05:12 24/05/2014

Thách thức trong vùng EEZ và nguy cơ đụng độ Trung-Mỹ

Liệu rằng Mỹ có chấp nhận cách lý giải về UNCLOS của Trung Quốc, và liệu các tàu của Mỹ có bị cấm hoạt động tại các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là EEZ của mình ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi hiện nay chiếm 1/3 diện tích đại dương thế giới?.

Liệu rằng Mỹ có chấp nhận cách lý giải về UNCLOS của Trung Quốc, và liệu các tàu của Mỹ có bị cấm hoạt động tại các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là EEZ của mình ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi hiện nay chiếm 1/3 diện tích đại dương thế giới?

Bên miệng hố chiến tranh

Theo Jeff M. Smith, Giám đốc Chương trình Nam Á, một thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ (AFPC) ở Washington và Joshua Eisenman, Phó Giáo sư là học giả cao cấp Nghiên cứu về Trung Quốc tại AFPC và đã được bổ nhiệm làm trợ lý giáo sư tại Đại học Austin Lyndon B Johnson, Texas (Mỹ), trong chuyến thăm gần đây tới Trung Quốc của Bộ trưởng Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thường Vạn Toàn, cảnh báo Bắc Kinh sẽ “không thỏa hiệp, không nhân nhượng, và không thương lượng” trong cuộc chiến cho cái mà ông này gọi là vì “toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Bắc Kinh. Ảnh: sina


Tướng Thường Vạn Toàn nói với ông Hagel rằng “quân đội Trung Quốc có thể huy động, tập hợp ngay khi có lệnh, chiến đấu và chiến thắng”. Những phát ngôn trên xuất hiện giữa lúc sự leo thang của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang tăng cao nhằm đòi thay đổi hiện trạng ở khu vực Thái Bình Dương, làm gia tăng mối quan ngại của các quốc gia trong khu vực.

Từ năm 2009, thái độ hung hăng, thích gây hấn với bên ngoài của Trung Quốc ngày càng tăng cao tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Cụ thể, Bắc Kinh đã tạo ra sự xung đột với hầu hết các nước láng giềng trên biển, ví dụ như: Tranh chấp với Tokyo xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, với Philippines về bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough). Đặc biệt là mới đây, Trung Quốc đã ngang nhiên bất chấp luật pháp quốc tế hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Tháng 2 vừa qua, Đô đốc hải quân Mỹ Jame Fanell, người đứng đầu Cơ quan thông tin và tình báo Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ lên tiếng cảnh báo rằng, những hoạt động gần đây của Hải quân Trung Quốc cho thấy lực lượng này đang sẵn sàng “tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, nhằm đánh chiếm lại các hòn đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư, thậm chí là quần đảo Ryuku ở phía nam mà Nhật Bản đang kiểm soát ở biển Hoa Đông”.

Tình trạng căng thẳng ở Hoa Đông và biển Đông đang ngày cành gia tăng với việc “lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc đóng vai trò gây hấn, quấy rối, trong khi những tàu của Hải quân Trung Quốc thì tiến hành tuần tra trong khu vực cùng những lời hứa hợp tác và hữu nghị”.

Đầu tháng 5 này, Trung Quốc đã tiến hành một canh bạc nguy hiểm và tạo ra cảm giác “bên miệng hố chiến tranh” khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời triển khai hàng trăm tàu các loại, trong đó có cả tàu chiến và máy bay chiến đấu để bảo vệ giàn khoan này.

Bộ quy tắc CUES

Trong một nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng ở Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo hải quân từ hơn 20 nước thuộc Thái Bình Dương đã ký vào một Bộ quy tắc về những vụ chạm trán ngoài kế hoạch trên biển, gọi tắt là CUES, tại một hội nghị ở Thanh Đảo, Trung Quốc vào tháng trước. Thỏa thuận này được cho là “phù hợp” nhằm phát triển xu hướng hòa bình hiện nay tại khu vực, nhưng thật không may, nó lại “thiếu tính khả thi”.
 

Tàu chiến của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương.


Bộ quy tắc trên không có tính ràng buộc, nó chỉ điều chỉnh cách thức thông tin trong những cuộc đụng độ bất ngờ mà không nói đến hành vi; nó thất bại trong việc giải quyết những va chạm trong vùng tuyên bố chủ quyển của mỗi quốc gia; và không áp dụng cho tàu cá, tàu hải giám, đối tượng phải chịu trách nhiệm chính trong những hoạt động gây rối của Trung Quốc. Quan trọng nhất đó là Bộ quy tắc trên đã thất bại trong việc giải quyết những quan ngại chủ yếu về mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc: những lý giải cơ bản trái ngược nhau về quyền hợp pháp của các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Mỗi khi căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh hải tăng cao, Mỹ và Trung Quốc đã và đang đấu tranh với nhau nhằm bảo vệ quan điểm của mình, đi cùng với đó là sự chia rẽ và xung đột về lợi ích trên biển. Mặc dù điều này vẫn chưa được chú ý nhiều ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông, nhưng những tranh cãi về mặt pháp lý ẩn chứa những mối nguy hiểm lớn và thực sự đã dẫn tới sự đối đầu trên biển giữa các tàu hải quân của Trung Quốc và Mỹ.

Trong lịch sử, biển trên thế giới được chia thành 2 loại: “lãnh hải” là vùng biển thuộc chủ quyền của một quốc gia kéo dài 3 hải lý tính từ bờ biển, và vùng “biển cả” - vùng không hạn chế hay còn gọi là vùng biển quốc tế. Trong suốt nhiều thập kỷ dài thương lượng, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) bắt đầu có hiệu lực năm 1994, trong đó các bên tham gia đồng ý mở rộng lãnh hải của một quốc gia từ 3 lên 12 hải lý và thiết lập một số đường biên giới mới trên biển bao gồm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mở rộng 200 hải lý từ đường cơ sở. Ở đây, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các hoạt động khai thác kinh tế, nghiên cứu khoa học biển và những thứ liên quan khác. Mặc dù không phải là một bên trong UNCLOS, nhưng Mỹ giám sát quá trình thực thi UNCLOS trên thực tế.


Công Thuận
(còn tiếp)

Xem Kỳ 2: Những tranh cãi pháp lý và trò chơi nguy hiểm