07:11 28/07/2025

Thái Lan lo ngại đụng độ với Campuchia sẽ ảnh hưởng đến đàm phán thuế quan với Mỹ

Theo tờ Nation, phía Thái Lan đã thể hiện sự quan ngại trước những động thái gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nhấn mạnh Washington sẽ không tiếp tục các thỏa thuận thương mại nếu đụng độ tại biên giới Thái Lan - Campuchia vẫn còn tiếp diễn.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Thái Lan được triển khai tại tỉnh Surin ngày 25/7/2025, trong bối cảnh xung đột tái diễn tại khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia. Ảnh: AA/TTXVN

Theo nguồn tin chính phủ, Tổng thống Trump đã có các cuộc điện đàm riêng biệt với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai sau khi cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) vào ngày 26/7/2025 không đưa ra được nghị quyết yêu cầu ngừng bắn.

Sau khi được đại diện Mỹ tại UNSC báo cáo tình hình, ông Trump có những động thái trực tiếp can thiệp vào vấn đề này. Ông kêu gọi hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á cần theo đuổi mục tiêu đàm phán hòa bình trước khi tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại.

Áp lực này được nhận định là đang xuất hiện vào thời điểm then chốt, đặc biệt là đối với Thái Lan. Vào tuần trước, quốc gia này vừa chuyển đi những đề xuất thuế quan cuối cùng cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), với kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận trước hạn chót ngày 1/8. Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế quan đối ứng 36% đối với Thái Lan nếu bỏ lỡ hạn chót này.

Với những tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social của ông Trump về xung đột Thái Lan - Campuchia, các cuộc đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Thái Lan dường như đang rơi vào trạng thái “đóng băng”. Một nguồn tin từ Chính phủ Thái Lan cũng xác nhận rằng nhóm đàm phán thương mại của Mỹ đã nhận lệnh đình chỉ mọi cuộc đàm phán với cả hai quốc gia cho đến khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

“Với tình hình leo thang tại biên giới, khả năng thỏa thuận thương mại giữa Thái Lan và Mỹ - hiện đang trong giai đoạn cuối - ngày càng khó xảy ra. Thái Lan có thể sẽ phải tạm chấp nhận mức thuế 36% cho đến khi xung đột biên giới được giải quyết và các cuộc đàm phán có thể được nối lại”, nguồn tin cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nguồn tin cũng nhấn mạnh rằng mặc dù một số quốc gia khác cũng có thể bỏ lỡ hạn chót 1/8, nhưng Thái Lan và Campuchia đang đối mặt với sự trì hoãn đặc biệt do các cuộc đụng độ vẫn đang xảy ra.

Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira từng bày tỏ lạc quan rằng mức thuế của Thái Lan sẽ được điều chỉnh phù hợp với các nước ASEAN khác. Trong bài đăng trên mạng xã hội ngày 27/7, ông tiếp tục nhấn mạnh hy vọng đó.

Theo đó, ông Pichai đã kêu gọi chấm dứt hành động quân sự để mở đường cho đàm phán ngoại giao. Ông nhấn mạnh rằng quan hệ kinh tế và thương mại bền vững phải dựa trên nền tảng hòa bình.

Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), ông Kriengkrai Thiennukul hôm 27/7 đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Thái Lan và Campuchia, cho rằng thế giới cần những nhà lãnh đạo thúc đẩy hòa bình.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc