11:09 10/11/2014

Thách thức mới của Mỹ khi Nga, Trung xích lại gần nhau

Chiến dịch trừng phạt kinh tế và gây áp lực chính trị đối với Nga đang khiến Moskva xa rời phương Tây và xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Trung Quốc coi Nga như là người thay thế phương Tây về sự tin cậy và công nghệ.

Tổng thống Mỹ Obama ngày 9/11 bắt đầu có chuyến công du tới Bắc Kinh nhằm làm mới những nỗ lực xoay trục tới châu Á trong chính sách đối ngoại của Washington. Nhưng chắc chắn một điều là khi đến nơi ông sẽ phải đối mặt với người “quyền lực nhất thế giới” (theo đánh giá của tạp chí Forbes), Tổng thống Nga Viladimir Putin, người đã làm ông chủ Nhà Trắng “vỡ mộng” nhiều lần trước đó. Như Đại sứ quán Nga tại Washington từng phát biểu vào tuần trước: “Mỹ đang xoay trục tới châu Á, nhưng chúng tôi đã ở đó rồi”.

Khi Tổng thống Obama trở lại châu Á, Nga và Trung Quốc cũng đang xích lại gần nhau hơn, tạo ra một đối trọng thách thức phương Tây. Tổng thống Nga Putin cũng sẽ tới Bắc Kinh trong tuần này để tìm kiếm sự ủng hộ cũng như củng cố sự hợp tác về kinh tế và chính trị trong bối cảnh Moskva và phương Tây đang tiến hành các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái).


Hiện đang có sự tranh cãi nảy lửa ở Washington rằng liệu có phải các quan chức chính phủ và chuyên gia quốc tế Mỹ đã quên đánh giá về triển vọng của một mối quan hệ liên minh thực sự giữa Moskva và Bắc Kinh. Tuy nhiên, một số người cho rằng chính quyền Obama nên xem xét nghiêm túc về một thách thức tiềm tàng khi Nga đang theo đuổi các thỏa thuận về năng lượng, tài chính và quân sự với Trung Quốc.

Theo lời Đại sứ quán Nga tại Washington Sergei Kislyak, “Nga ngày càng quan tâm đến khu vực châu Á, họ (các nước châu Á) là những đối tác tốt của Nga” và thỏa thuận khí đốt gần đây giữa Moskva và Bắc Kinh trị giá 400 tỷ USD “chỉ là một sự khởi đầu, trong tương lai sẽ còn có nhiều dự án hợp tác hơn nữa giữa Nga và Trung Quốc”.

Vấn đề “xoay trục” của Nga sang Trung Quốc cũng đã được nhắc tới trong một bản báo cáo do Nhà Trắng soạn thảo về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Moskva. Bản báo cáo đã đưa ra vài dự báo về một chính sách nhằm đối phó với những gì mà các quan chức Mỹ gọi là “chủ nghĩa Putin” trong dài hạn, trong khi vẫn tìm cách hợp tác với Nga, đặc biệt là về các vấn đề như chương trình hạt nhân của Iran, chủ nghĩa khủng bố và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Mặc dù không có sự bất đồng quan điểm trong chính quyền Mỹ về việc làm thế nào để đánh giá ông Putin, nhưng lại có sự tranh cãi về việc Washington sẽ phải làm gì tiếp theo và một câu hỏi lớn đặt ra là liệu cuộc xung đột ở Ukraine sẽ xác định mối quan hệ và ảnh hưởng tới các khu vực khác, nơi mà cả Nga và Mỹ cùng chia sẻ lợi ích, như thế nào?

Theo cách nhìn của chính quyền Mỹ, những nỗ lực của ông Putin trong hợp tác với Bắc Kinh giống như là “một cú đấm” nhằm vào Washington, nhưng một số chuyên gia cho rằng, với một lịch sử phức tạp, thiếu tin tưởng lẫn nhau và sự chênh lệch về kinh tế cuối cùng sẽ khiến cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không bền vững. Tuy nhiên, những người khác lại cảnh báo rằng không nên đánh giá thấp tiềm năng hợp tác giữa Bắc Kinh và Moskva.

“Có nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ Nga-Trung đang ngày càng mạnh mẽ hơn”, học giả Gilbert Rozman tại Đại học Princenton (Mỹ) cho biết. Còn theo Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Các vấn đề quốc tế Belfer tại Đại học Harvard, Tổng thống Nga dường như đang tăng cường mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và “họ nói chuyện với nhau rất vô tư, thoải mái và ở một mức độ hợp tác mà họ không tìm thấy ở các đối tác khác”.

Tổng thống Putin đã ký một hợp đồng khí đốt với Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD vào tháng 5 vừa qua.


Ông Tập Cận Bình đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên và dự lễ khai mạc Thế vận Hội Sochi 2014 tại Nga ngay sau khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, trong khi Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu khác tẩy chay việc tham dự sự kiện thể thao trên. Cả Nga và Trung Quốc đều có chung quan điểm khi cho rằng Mỹ là một đế quốc luôn can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và không thể kiểm soát được trật tự kinh tế quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo Douglas Paal, một chuyên gia về châu Á tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế, trong khi các nhà lãnh đạo của Trung Quốc trong quá khứ nhìn Nga với con mắt cảnh giác, thì nay “Chủ tịch Tập Cận Bình không có lo lắng gì về Tổng thống Nga Putin”.

Vào tháng 5 vừa qua, khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Moskva liên quan đến vấn đề Ukraine, Tổng thống Putin đã ký một hợp đồng khí đốt với Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD. Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng ký một gói 38 thỏa thuận tại Moskva, bao gồm một hợp đồng tiền tệ và một hiệp ước về thuế. Tuần trước, ông Putin tuyên bố rằng 2 nước đã đạt được một nhận thức chung về một hợp đồng khí đốt lớn khác. Mối quan hệ về kinh tế giữa Trung Quốc và Nga cũng đã được tăng cường. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Đức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với 90 tỷ USD giao dịch thương mại giữa hai nước năm ngoái, và đang tăng lên trong năm nay, trong khi giao dịch thương mại với châu Âu giảm xuống.

“Chiến dịch trừng phạt kinh tế và gây áp lực chính trị đối với Nga đang khiến Moskva xa rời phương Tây và xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Trung Quốc coi Nga như là người thay thế phương Tây về sự tin cậy và công nghệ”, Sergei Rogov , Giám đốc Viện Nghiên cứu về Mỹ và Canada tại Moskva chia sẻ.

Tuần này, cả Tổng thống Mỹ và Nga sẽ tới Bắc Kinh dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và sau đó tới Brisbane, Australia dự Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế mới nổi G-20. Ông Obama hy vọng trong chuyến đi này sẽ đạt được tiến bộ về thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi Nga và Trung Quốc đều không nằm trong số các nước đàm phán để gia nhập khối này, và ông Putin nói rằng TPP sẽ không hiệu quả nếu không có Moskva và Bắc Kinh.

Theo các quan chức Nga, những vấn đề như vậy chỉ là “chất xúc tác” để Moskva và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn. Nếu Mỹ và EU là những đối tác không đáng tin cậy thì Trung Quốc được coi là “hấp dẫn” hơn. “Chúng tôi tin tưởng họ và chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc cũng tin tưởng Nga như vậy”, ông Kislyak kết luận.


Công Thuận (New York Times)