản xuất; tiếp đó là mẫu mã bao bì…

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Đến nay, Hà Nội có 301 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao và tiềm năng 5 sao. Theo khảo sát, Hà Nội có khoảng 1.000 sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình này và trong những tháng gần đây, các quận huyện và đơn vị chắc năng đang đánh giá thẩm định các sản phẩm với những tiêu chí khắt khe để có thể tiếp tục công bố trong thời gian tới.

“Đơn vị cũng đang nỗ lực tổ chức các sự kiện kết nối sản phẩm OCOP để nhiều người tiêu dùng biết đến, sử dụng sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Chí cho biết.

Kết nối, tạo đầu ra cho sản phẩm

Bằng bí quyết riêng, người dân làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai) đã sản xuất ra sợi miến có hương vị đặc biệt: Dai, dẻo, giòn, thơm… từ củ dong riềng. Ông Dương Đình Khôi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu Dương Kiên chuyên sản phẩn miến dong cho biết: "Khi tham gia chương trinh OCOP, chúng tôi tuyệt đối tuân thủ về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khi sản xuất. Nhờ đó năm 2019, đơn vị tiêu thụ 500 tấn và những tháng đầu năm 2020 xuất khẩu 2 container đi Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn để mở rộng xuất khẩu thời gian tới. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm triên thị trường vẫn còn nhiều khó khăn".

Chú thích ảnh
Quy trình làm tơ lụa truyền thống huyện Mỹ Đức (Hà Nội) được giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô.

Trong khi đó, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) chia sẻ: “Công ty TNHH dâu tằm tơ Mỹ Đức chuyên dệt lụa, trong đó có lụa dệt từ tơ sen. Đây là sản phẩm độc đáo, được làm thủ công rất đẹp và lạ nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Một phần do giá thành cao khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc".

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, do sản phẩm OCOP được sản xuất từ các hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ là chính nên có những hạn chế nhất định, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu; chưa được quảng bá nhiều đến người tiêu dùng...

Với những khó khăn nảy sinh từ thực tiễn, mong muốn được thành phố hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông để mỗi người dân hiểu, lựa chọn và sử dụng sản phẩm OCOP; đồng thời tổ chức các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh giao thương... là nguyện vọng của nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chí cho biết: Thành phố đã tổ chức 4 sự kiện kết nối sản phẩm OCOP với theo từng vùng và sắp tới là sự kiện kết nối với các tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên. Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, đồ thủ công mỹ nghệ, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... Mục tiêu là sản phẩm OCOP phải trở thành một thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn.

Từ góc độ người tiêu dùng, bà Diệu Linh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) cho biết: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể tìm được các sản phẩm đặc sản vùng miền như miến làng So, gạo hữu cơ Đồng Phú... Do vậy, đây là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm sản phẩm đặc sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt. Tuy nhiên thông tin về các sản phẩm này đến với những người nội trợ còn hạn chế”.

Còn ông Nguyễn Anh Phương, Giám đốc miền bắc của chuỗi siêu thị Mega Market Việt Nam cho biết: Tiêu chí để đánh giá sản phẩm OCOP khá tương đồng với tiêu chí tuyển chọn vào siêu thị. Cho nên sản phẩm tham gia chương trình OCOP cũng là giấy chứng nhận để vào siêu thị có liên kết. Chúng tôi có gian hàng riêng để giới thiệu về sản phẩm OCOP và người dân bắt đầu quan tâm hơn đến sản phẩm. Tuy nhiên, để người tiêu dùng quan tâm hơn thì cơ quan chức năng cần truyền thông mãnh mẽ, đặc biết là quá trình đánh giá sản phẩm, giám sát chất lượng để tạo niềm tin.

Đại diện các phòng kinh tế các huyện tại Hà Nội cùng chung nhận xét về các sản phẩm tiềm năng OCOP cho rằng, với sản xuất nông sản chủ yếu là nông hộ, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ và vừa; quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu chưa bài bản... Do vậy, thời gian tới huyện sẽ hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP củng cố chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Do đó, những hội chợ cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại do thành phố Hà Nội liên kết với các tỉnh tổ chức là tiền đề để các sản phẩm có lợi thế của Hà Nội có thể mở rộng thị trường, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân.

Có thể thấy, để những sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, các giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng. Phát huy kết quả đã đạt được, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này, tạo cầu nối giữa sản xuất và thị trường, góp phần phát triển nền kinh tế Thủ đô.

 

Bài và ảnh: XM/Báo Tin tức