06:16 26/06/2025

Thái Nguyên về đích sớm trong công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát

Tỉnh Thái Nguyên đã ghi dấu ấn đậm nét khi hoàn thành sớm mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà mới cho hộ cận nghèo tị Thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận sâu sắc từ nhân dân, sau gần một năm triển khai, Thái Nguyên đã hoàn thành hỗ trợ 1.838 hộ dân, đạt 100% kế hoạch, về đích sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao.

Đặt người dân làm trung tâm

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 102/CĐ-TTg về việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cấp, các ngành nhanh chóng triển khai thực hiện theo phương châm rõ ràng, hiệu quả: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”. Đây là sự kết hợp chặt chẽ giữa vai trò định hướng, điều hành của cơ quan nhà nước và sự vào cuộc của toàn xã hội trong công cuộc hỗ trợ người dân cải thiện điều kiện sống.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, ông Trịnh Việt Hùng, nhấn mạnh: “Kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát của Thái Nguyên không chỉ là con số, mà là minh chứng sinh động cho công tác chỉ đạo, triển khai, sự đồng thuận xã hội và tinh thần nhân văn sâu sắc”.

Ông cũng yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sức lan tỏa của phong trào; đồng thời nâng cao ý thức tự lực vươn lên của người dân sau khi được hỗ trợ, từ đó hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà mới xây dựng cho hộ  nghèo tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai

Tính đến hết tháng 5/2025, toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ cho 1.838 hộ dân, trong đó 1.221 căn nhà được xây mới và 617 căn nhà được sửa chữa, cải tạo. Diện tích mỗi căn nhà bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về không gian sống, an toàn về kết cấu và phù hợp.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình đạt gần 195 tỷ đồng, trong đó hơn 80% được huy động từ nguồn xã hội hóa. Đây là con số ấn tượng, phản ánh sự tham gia tích cực và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cá nhân trong việc góp sức cùng Nhà nước chăm lo cho người nghèo. Mỗi đóng góp, dù là vật chất hay công sức, đều thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” tạo nên phong trào lan tỏa khắp các địa phương.

Đặc biệt, không dừng lại ở việc hoàn thành nhiệm vụ tại địa phương, Thái Nguyên đã chuyển về Trung ương 45,6 tỷ đồng từ phần tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 để hỗ trợ các địa phương khác. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn 3 tỷ đồng, tỉnh Hòa Bình 2 tỷ đồng, góp phần nhân rộng mô hình hiệu quả, lan tỏa tinh thần trách nhiệm liên vùng trong công tác giảm nghèo.

Căn nhà mới – Khởi đầu mới

Đối với hàng nghìn hộ dân trong tỉnh, việc được hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà không chỉ mang lại nơi ở an toàn, mà còn mở ra cánh cửa hy vọng mới trong cuộc sống.

Chị Trần Thị Huế (sinh năm 1985, dân tộc Tày), một trong những hộ được hỗ trợ tại xóm Hạ, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, xúc động chia sẻ: “Do mắc bệnh hiểm nghèo, nên cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Cuối tháng 10/2024, tôi được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới khang trang, có diện tích 45m2, nền lát gạch, mái lợp tôn. Tôi rất vui và biết ơn chính quyền, bà con đã giúp tôi có chốn an cư, từ đây cuộc sống sẽ bớt nhọc nhằn hơn”.

Không riêng chị Huế, hàng nghìn gia đình khác đã bước sang một trang mới với niềm tin và sự vững tâm để ổn định cuộc sống, phát triển sinh kế.

Chú thích ảnh
Thi công sửa chữa nhà cho hộ nghèo ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ.

Kết quả nổi bật mà Thái Nguyên đạt được là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết tâm cao và sự phối hợp đồng bộ. Một số bài học rút ra từ thực tiễn đó là vai trò chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh được phát huy triệt để, đảm bảo không có điểm nghẽn trong triển khai. Sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân đã tạo nguồn lực to lớn, giảm áp lực ngân sách và tăng tính bền vững cho chương trình. Lựa chọn đối tượng, phân bổ kinh phí, tổ chức thi công được thực hiện công khai, có sự giám sát từ Mặt trận và nhân dân.

Việc hoàn thành sớm và toàn diện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Thái Nguyên không chỉ là kết quả đáng khích lệ về mặt xã hội, mà còn là minh chứng cho hiệu quả lãnh đạo, điều hành và tinh thần đoàn kết toàn dân. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục tiến bước trên hành trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hoàng Nguyên