04:23 24/04/2015

Thắc mắc về thẩm quyền thu hồi đất

Người dân tại khu vực dự án 4.5 NO Lê Văn Lương (Hà Nội), nơi được cấp phép trở thành Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở để bán, đang vô cùng bức xúc vì UBND quận Thanh Xuân ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất mà chưa hề có sự thống nhất với họ.

Người dân tại khu vực dự án 4.5 NO Lê Văn Lương (Hà Nội), nơi được cấp phép trở thành Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở để bán, đang vô cùng bức xúc vì UBND quận Thanh Xuân ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất mà chưa hề có sự thống nhất với họ. Trong khi đó, đại diện quận lại cho rằng họ có đủ thẩm quyền để làm việc này.

Vị trí khu đất dự án 4.5 NO Lê Văn Lương được quây tôn kín.


Theo đơn tố cáo gửi báo Tin Tức ngày 14/4/2015 của gần 30 hộ dân sinh sống tại ngõ 125 Hoàng Ngân (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), khu tổ hợp thương mại tại lô đất 4.5 NO đường Lê Văn Lương là dự án thương mại. Do đó, việc UBND quận Thanh Xuân ra quyết định thu hồi đất của người dân theo khung giá nhà nước (áp dụng đối với các công trình dân sinh, xã hội, an ninh, quốc phòng…) là không đúng thẩm quyền. Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Hà Nội cũng không trực tiếp đối thoại với người dân để thống nhất phương án đền bù.

Anh Nguyễn Văn Dung (Tổ 1 cụm Sòi, Hoàng Ngân), một hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất cho biết: “Đây là dự án thương mại. Văn bản số 922/UBND-GT của UBND TP Hà Nội ngày 9/8/2011 nêu rõ: Giao cho chủ đầu tư trực tiếp giải phóng mặt bằng, các cơ quan của quận Thanh Xuân chỉ là phối hợp, đảm bảo sự đồng thuận của người dân, lập phương án đền bù theo quy định hiện hành, đảm bảo không có khiếu kiện của người dân. Vậy tại sao UBND quận Thanh Xuân lại đứng ra thực hiện việc thu hồi đất này”.

Anh Dung khẳng định, việc UBND quận Thanh Xuân ra các quyết định thu hồi đất là không thực hiện chỉ đạo của thành phố.

Ông Phạm Quang Trung (nhà số 53 ngõ 125 Hoàng Ngân) cho biết, ô đất này là dự án “treo” nhiều năm nay, thuộc diện bị thu hồi. Nhưng việc thu hồi đất giao cho một công ty kinh doanh thương mại mà không lấy ý kiến người dân cũng vi phạm quy định của pháp luật theo Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/1/2005 của Chính phủ.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Gia Hữu, Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Xuân khẳng định, việc UBND quận ban hành quyết định thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án là đúng trình tự, thẩm quyền của UBND quận và đúng các quy định của pháp luật tại thời điểm ban hành. Cụ thể, ông Hữu dẫn điểm a, điểm b, khoản 2, Điều 34 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án khu dân cư, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp.

Theo đó, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án khu dân cư, trung tâm thương mại trong trường hợp các dự án trong khu vực mở rộng khu đô thị hiện đại hiện có hoặc khu đô thị mới được thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ông Hữu cũng cung cấp 9 văn bản của UBND TP Hà Nội liên quan đến dự án này.

Vậy thực chất dự án này thuộc trường hợp nào, tại sao lãnh đạo quận không đối thoại trực tiếp với người dân để làm rõ các vấn đề? Được biết, trong ngày 9/4, một cuộc gặp đã được tổ chức, tuy nhiên, đại diện UBND quận Thanh Xuân không giải đáp mà chỉ ghi nhận các thắc mắc của người dân.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà (Công ty Luật Hoàng gia), khi thu hồi đất của người dân, quận Thanh Xuân cũng như phường Nhân Chính cần tổ chức đối thoại và thỏa thuận với người dân (theo Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ 1/7/2014). Nếu đúng như phản ánh của người dân là chưa có đối thoại giữa hai bên thì lãnh đạo quận đã có thiếu sót.

Hơn nữa, quyết định 112/2002 ngày 6/8/2002 của UBND TP Hà Nội đã quy hoạch chi tiết khu vực. Sau đó, đến năm 2008, nhiều hộ dân trong khu vực, trong đó có gia đình anh Nguyễn Văn Dung đã được cấp phép xây dựng ngôi nhà 5 tầng tuân thủ đúng theo quy hoạch. Nay ngôi nhà của anh lại bị thông báo phải “cắt xén”. “Điều này cho phép ta đặt nghi ngờ về việc điều chỉnh quy hoạch so với ban đầu, dẫn đến việc phải thu hồi đất của người dân”, luật sư Hà cho biết.

Bên cạnh đó, các hộ dân cũng phản ánh, việc điều chỉnh thiết kế của dự án như hiện nay đã vi phạm quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Cụ thể, khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà đối với các công trình có chiều cao trên 46 m phải từ 25 m trở lên, tuy nhiên thực tế thiết kế chỉ có 9,5 m. Các hộ dân lo ngại, nếu công trình được xây dựng thì sẽ gây quá tải về hạ tầng tại khu vực, đồng thời, không đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống xung quanh tòa nhà.

HD