09:14 09/09/2016

Tết Trung thu khơi dậy nét văn hóa truyền thống

Sáng 9/9, chương trình vui Tết Trung thu do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức đã tưng bừng diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Tặng quà Tết Trung Thu cho học sinh nghèo ở quận Thủ Đức (TP. HCM). Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Vui Tết Trung thu, các em nhỏ được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật như: Múa rối cạn của phường rối Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức, Hà Nội); múa sư tử của đội múa làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội); xem nghệ nhân trình diễn làm bánh Trung thu, làm đồ chơi truyền thống và được trực tiếp trải nghiệm làm một số đồ chơi. Tham gia hoạt động trình diễn và tương tác tại chương trình có nhiều nghệ nhân như: Nghệ nhân làm bánh Đinh Thị Tú Anh (phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nghệ nhân bồi và vẽ mặt nạ Hoàng Bá Nhất (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), nghệ nhân làm đèn kéo quân Vũ Văn Sinh (huyện Thanh Oai, Hà Nội), nghệ nhân làm ông tiến sĩ giấy Nguyễn Thị Tuyến (huyện Hoài Đức, Hà Nội), nghệ nhân gốm Lương Mạnh Hải (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội)… Ban Tổ chức cũng trưng bày không gian Trung thu truyền thống, tổ chức rước đèn chơi trăng. Chương trình Vui Tết Trung thu diễn ra đến hết ngày 11/9.

Cũng trong ngày 9/9, tại các điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức khai mạc các hoạt động văn hóa Tết Trung thu năm 2016. Tại đình Kim Ngân, số 42 – 44 Hàng Bạc, tổ chức giới thiệu hình ảnh và các đồ chơi Trung thu như: Mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây, đèn kéo quân Cao Viên, ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao Báo Tháp, trống Đọi Tam, đầu lân sư làng Gạo, Thiên Nga nhồi bông, cốm làng Vòng… Các nghệ nhân giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống cho các em nhỏ.  Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây có hoạt động giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình người Hà Nội xưa, giới thiệu các bức ảnh về Tết Trung thu đầu thế kỷ XX của Hà Nội. Tại đền Quán Đế, 28 Hàng Buồm, giới thiệu các hình ảnh về nghệ thuật rối Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ban Quản lý phố cổ còn tổ chức biểu diễn múa rối cạn Tế Tiêu tại đình Kim Ngân, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ và Trung tâm thông tin di sản phố cổ Hà Nội, 28 Hàng Buồm; tổ chức biểu diễn ca nhạc phục vụ thiếu nhi tại một số điểm trong tuyến phố đi bộ mở rộng. Các hoạt động văn hóa vui Tết Trung thu diễn ra đến hết ngày 15/9.

Tại Bảo tàng Hà Nội, chương trình Rước trăng chơi phố được tổ chức vào chiều 10/9, nhằm quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đến người dân Thủ đô, đặc biệt là các em nhỏ. Tại đây còn có nhiều chương trình trải nghiệm làm đồ chơi dân gian như: Nặn tò he, đan giỏ thị, kéo co, nhảy dây thừng, chạy ba chân, bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, bắt chạch trong chum; kể chuyện về sự tích Trung thu, nguồn gốc của lễ hội Trung thu. Các em nhỏ còn được thể hiện năng khiếu của mình qua cuộc thi vẽ tranh dân gian, vẽ tranh sáng tạo tại khuôn viên bảo tàng. Lễ hội Trung thu “Rước trăng chơi phố 2016” sẽ diễn ra vào tối 11/9 với nhiều tiết mục văn nghệ , múa lân, múa rồng, rước đèn, rước mâm cỗ Trung thu, tặng quà cho các em nghèo vượt khó, phá cỗ trông trăng…

Tại huyện Bù Đăng (Bình Phước), Đoàn từ thiện Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình “Trung thu yêu thương” cho hơn 450 học sinh trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng) - ngôi trường có 60% học sinh là người dân tộc thiểu số.

Tại chương trình, đoàn đã tặng quần áo, giày dép, bánh Trung thu cho các em nhỏ; tổ chức giao lưu văn nghệ, biểu diễn múa lân... Đoàn trao 14 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng tặng học sinh nghèo vượt khó học giỏi và 3 triệu đồng cho giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức, tặng nhà trường một số máy móc, thiết bị phục vụ công tác giảng dạy.

Đinh Thị Thuận - K GỬIH (TTXVN)