01:14 27/01/2023

Tết trồng cây: Chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 27/1 (mùng 6 Tết), nhiều địa phương trong cả nước tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão. Hoạt động nhằm góp phần thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

* Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trồng 1 triệu cây xanh trong dịp trồng cây đầu Xuân, vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Trong ngày phát động Tết trồng cây, toàn tỉnh phấn đấu trồng trên 100.000 cây (tương đương 100 ha), đến hết quý I/2023, phấn đấu trồng 1 triệu cây lim, dổi, lát và các loài cây bản địa, cây gỗ lớn.

Năm 2023, riêng ngành Lâm nghiệp Quảng Ninh đặt mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu trồng 11.640 ha rừng trồng tập trung, trong đó có ít nhất 2.000 ha lim, dổi, lát ở những nơi có đủ điều kiện; đồng thời, dần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng tỷ lệ trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn toàn tỉnh.

Để chuẩn bị cho Tết trồng cây năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão, gắn với trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa và trồng 2.000 ha lim, dổi, lát năm 2023. Các địa phương trong tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức Tết trồng cây, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng theo kế hoạch UBND tỉnh giao.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành kế hoạch trồng rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đối với các Ban Quản lý phòng hộ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp thực hiện với diện tích 292,46 ha. Các địa phương cũng triển khai trồng rừng sản xuất với diện tích dự kiến 2.480 ha. Quảng Ninh phấn đấu hết quý I, toàn tỉnh sẽ trồng trên 2.850 ha rừng vụ Xuân.

* Tại Yên Bái, Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão được tổ chức tại khu vực đèo Din (thôn Thanh Tú, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn). Đặc biệt, năm nay Yên Bái trồng cây trên đồi rừng thay vì trên các trục đường lớn như trước đây.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Yên Bái, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân huyện Văn Chấn đã trồng 3,5 ha cây keo tại khu vực đèo Din.

Chú thích ảnh
Hưởng ứng Tết trồng cây tại huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Những năm qua, mỗi năm Yên Bái trồng mới từ 15.000 đến 16.000 ha rừng và trồng khoảng 5 triệu cây xanh phân tán; tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định 63%, đứng thứ 6 toàn quốc. Nhờ đó, đến nay tỉnh đã có vùng nguyên liệu rừng trồng sản xuất trên 200.000 ha; trong đó có trên 90.000 ha rừng tập trung với sản lượng gỗ khai thác hàng năm khoảng 700.000 m3 gỗ và khoảng trên 150.000 tấn tre, vầu, nứa. Yên Bái trở thành tỉnh trọng điểm phát triển rừng trồng sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng.

Riêng tại huyện Văn Chấn, phong trào trồng cây, trồng rừng đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Diện tích rừng trồng hàng năm của huyện đạt trên 3.100 ha, vượt kế hoạch được giao; độ che phủ rừng đạt 58,6%. Văn Chấn là huyện đứng thứ 4/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh về độ che phủ rừng. Những kết quả tích cực của huyện Văn Chấn đã góp chung vào thành tích của tỉnh Yên Bái trong năm 2022 với diện tích trồng rừng trên 15.800 ha, đạt 102,3% kế hoạch.

* Tại lễ phát động ra quân trồng cây đầu Xuân Quý Mão, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công nhấn mạnh: Quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu về phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023, tỉnh phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 48,2%; bảo vệ rừng trên 680.000 ha; diện tích rừng trồng mới đạt trên 2.000 ha; trồng 298.000 cây phân tán; diện tích rừng trồng được chăm sóc trên 24.000 ha; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh gần 31.000 ha.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tỉnh Sơn La hưởng ứng Tết trồng cây. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các địa phương tập trung quản lý chặt chẽ, bảo vệ, sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh tái sinh rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; phát triển du lịch sinh thái, kinh tế dưới tán rừng; trồng cây dược liệu dưới tán rừng và các dịch vụ môi trường rừng.

Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp phòng, chống phá rừng, suy giảm chất lượng rừng; nâng cao chất lượng và trữ lượng rừng; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm Luật Lâm nghiệp; tổ chức có hiệu quả Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các hoạt động lâm nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành và lãnh đạo thành phố Sơn La đã ra quân trồng gần 80 cây ban dọc tuyến đường 6A, khu vực Quảng trường Tây Bắc.

* Việc phát động Tết trồng cây đời luôn được tỉnh Thanh Hóa xác định là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của tỉnh.

Chú thích ảnh
Các đồng chính lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tham gia tết trồng cây. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Năm 2023, Thanh Hóa phấn đấu trồng khoảng 3 triệu cây xanh trở lên. Cùng với việc trồng các loại cây mới phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bình quân hàng năm, Thanh Hóa trồng mới trên 10.000 ha rừng. Đến nay, toàn tỉnh có 600.000 ha rừng, đứng thứ 3 cả nước về độ che phủ rừng, cao hơn bình quân chung cả nước là 10%. Việc trồng cây, gây rừng đã cơ bản đảm bảo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản; tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống cho hàng ngàn hộ gia đình.

Văn Đức - Đức Tưởng - Nguyễn Cường - Duy Hưng (TTXVN)