06:16 01/06/2012

Tết Thiếu nhi... trong trại

Ngày Tết Thiếu nhi nữa sắp qua, ở ngoài phố vẫn đang náo nhiệt, trẻ em được vui chơi, được tặng quà, còn sau cánh cửa khép kia, các bé đang sống cuộc đời riêng của mình, thiệt thòi, mất mát.

Ngày Tết Thiếu nhi nữa sắp qua, ở ngoài phố vẫn đang náo nhiệt, trẻ em được vui chơi, được tặng quà, còn sau cánh cửa khép kia, các bé đang sống cuộc đời riêng của mình, thiệt thòi, mất mát. Khi chúng biết suy nghĩ, chắc chắn chúng sẽ nói rằng, giá như cha mẹ mình đừng quy nghĩ nông cạn, đừng vì hám lợi trước mắt mà làm tội cho con...
 
Trong khi ở thành phố, nhiều gia đình “lùng” mua cho con những món quà độc có giá trị nhân ngày Tết thiếu nhi 1-6 thì những đứa trẻ theo mẹ ở Trại giam số 5, Thanh Hóa, Tết thiếu nhi với chúng chỉ đơn giản là một bữa ăn ngon hơn, có thêm ít thịt cá. Đối với chúng, tuổi thơ là một sân chơi hẹp, quanh quẩn khuôn viên khu giam, chưa bao giờ biết bên ngoài xã hội thế nào. Có thể, chúng còn quá bé để cảm nhận được những thiệt thòi với mình những đôi mắt trong veo ấy khiến chúng tôi và cả những người làm công tác quản lý, giáo dục phạm nhân ở đây day dứt...
 
Nhà trẻ Trại giam số 5 ra đời là một trong những chính sách nhân đạo của Nhà nước. Bởi khi bị bắt vào trại có nhiều phụ nữ đang mang thai, có người đang nuôi con nhỏ nên việc có một trại trẻ cũng trở thành tất yếu. Được thành lập từ năm 2004, ban đầu có 34 cháu, giờ chỉ còn lại 6 cháu, bé lớn nhất chưa tròn 3 tuổi.
 
Đồng chí Lường Xuân Tuyến, Giám thị cho biết: “Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, các phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Những trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng, chúng tôi phải đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Với chính sách nhân đạo trên, đa số các cháu đã được gia đình đưa về. Duy chỉ có cháu Hồ Yến Nhi, con của phạm nhân Trần Thanh Trang, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, do cả bố lẫn mẹ đều bị bắt trong cùng vụ án nên không còn người nuôi dưỡng. Chính vì vậy, chúng tôi đã đề nghị Sở LĐ,TB&XH Thanh Hóa phối hợp với Sở LĐ,TB&XH Hà Nội (nơi cháu có hộ khẩu thường trú) để đưa cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội”.
 

Các nữ phạm nhân được tạo điều kiện chăm sóc con ở Trại giam số 5.

 

Theo đó, tháng 12/2011, Trại đã đưa bé Nhi vào Làng trẻ em Birla ở Hà Nội. Ở đó, Nhi được đi học, được sinh hoạt với các bạn cùng trang lứa. Dù vẫn thiệt thòi nhưng dù sao, mọi điều kiện đối với Nhi còn tốt hơn so với ở Trại. Trước khi đi, Ban Giám thị đã quyết định trích 3 triệu đồng từ Quỹ Tấm lòng vàng của Trại, tặng sổ tiết kiệm cho bé.

 

Đôi mắt biết nói của bé Chu Hoàng Gia Bảo níu giữ bước chân chúng tôi. Bé bập bẹ nói rằng được các mẹ, các bác yêu lắm, thường xuyên cho quà. Bảo là con của phạm nhân Trần Thị Oanh, 35 tuổi, trú ở phường Quang Trung, TP Nam Định. Oanh phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị xử án 14 năm 3 tháng.

 

Nhà chẳng còn ai, kinh tế khó khăn, con còn bé không làm lụng được nên Oanh xin “đi trại”, đem theo cả con đi. Đối với người phụ nữ như Oanh, đi thi hành án, được sự nhân đạo của Nhà nước thì mẹ con còn có cái ăn, cái mặc, con cái được trông giữ đàng hoàng, còn ở nhà, mẹ con bồng bế nhau thì không có gì ăn.

 

Có lẽ, trời cũng run rủi mỗi đứa trẻ một số phận nên dù lớn lên trong khó khăn, tù túng, không được vui chơi, không có điều kiện chăm sóc như những bé cùng trang lứa nhưng Bảo khá khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Bé nhất là cháu Nguyễn Ngọc Tú, con của phạm nhân Nguyễn Thị Loan, mới sinh ngày 29/3/2011.

 

Loan ngoài 20 tuổi nhưng có “thành tích” khá bất hảo, phạm tội cướp tài sản khi đang mang thai bé Tú được được gần 5 tháng. Phạm tội nghiêm trọng, lại chán đời, không còn chỗ dựa nên Loan quyết định xin thi hành án luôn. Sinh con trong Trại tạm giam, được các cán bộ giúp đỡ nhiệt tình, chăm sóc như người thân khiến Loan cảm động thay đổi rất nhiều...

 

Ngày Tết Thiếu nhi nữa sắp qua, ở ngoài phố vẫn đang náo nhiệt, trẻ em được vui chơi, được tặng quà, còn sau cánh cửa khép kia, các bé đang sống cuộc đời riêng của mình, thiệt thòi, mất mát. Khi chúng biết suy nghĩ, chắc chắn chúng sẽ nói rằng, giá như cha mẹ mình đừng quy nghĩ nông cạn, đừng vì hám lợi trước mắt mà làm tội cho con.

 

 

Theo cand.com.vn