11:23 24/11/2016

Thách thức với bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên

Các giá trị văn hóa truyền thống của Tây Nguyên đang có nguy cơ mai một nếu không kịp thời có chiến lược bảo tồn thích hợp.

Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng trong Hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ II năm 2016. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Nguy cơ xói mòn


Trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên hiện nay, những ngôi nhà mồ và tượng nhà mồ truyền thống không còn phổ biến nữa. Nhà dài thì vắng bóng. Thay vào đó nhà mồ được xây xi măng và lợp mái tôn, tượng nhà mồ cũng đắp bằng xi măng. Các nghi lễ truyền thống như lễ ăn trâu hiếm dần, lễ cúng bến nước trở nên không cần thiết nữa khi các bến nước mất dần, nước suối được thay bằng nước giếng khoan, nước máy.

PGS.TS Trương Quốc Bình, Chuyên viên cao cấp Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam:

Làm tốt việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống 

Tôi biết thời gian qua, ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đang từng bước phục dựng các lễ hội cồng chiêng, cũng như các lễ hội truyền thống đặc sắc khác như mừng lúa mới, cúng bến nước, bỏ mả, mừng sức khỏe và cầu mưa… Đồng thời đã bảo tồn, sưu tầm, lưu giữ và phổ biến nhiều tư liệu, khảo cứu có giá trị và các hiện vật đặc thù của văn hóa Tây Nguyên. Đặc biệt, sau khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” năm 2005 và năm 2008 được tuyển chọn vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, các ban, ngành hữu quan ở các tỉnh Tây Nguyên đã có những chủ trương nghiên cứu tập trung, cụ thể gồm ba nhóm việc: Sưu tầm và nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, truyền dạy và quảng bá giá trị di sản này. Các phần việc trên đặt ra các hành động cho từng giai đoạn cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng phù hợp với tiềm lực, vật lực và nhân lực của các tỉnh. 

Việc thực hiện các dự án này đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu không thể phủ nhận nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên, nhìn chung đời sống văn hóa của bà con các tộc người thiểu số tại đây cũng đã và đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Về cơ bản, cùng với thay đổi môi trường sống, từ xã hội bộ tộc sang xã hội hiện đại, sự phân hóa giàu nghèo về kinh tế càng tác động dữ dội đến đời sống văn hóa các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. 

Theo đó, rừng bị tàn phá nhanh cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc phá vỡ cấu trúc văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số ở đây. Bản sắc văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên đang suy giảm nghiêm trọng. Các giá trị văn hóa vật thể độc đáo mất dần: nhà cửa, trang phục hoặc đơn giản hóa hoặc mô phỏng theo miền xuôi.



Sau nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên, GS.TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định: Các hình thức nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là cồng chiêng trong các nghi lễ bị sân khấu hóa, mang nặng tính trình diễn. 

Các áng sử thi trầm hùng, các bài kể khan cũng đã mất dần theo sự ra đi của những người cao tuổi. Luật tục, một trong những thiết chế quản lý cộng đồng quan trọng nhất của các tộc người bản địa Tây Nguyên đã không còn đảm nhận được chức năng quản lý vốn có của nó khi mà vai trò của già làng dần bị suy giảm… Tri thức bản địa, các phương cách sinh kế truyền thống, tương tự như vậy cũng biến đổi mạnh mẽ.

Tất cả những điều đó khiến cho nét đặc trưng cùng với tính đa dạng của văn hóa Tây Nguyên mất dần. Hậu quả là các tộc người tại chỗ, thiểu số di cư đến hay dân tộc Kinh dần dần thực hành nhiều hiện tượng văn hóa như nhau, như những gì mà họ nghĩ là văn minh, hiện đại hơn so với các thực hành văn hóa đặc thù của mỗi tộc người.

Ở thôn 8, xã Đắk Ui, huyện Đắk Hà (Kon Tum) có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống đã thống nhất lập ra bản hương ước của thôn với các quy định chung về việc thực hành các nghi lễ. Trong đó điển hình là tục tang ma “9 tộc người 1 phong tục”. 

Du khách ở nơi khác đến dự đám tang, khi nhìn vào đám lễ không còn phân biệt được tang lễ đó của dân tộc nào nữa. Điều đáng nói là hiện tượng này không hiếm mà ngày càng mở rộng để đạt tới sự “thuận tiện trong cộng đồng”.

Thực tế cho thấy, quá trình hiện đại hóa thể hiện qua sự phát triển cơ sở hạ tầng, thay đổi lối sống do giao lưu văn hóa thông qua sự phát triển của du lịch, di cư và đặc biệt là các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa. Đây là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi này. 

“Về mặt thời gian, có thể nói quá trình hiện đại hóa đã diễn ra hàng vài thập kỷ trước, ngay từ khi Pháp đặt chân và thiết lập hệ thống quản lý của họ đến mảnh đất Tây Nguyên. Tuy nhiên, giống như ở nhiều vùng miền núi khác, mốc phát triển có tác động mạnh mẽ đến các vấn đề bảo tồn văn hóa dân gian có lẽ phải kể đến đầu những năm 1980. Các khía cạnh khác nhau của sự “hiện đại hóa” này đã tạo ra cơ hội và thách thức đối với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên”, GS.TS Lê Hồng Lý nhận định.

GS.TS Trịnh Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển phương Đông: 

Gắn giáo dục với văn hóa 

Các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên cần có những giái pháp tích cực và phù hợp để giữ gìn bền vững giá trị đặc sắc văn hóa của các tộc người, không để dần mất đi theo năm tháng. Một trong những giải pháp hàng đầu là có chính sách về việc nhanh chóng khôi phục rừng, bởi rừng được coi là cội nguồn của đời sống tâm linh của con người và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, có chính sách đặc thù để gắn giáo dục với văn hóa Tây Nguyên, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của núi rừng Tây Nguyên, nhất là đưa vào chương trình giáo dục phổ thông trong các trường học. Đồng thời, có chính sách phát triển mạnh du lịch văn hóa bản làng, du lịch sinh thái và xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng ở những nơi có điều kiện về không gian để người dân thực sự phát huy vai trò làm chủ trong hoạt động du lịch.



Về chính sách, sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nhà nước khuyến khích xóa bỏ hoặc cấm các sinh hoạt văn hóa có dấu hiệu mê tín dị đoan, không hợp thời, phi khoa học và lãng phí. 

Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Tây Nguyên được chú ý hơn. Tuy nhiên, với chủ trương “bảo tồn có lựa chọn” chỉ một số di sản và thực hành văn hóa tốt, có giá trị truyền thống và bản sắc tộc người được lựa chọn để khuyến khích bảo tồn thì các thực hành văn hóa bị coi là rườm rà và lạc hậu (như làm đám tang nhiều ngày, ăn uống nhiều ngày trong đám cưới, hay tổ chức ăn uống và cúng tại khu nghĩa địa trong lễ bỏ mả…) bị hạn chế hoặc khuyến khích xóa bỏ.

Đối với các thực hành văn hóa có tính nghi lễ, có chức năng tôn giáo gắn trực tiếp với các nghi thức của cá nhân, dòng tộc và cộng đồng, hàm chứa nhiều ý nghĩa biểu tượng, đã “sân khấu hóa”. 

Các thực hành văn hóa dân gian khác đã mất đi chức năng xã hội cơ bản, mất đi ý nghĩa tôn giáo và biểu tượng của chúng. Việc sân khấu hóa này cũng làm biến mất môi trường truyền dạy truyền thống, nơi khi ché rượu cần mở ra ở bất cứ nghi lễ nào, tất cả các nghệ nhân giỏi, dù là phụ nữ hay nam giới, đều sẵn sàng trở thành người thầy trong khi tất cả mọi thành viên trong làng, dù là trẻ hay già, giàu hay nghèo, đều có thể có cơ hội học đánh chiêng “miễn phí” trong một môi trường tốt nhất.

Tiết mục biểu diễn của Trường Đại học Tây Nguyên tại Liên hoan thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV - năm 2016. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Biến đổi không gian sinh tồn

Bên cạnh tác động của chính sách bảo tồn, những thay đổi kinh tế - xã hội cũng có tác động đến việc bảo tồn và phát huy nhiều loại hình văn hóa dân gian. Chẳng hạn như sự thay thế canh tác lúa rẫy bằng cà phê hoặc các cây trồng công nghiệp khác. Sự chuyển đổi cây trồng đã làm mất hoàn toàn các nghi lễ nông nghiệp của cộng đồng. 

Việc biến mất các nghi lễ nông nghiệp cũng làm cho môi trường và cơ hội trình diễn và thực hành cồng chiêng bị suy giảm. Sự thay đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng cũng khiến cho môi trường diễn xướng, truyền dạy bị mất đi.

Ông Phạm Quang Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): 

Đa dạng tộc người dẫn đến sự đa dạng về văn hóa 

Sự đa dạng tộc người ở Tây Nguyên cũng đồng nghĩa với sự đa dạng văn hóa tộc người. Tuy nhiên, văn hóa tộc người không phải là bất biến, mà nó luôn biến đổi cùng với quá trình tồn tại, phát triển của mỗi tộc người và giao lưu tiếp xúc với các tộc người khác. 

Đối với các tộc người ở Tây Nguyên, đặc biệt là các tộc người thiểu số tại chỗ, quá trình biến đổi văn hóa diễn ra mạnh và đột ngột, dẫn đến tình trạng đứt gẫy văn hóa truyền thống, ảnh hưởng đến tính liên tục của sự phát triển. Cần quán triệt quan điểm thực sự kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; cần có cái nhìn xuất phát từ quan điểm phát triển nền văn hóa của mỗi vùng, mỗi tộc người. 

Cần nghiên cứu và kế thừa hiệu quả những ứng xử văn hóa, những kiến thức, tri thức địa phương, hệ thống quản lý cộng đồng truyền thống của các dân tộc trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, dự án phát triển tại địa phương.



Môi trường sống và không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên chính là buôn làng của họ, cùng với hệ sinh thái rừng và đất rừng, thung lũng, sông suối xung quanh. 

Theo nhà dân tộc học Ngô Đức Thịnh: “Một khi không gian sinh tồn ấy bị thu hẹp và xâm phạm thì nó trực tiếp đe dọa tới sự tồn vong của cộng đồng cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần”. Thực tế cho thấy, không gian sinh tồn của các cộng đồng người dân tộc ở Tây Nguyên đang bị thu hẹp một cách đáng kể. 

Nhiều buôn làng không còn những khoảng đất hay khu rừng đủ rộng để thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng. Diện tích đất canh tác của các buôn không còn đủ để người dân thực hành mô hình nông nghiệp lưu canh, luân khoảnh hoặc đa canh, xen canh như truyền thống họ đã làm.

Sự thay đổi này, một mặt có nguyên nhân từ sự nhập cư ồ ạt của người dân khắp mọi miền đất nước theo các chương trình di cư. Sự thu hẹp về không gian sinh tồn của các tộc người thiểu số tại chỗ, quan trọng hơn, xuất phát từ sự thành lập các nông lâm trường quốc doanh và trong vài năm gần đây là nông lâm trường tư nhân.

Sự thu hẹp và thay đổi không gian sinh tồn đã có tác động một cách tiêu cực lên mọi mặt của đời sống của nhiều cộng đồng, từ văn hóa, sinh kế cho đến quan hệ xã hội giữa các cộng đồng cũng như các thành viên trong một cộng đồng.

Cần xóa bỏ định kiến

Theo GS.TS Lê Hồng Lý, cần thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá về vai trò, giá trị và chức năng của các thực hành văn hóa cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên, nhất là văn hóa của các dân tộc thiểu số cũng như năng lực chủ thể của các cộng đồng này trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa dân tộc cũng như trong phát triển kinh tế. Khắc phục và dần tiến tới xóa bỏ định kiến về các thực hành văn hóa Tây Nguyên.

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai:

Giảm sút số nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống 

Trên địa bàn tỉnh, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một và mất dần theo thời gian. Số lượng nghệ nhân am hiểu về văn hóa truyền thống trong cộng đồng cũng ngày một giảm sút. Mặt khác, những yếu tố bên ngoài khiến nhận thức của một bộ phận người dân tộc thiểu số cũng có thay đổi. Đó là thực trạng cần sớm quan tâm, điều chỉnh để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.



Giảm các mô hình phát triển và chính sách phát triển làm suy giảm sự đa dạng văn hóa, đặc biệt là đa dạng sinh kế cũng như nghiên cứu, cân nhắc kỹ các mô hình sinh kế có thể tạo ra sự phụ thuộc vào bên ngoài ở khu vực Tây Nguyên. 

Thêm vào đó, Tây Nguyên là vùng đa dạng về dân tộc, về truyền thống văn hóa và hoàn cảnh xã hội nên cần tránh xây dựng và phát triển các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa theo mô hình “một cho tất cả”.

Cân nhắc sửa đổi và bổ sung một số quy định pháp lý về sở hữu đất đai, đặc biệt là quyền sở hữu cộng đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất, phân hóa giàu nghèo và sự đổ vỡ của nhiều thực hành văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ của 5 tỉnh Tây Nguyên xuất phát từ Luật Đất đai không công nhận hình thức sở hữu đã được người dân thực hành hàng trăm năm nay. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, GS. TS Lê Hồng Lý cho rằng: Cần xây dựng các khung pháp lý để khuyến khích và phát huy hơn nữa các thiết chế văn hóa và thực hành văn hóa phi chính thống (luật tục, già làng, đổi công, tri thức địa phương, quan hệ dòng họ, tín ngưỡng - tâm linh) trong quản lý và an sinh xã hội vốn đã và đang được thực hành ở các cộng đồng.

Dù Tây Nguyên hôm nay đã mang một diện mạo hoàn toàn mới dưới ảnh hưởng của những biến đổi nhanh chóng trong mọi mặt của đời sống làm cho nhiều yếu tố văn hóa truyền thống đã bị mai một, song có thể nói, nền tảng văn hóa truyền thống vẫn chi phối mạnh mẽ văn hóa đương đại. Những sự biến đổi, phát triển vẫn được xây dựng và sáng tạo nên trên cơ sở truyền thống, tạo ra những ấn tượng tốt đẹp cho văn hóa Tây Nguyên, tạo ra tính huyền ảo, kỳ vĩ, giàu có và sự hấp dẫn đầy ma lực của vùng đất này.

Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng được 1.353 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, 733 nhà rông văn hóa.



Trong xã hội đương đại ở Tây Nguyên, xu hướng phục hồi và sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống như nhiều lễ hội được thực hành trở lại, nhiều di sản văn hóa được hồi sinh, nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức trở lại… 

Song các giá trị văn hóa truyền thống cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một và mất đi nếu không có chiến lược bảo tồn thích hợp hay không còn tìm được chỗ đứng trong đời sống hiện đại. Đây là một vấn đề cần lưu ý khi nghiên cứu và đặc biệt là thiết kế và triển khai các chương trình phát triển ở Tây Nguyên hiện nay và trong tương lai.

V.T