11:03 29/11/2010

Thái Nguyên: "Vàng tặc" hoành hành

Chỉ cách trụ sở UBND xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) vài trăm mét, vậy mà tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực suối Hoan diễn ra ngang nhiên trong nhiều tháng qua.


Chỉ cách trụ sở UBND xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) vài trăm mét, vậy mà tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực suối Hoan diễn ra ngang nhiên trong nhiều tháng qua.

Nạn khai thác vàng trái phép diễn ra ngang nhiên ở suối Hoan, xã Cây Thị.
Ảnh: Thu Hằng


Tận mắt chứng kiến những ụ đất, cát cao ngập đầu người, những hố rộng chừng 10 - 20 m, sâu 4 - 5 m, nối đuôi nhau án ngữ cả một đoạn suối Hoan dài khoảng 5 - 6 km, con suối đục ngầu, biến dạng, những chiếc máy xúc, máy bơm, máy tuyển quặng rung cỡ lớn gầm rú hoạt động... mới thấy sức tàn phá nặng nề của nạn khai thác vàng. Nghiêm trọng hơn là nhiều thửa ruộng nằm ngay sát bờ suối cũng bị đào bới với mục đích... tìm vàng. Quanh đó là hàng chục người dân tay cầm máng gỗ lội dưới suối để đãi vàng. Ông Bàn Văn Long, chủ của một dàn máy móc đang vận hành ở khu vực bờ suối thuộc địa phận xóm Cây Thị khăng khăng cho rằng, máy móc này không phải dùng để khai thác vàng mà đang khai thác cát, sỏi phục vụ việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn của xã, đáp ứng nhu cầu cho các hộ nghèo được làm nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ và việc khai thác cát, sỏi này đã được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chỉ cách khu vực khai thác của ông Long khoảng 20 m, nhiều người dân đang thực hiện các thao tác xúc đất đãi vàng; có người khẳng định những tàu cuốc ở đây không khai thác cát, sỏi mà là khai thác vàng.

Trên thực tế, việc khai thác vàng trái phép ở Cây Thị đã diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng chỉ khai thác thủ công, nhỏ lẻ và lén lút. Việc khai thác vàng rầm rộ với những phương tiện hiện đại như trên mới chỉ diễn ra trong 3 tháng trở lại đây. Nguyên nhân của sự việc này đã được ông Phạm Thanh Sao, Chủ tịch UBND xã Cây Thị lý giải rằng: "Năm nay, xã có hơn 60 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ, xã cũng phải hoàn thành 4 km đường giao thông nông thôn, do chi phí vận chuyển cát, sỏi từ nơi khác về đây cao (khoảng 150.000 – 160.000 đồng/m3), trong khi nếu cho phép các chủ tàu cuốc khai thác tại địa phương, người dân chỉ phải mua với giá 40.000 – 50.000 đồng/m3 nên xã đã đồng ý để các tàu cuốc trên hoạt động trở lại vào giữa tháng 10 đến hết ngày 30/12/2010".

Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, vào đầu tháng 10/2010, khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện về kiểm tra thực địa, phát hiện tình trạng khai thác vàng trái phép rầm rộ ở đây đã yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, huyện, UBND xã Cây Thị đã làm báo cáo gửi UBND huyện ngày 15/10/2010, trong đó khẳng định: "Hiện nay, việc khai thác vàng sa khoáng đã được quản lý, các hộ đã tiến hành san lấp mặt bằng, thu dọn máy móc, dỡ bỏ lán trại, chấp hành theo thông báo và việc xử lý của chính quyền địa phương". Trong báo cáo này, UBND xã Cây Thị còn khẳng định đã đình chỉ, chấm dứt hoạt động của 3 tàu cuốc; buộc các chủ sử dụng đất tự san lấp mặt bằng và tổ chức cưỡng chế đối với các cá nhân cố tình vi phạm... Vậy mà tại thời điểm hiện nay, các máy móc, tàu cuốc vẫn ngang nhiên hoạt động trên dòng suối Hoan.Không biết việc khai thác vàng đội lốt “khai thác cát, sỏi” có thật sự mang lại lợi ích cho người dân xã Cây Thị hay không? Chỉ biết rằng nó đang tàn phá môi trường một cách nghiêm trọng và gây ra nguy cơ mất đi nguồn nước tưới chính cho đất ruộng. Hơn nữa, quyết định cho phép các tàu cuốc khai thác cát, sỏi của xã Cây Thị đã vi phạm Luật Khoáng sản, tiếp tay cho một số cá nhân "đánh cắp" tài nguyên khoáng sản của đất nước, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, UBND huyện Đồng Hỷ chưa có văn bản nào đồng ý để xã Cây Thị cho phép các tàu cuốc khai thác cát, sỏi trên địa bàn xã.


Thu Hằng/TTXVN