05:20 01/05/2014

Thách thức lớn của Nga trong thập kỷ tới-Kỳ 1: Trở lại vị thế siêu cường

Đầu năm 2014, cả Olimpic Sochi và những sự kiện diễn ra tại Ukraine khiến Nga trở thành tâm điểm chú ý của thế giới và đang trở lại là một siêu cường. Rõ ràng, Tổng thống Putin đã thành công trong việc khôi phục lại vị thế của Moskva như một cường quốc địa chính trị thông qua chính sách đối ngoại của mình.

Trong tháng 2/2014 cả Olympic Sochi và những sự kiện diễn ra tại Ukraine khiến Nga trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Cả hai sự kiện trên đều cho thấy một điều rằng Nga đang trở lại là một siêu cường trên toàn cầu. Rõ ràng là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành công trong việc củng cố quyền lực và quan trọng hơn, ông đã khôi phục lại vị thế của Nga như một cường quốc địa chính trị thông qua chính sách đối ngoại của mình.

Tuy nhiên, Wikistrat, trung tâm tư vấn hàng đầu thế giới, đã tổng hợp những báo cáo phân tích của hơn 40 chuyên gia và chỉ ra những thách thức lớn nhất mà Nga và những lãnh đạo của họ phải đối mặt trong vòng 1 thập kỷ tới, bao gồm: Những nguy cơ trong việc mở rộng quyền lực của Moskva ra bên ngoài, những khó khăn mang tính hệ thống trong nền kinh tế, việc chuyển đổi quyền lực sau khi Tổng thống Putin kết thúc nhiệm kỳ, các vấn đề về nhân khẩu học và những xu hướng ly khai cùng với chủ nghĩa quốc gia ngày càng tăng.

Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược của Nga chuẩn bị diễu hành trong Ngày Chiến thắng tại Moskva ngày 29/4. Ảnh: Itar-tass


Điều chỉnh vị thế siêu cường với thực tế ngoại giao


Cách tiếp cận của Nga về vấn đề Ukraine thể hiện một chính sách đối ngoại ngày càng tự tin, chủ động và tích cực. Điều này được hỗ trợ bởi sự "yếu kém trong nhận thức" của EU, một sự "sao nhãng" của Mỹ đối với khu vực và một lập trường nhất quán từ Trung Quốc. Năm 2013, Tổng thống Putin tuyên bố Moskva đã giành được nhiều chiến thắng ngoại giao quan trọng ở Trung Đông, Azerbaijan và khu vực không gian hậu Xô viết. Tuy nhiên, có những rủi ro nhất định liên quan đến những chính sách đối ngoại này.

Nga sẽ cần phải xử lý nhiều vấn đề cùng một lúc khi trở lại là một siêu cường và trở thành một đối trọng chính trị của phương Tây. Hiện, Nga được cho là vẫn thiếu nhân lực, tài chính, ngoại giao hoặc các nguồn lực quân sự cần thiết để kiểm soát tất cả các mục tiêu cùng một lúc. Theo các chuyên gia, việc sáp nhập Crimea mặc dù có lợi thế về mặt chiến thuật nhưng lại là thách thức về mặt chiến lược đối với Moskva. Cô lập ngoại giao ngày càng tăng sẽ khiến Nga khó có khả năng tạo ra thế cân bằng quyền lực giữa châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù gần đây Trung Quốc tạm thời được coi là một đồng minh của Nga, nhưng giữa họ vẫn còn một số sự xung đột về lợi ích.

Bên cạnh đó, Nga cũng sẽ cần một số sự thỏa hiệp trên "mặt trận" Bắc Cực khi một thỏa thuận đa phương về khu vực này dường như khó xuất hiện. Việc xuất hiện các tuyến đường thương mại sẽ thúc đẩy các nước không thuộc Hội đồng Bắc Cực tham gia nhằm gây ảnh hưởng trong khu vực này.

Nếu các nỗ lực chính sách đối ngoại của ông Putin thất bại (đặc biệt là khi thất bại liên quan đến nền kinh tế của Nga), nó có thể khiến cho cơ cấu quyền lực của Moskva sụp đổ.

Giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống của nền kinh tế để tăng trưởng bền vững

Những tháng gần đây đã xuất hiện một loạt các báo cáo về triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Nga trong những năm tới. Cuối năm 2013, chính phủ Nga thừa nhận rằng các vấn đề kinh tế khó khăn là kết quả của sự mất cân bằng từ bên trong chứ không hoàn toàn là do sự tác động của các yếu tố bên ngoài. Một trong những vấn đề mang tính hệ thống được nói đến nhiều nhất là Moskva quá phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, trong khi phải trợ cấp cho các ngành công nghiệp ít có khả năng cạnh tranh.

Kết quả là, sự phụ thuộc này làm hạn chế sự năng động của nền kinh tế Nga, đặc biệt là nếu giá dầu giảm hoặc thị trường khí đốt toàn cầu có tính cạnh tranh hơn. Tương tự như vậy, đầu tư nước ngoài bị cản trở bởi tham nhũng, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Một số ngành công nghiệp quan trọng đang có nguy cơ giải thể hoặc thiếu đầu tư (ví dụ như ngành sản xuất nhôm).

Tổng thống Putin đã giúp Nga trở lại là một siêu cường.


Theo nhận định của giới phân tích, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva liên quan đến vấn đề Ukraine sẽ khiến cả hai phía bị tổn thất, song Nga sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn bởi nền kinh tế đã rơi vào cảnh khó khăn từ hai năm qua. Căng thẳng ở Ukraine đã dẫn tới "cuộc khủng hoảng niềm tin" ở Nga, khiến đầu tư sụt giảm mạnh và thương mại sa sút. Các số liệu mới công bố cho thấy thực trạng đáng quan ngại về kinh tế Nga. Cụ thể là nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2014 chỉ đạt 0,8%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 2,5% mà Bộ Kinh tế đưa ra trước đó.

Bên cạnh đó, chỉ số chứng khoán chủ chốt tại thị trường chứng khoán Moskva đã giảm 10% trong tháng 3/2014, do dòng vốn chảy khỏi thị trường. Trong 3 tháng đầu năm nay, đồng ruble để mất 9% giá trị so với đồng USD, khiến các hóa đơn nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Cùng thời gian này, các nhà đầu tư đã rút tới 70 tỷ USD khỏi Nga, vượt xa con số 63 tỷ USD của cả năm 2013. Đầu tư đã giảm 4,8% trong quý 1/2014.

Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, tình trạng thoái vốn trên thị trường là hệ quả của việc một khối lượng lớn đồng ruble được đổi ra ngoại tệ. Ông Siluanov thừa nhận việc vốn bị rút khỏi thị trường làm giảm cơ hội đầu tư và gây thêm khó khăn cho ngân sách. Tăng trưởng trì trệ cũng liên quan đến việc Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng và nền kinh tế chưa được hiện đại hóa. Bộ trưởng Siluanov nhận định kinh tế Nga đang phải đối mặt với các điều kiện khó khăn nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008. Vì thế, tăng trưởng GDP trong năm nay có khả năng sẽ chỉ ở mức 0%.

Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), không tính đến các biện pháp trừng phạt thực tế, trong điều kiện căng thẳng chính trị với Ukraine, nền kinh tế Nga có thể giảm 1,8% trong năm nay theo kịch bản bi quan, hoặc tăng 1,1% nếu theo kịch bản lạc quan. Trưởng phái bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Moskva Antonio Spilimbergo ngày 30/4 cho biết kinh tế Nga "đang trải qua suy thoái" và giải pháp cho khủng hoảng ở Ukraine sẽ giảm đáng kể những biến đổi về kinh tế của Nga. "Nếu bạn hiểu suy thoái bằng việc tăng trưởng kinh tế âm trong hai quý thì Nga hiện đang trải qua tình trạng suy thoái", ông Spilimbergo nói và cho biết thêm rằng IMF đã cắt giảm dự đoán tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2014 từ 1,3% xuống còn 0,2%, đồng thời cho biết 100 tỷ USD tiền vốn sẽ chảy khỏi Nga trong năm nay.

Nhu cầu hiện nay của Nga là khẩn trương đa dạng hóa nguồn thu của mình, có thể thông qua sự xuất hiện của các ngành công nghiệp mới. Nếu điều này không xảy ra, Nga không chỉ phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám, mà còn thất bại trong việc biến Moskva thành một trung tâm tài chính toàn cầu, dẫn đến sự gia tăng căng thẳng xã hội và nguy cơ phá sản tiềm năng đối với một số khu vực.


Công Thuận

Xem kỳ cuối "Sự chuyển đổi quyền lực hậu Putin" tại đây