10:19 15/10/2014

Thách thức hồi phục kinh tế toàn cầu

Tình trạng trì trệ, tăng trưởng chậm hay suy giảm ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đang khuấy đảo các thị trường tài chính toàn cầu và khiến các nhà hoạch định chính sách lúng túng, bởi họ không còn nhiều công cụ để hồi phục nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng èo uột.

Tình trạng trì trệ, tăng trưởng chậm hay suy giảm ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đang khuấy đảo các thị trường tài chính toàn cầu và khiến các nhà hoạch định chính sách lúng túng, bởi họ không còn nhiều công cụ để hồi phục nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng èo uột.

Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm ở Đức đang làm gia tăng những lo ngại về cuộc suy thoái thứ ba ở Khu vực sử dụng đồng euro trong vòng sáu năm qua. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm lại sau giai đoạn bùng nổ tín dụng và điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến các nước trong khu vực. Kinh tế Nhật Bản gần đây cũng suy giảm mạnh bất chấp cuộc “tổng tiến công” chính sách nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ trong nhiều năm. Một số nền kinh tế "đầy sinh lực" một thời, từ Brazil cho đến Nam Phi, cũng đang có những khó khăn riêng.


Kinh tế Mỹ vẫn là một điểm sáng trong bức tranh tổng thể u ám đó. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là kinh tế Mỹ có khả năng tăng tốc hơn hay không khi mà các đối tác thương mại lớn nhất của nước này vẫn vật lộn với khó khăn. Các quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương nước này) đã bắt đầu lên tiếng bày tỏ quan ngại về những yếu kém tại các nền kinh tế bên ngoài và những tác động đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.


Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu tại hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington ngày 10/10. Ảnh: THX/TTXVN


Các quan chức Fed đang theo dõi xem sự suy yếu ở bên ngoài đã khiến đồng USD tăng giá ra sao vì điều này có thể giúp Fed giữ lạm phát dưới mục tiêu đề ra song cũng tác động tiêu cực tới tăng trưởng của Mỹ do cản trở xuất khẩu. Phó Chủ tịch Fed Stanley Fischer nói nếu đà tăng trưởng kinh tế ở bên ngoài yếu hơn dự báo và ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ thì quyết định nâng lãi suất của Fed sẽ phải lùi lại.


Tại hội nghị vừa qua của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các bộ trưởng tài chính và các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới cũng đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất trong nhiều năm qua về hệ quả của sự trì trệ về kinh tế cùng với các mối đe dọa khác, từ khủng hoảng Ukraine, bất ổn tại Trung Đông đến dịch bệnh Ebola. Tuần trước, IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Singapore, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Chính sách của IMF, ông Tharman Shanmugaratnam nhấn mạnh rằng kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng thấp kéo dài.


Sáu năm sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách giờ đây còn không nhiều công cụ trong tay sau khi đã áp dụng nhiều cách để trấn an cũng như tiếp thêm sinh lực cho các thị trường. Thế nhưng, nhiều nền kinh tế vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng cần thiết vì các quan chức được bầu chọn nỗ lực thúc đẩy cải cách kinh tế hà khắc hơn. Ở một số nền kinh tế lớn, các biện pháp kích thích đã để lại gánh nợ, khiến việc thúc đẩy chi tiêu công hết sức khó khăn về mặt chính trị.


Tại cuộc họp vào đầu tháng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi để ngỏ khả năng ECB sẽ thực hiện các bước đi kế tiếp, trong đó có việc mua trái phiếu chính phủ, như các ngân hàng trung ương tại Mỹ, Anh và Nhật Bản đã làm, dù động thái này không được Đức nhất trí vì lo ngại lạm phát.


Các quan chức tại Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các nền kinh tế thị trường đang nổi khác cũng lo ngại không kém khi mức tăng trưởng ở các nền kinh tế này thấp hơn trước khi xảy ra khủng hoảng. Các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ tổn thất nhiều hơn nữa khi mà thương mại toàn cầu chậm lại. Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao cho rằng cả thế giới đều chờ đợi kinh tế ở châu Âu tăng trưởng.


Tuy nhiên, vẫn chưa có sự đồng thuận tại châu Âu về cách thức điều chỉnh các chương trình kích thích kinh tế tại Đức và các nước khác vốn không muốn rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách lớn hơn do tăng chi tiêu công. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cảnh báo rằng thế giới cần phải giải quyết các thách thức hiện tại mà không lặp lại những sai lầm được cho là căn nguyên của cuộc khủng hoảng.



Lê Dương (Theo "Thời báo phố Wall")