11:17 14/11/2020

Thái Lan đề xuất ưu tiên 3 lĩnh vực trong hợp tác ASEAN+3

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 14/11 đã đề xuất những ưu tiên cho hợp tác của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á với các nước đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23.

Chú thích ảnh
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 diễn ra dưới hình thức trực tuyến có lãnh đạo và đại diện các nước ASEAN cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Theo Thủ tướng Prayut, cuộc khủng hoảng COVID-19 một lần nữa chứng tỏ ASEAN+3 sẵn sàng chung tay và biến khủng hoảng thành cơ hội, với quan điểm thúc đẩy cộng đồng Đông Á kiên cường và lấy người dân làm trung tâm. 

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết Thủ tướng Prayut cũng đề xuất ASEAN+3 dành ưu tiên cho 3 vấn đề là an ninh sức khỏe cộng đồng bền vững; an ninh kinh tế bền vững; và tăng cường kết nối.

Thứ nhất, an ninh sức khỏe cộng đồng bền vững cần được thúc đẩy. Thái Lan tán thành những đóng góp của các nước ASEAN+3 đối với Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, và mong rằng quỹ này sẽ được sử dụng hiệu quả, đặc biệt là trong việc mua sắm và phân bổ các vật tư và thiết bị y tế thiết yếu cũng như phát triển vaccine và thuốc men mà có thể được tất cả các quốc gia tiếp cận một cách công bằng.

Thái Lan cũng hoan nghênh sáng kiến của Trung Quốc về việc thành lập kho dự trữ vật tư y tế khu vực dành cho các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng của ASEAN+3, và đề xuất rằng Trung tâm Quân y ASEAN có thể được sử dụng cùng với các cơ chế này.

Thứ hai, an ninh kinh tế bền vững cần được thúc đẩy với mục tiêu chính là phục hồi sau suy thoái kinh tế trong ngắn hạn và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế khu vực trong dài hạn. Thủ tướng Prayut kêu gọi ASEAN+3 tận dụng cơ hội này để sửa đổi và phát triển các cơ chế hợp tác hiện có để cùng có lợi theo hướng hiệu quả hơn.

Ổn định tài chính là tâm điểm của khả năng phục hồi kinh tế, vì vậy nên xúc tiến để tăng cường Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai thông qua phát triển đổi mới tài chính, đặc biệt là sử dụng nền kinh tế số và công nghệ. Ngoài ra, ASEAN+3 nên tận dụng Kho Dự trữ gạo Khẩn cấp - một mô hình quan trọng để tăng cường an ninh lương thực khu vực, đặc biệt là để giảm thiểu những tác động của COVID-19 và thiên tai.

Thứ ba, ASEAN+3 cần tiếp tục tăng cường kết nối bằng cách xây dựng dựa trên việc thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN+3 về kết nối các sáng kiến kết nối. Trong những nỗ lực thúc đẩy kết nối liền mạch, ASEAN+3 cũng cần tập trung vào phát triển quan hệ đối tác công-tư và sự tham gia của tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các bên liên quan.

Tại hội nghị, Thủ tướng Prayut đã nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Thái Lan, điều được tất cả các nước trong khu vực chia sẻ, nhằm thúc đẩy một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, và hỗ trợ các tiến trình của giải pháp hòa bình. Thái Lan hy vọng sẽ thấy tiến bộ trong đối thoại và một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngọc Quang (TTXVN)