04:23 21/04/2011

Thái Lan: Báo động tình trạng nạo phá thai tuổi vị thành niên

Cô nữ sinh Nitancha cuối cùng đã bỏ cái thai 5 tháng tuổi trong bụng mình, cho dù ở đất nước Chùa Tháp, nạo phá thai bị coi là hành vi bất hợp pháp và mang thai ở tuổi người vị thành niên bị xem là điều tủi nhục.

Cô nữ sinh Nitancha cuối cùng đã bỏ cái thai 5 tháng tuổi trong bụng mình, cho dù ở đất nước Chùa Tháp, nạo phá thai bị coi là hành vi bất hợp pháp và mang thai ở tuổi người vị thành niên bị xem là điều tủi nhục.

Vụ phát hiện hàng ngàn bào thai tại một ngôi chùa ở Băngcốc hồi cuối năm 2010 đã làm chấn động cả đất nước Thái Lan. Ảnh: Internet

Mang thai ở tuổi 16, Nitancha không dám nói điều đó với gia đình và cũng không nhận được sự chấp thuận của gia đình cha đứa trẻ. Cô bé đã lên mạng
Internet tìm kiếm các biện pháp phá thai.Cuối cùng, sau vài tháng dành dụm được 5.300 bạt (khoảng hơn 3 triệu đồng), Nitancha đã mua và uống một viên thuốc chống viêm loét dạ dày vì cô bé biết được rằng tác dụng phụ của loại thuốc này là có thể gây sảy thai. Kết quả đúng như mong muốn của Nitancha, nhưng kèm với đó là việc cô bé bị ra quá nhiều máu và phải nhập viện.

Nitancha (tên thật đã được đổi) thổ lộ với hãng tin AFP (Pháp): “Tôi chỉ biết một điều rằng tôi phải bỏ đứa bé. Tôi vẫn còn là học sinh. Tôi cần tiếp tục đi học. Tôi còn có tương lai phía trước”.

Tháng 11/2010, cả đất nước Thái Lan rúng động trước thông tin, hơn 2.000 bào thai bị phá tại các cơ sở nạo phá thai bất hợp pháp của tư nhân được đưa đến hỏa táng tại một ngôi chùa ở thủ đô Băngcốc. Ngay lập tức, vấn đề nhạy cảm này được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia. Nhiều biện pháp ngăn chặn nạn nạo phá thai bất hợp pháp đã được đưa ra như: Chính phủ đề xuất quy định mới, cấm quan hệ tình dục với những cô gái dưới 20 tuổi; các nhà làm luật đề nghị nới lỏng luật cấm nạo phá thai hiện hành bằng việc cho phép nạo phá thai trong trường hợp bị cưỡng dâm hoặc việc sinh con có thể gây ra nguy hiểm về thể xác hoặc tinh thần cho người mẹ; còn lực lượng cảnh sát tăng cường kiểm tra đột xuất các phòng khám tư nhân.
Giáo sư Kamheang Chaturachinda, Chủ tịch Quỹ bảo vệ sức khỏe và quyền sinh con của phụ nữ ở Thái Lan, cho rằng: Vụ 2.000 bào thai được phát hiện tại ngôi chùa ở Băngcốc chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Theo vị cựu Chủ tịch Trường Trung học Sản phụ khoa thuộc Hoàng gia Thái Lan này, mỗi năm có khoảng 300.000 – 400.000 phụ nữ Thái Lan (12% - 15% là người chưa thành niên) nạo phá thai tại những cơ sở trái phép, không bảo đảm điều kiện vệ sinh và đội ngũ nhân viên không có chuyên môn. Nạo phá thai ở những cơ sở như vậy rất có thể gặp biến chứng, không loại trừ nguy cơ bị vô sinh, thậm chí tử vong.

“Khi phụ nữ đến các phòng khám chui, thường sau đó họ sẽ chịu những cơn đau do nhiễm trùng”, Chủ tịch hội kế hoạch hóa gia đình Thái Lan Montri Pekanan cho biết. Ông Pekanan cũng ủng hộ “về nguyên tắc” việc nới lỏng luật cấm nạo phái thai hiện hành, trong khi yêu cầu một khung hình phạt nghiêm khắc để bảo đảm an toàn cho phụ nữ.

Jaded Chouwilai, Giám đốc Quỹ những người bạn của phụ nữ, một cơ quan trợ giúp, cũng kêu gọi bảo vệ phụ nữ, những người đã “không có sự lựa chọn” khi phải đưa ra những quyết định như vậy.

Tuy nhiên, hai nhà hoạt động xã hội nói trên cho rằng, khó có thể có thay đổi về luật ở xã hội mà nạo phá thai bị xem là tội lỗi.

Các nhóm bảo về quyền lợi của phụ nữ cho rằng, trong khi chờ đợi xã hội thay đổi, chính phủ Thái Lan cần phát triển các chương trình giáo dục về giới tính và tình dục, với đối tượng chính là người vị thành niên.

Lê Hải (theo AFP)