Mười tám ngàn đồng mỗi ngày, đó là số tiền mà mỗi bệnh nhân ở làng phong Quả Cảm, huyện Bắc Ninh dùng để trang trải tất cả các chi phí như điện, nước, lương thực, thực phẩm... mỗi ngày.
Mười tám ngàn đồng mỗi ngày, đó là số tiền mà mỗi bệnh nhân ở làng phong Quả Cảm, huyện Bắc Ninh dùng để trang trải tất cả các chi phí như điện, nước, lương thực, thực phẩm... mỗi ngày. Nhưng cũng không vì thế mà những ngày cuối năm, mảnh đất bị lãng quên này lại thiếu đi không khí rộn ràng đón Tết.
Những cái Tết xa quê
Thuộc địa phận Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội một tiếng đồng hồ đi xe, nhưng sở dĩ lại gọi đây là mảnh đất bị lãng quên vì ngay cả những người dân Bắc Ninh, nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của làng phong Quả Cảm. Sống ở làng phong này là 102 bệnh nhân, trong đó có 86 cụ trên 60 tuổi. Nghe tin có đoàn từ thiện đến thăm, các cụ tay gậy, tay nạng, dìu nhau xuống gặp mặt cảm ơn đoàn. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phóng, 76 tuổi, Hội trưởng Hội người cao tuổi làng Quả Cảm nói: "Hàng tháng, mỗi bệnh nhân ở đây được Nhà nước cấp cho khoảng gần 600.000 đồng để sinh hoạt. Cuộc sống khó khăn lắm nhưng chúng tôi vẫn cố tằn tiện chi tiêu cho đủ".
Ông Nguyễn Văn Phóng - 76 tuổi, Hội trưởng Hội Người cao tuổi làng Quả Cảm. |
Vào làng phong từ năm 16 tuổi, tính đến nay ông Phóng đã có đến 60 năm sống tại đây. 60 năm, 60 cái Tết trôi qua, số lần ăn Tết ở nhà của ông chẳng đếm quá đầu ngón tay. Những người bệnh như ông Phóng không dám về nhà ăn Tết vì sợ căn bệnh của mình lây cho những người thân thì ít mà sợ sự kì thị, xa lánh của gia đình, họ hàng, làng xóm thì nhiều. Nhiều cụ ông, cụ bà tính đến nay đã ở lại làng phong đón Tết đến 30, 40 năm mà chưa năm nào về lại quê nhà. Ngày Tết, lặng lẽ họ thắp lên bàn thờ đôi ba nén nhang tưởng nhớ ông bà tổ tiên. "Có ai đón mình đâu mà về", cụ Nhưỡng, năm nay đã 90 tuổi nói. Những bệnh nhân ở làng phong người nhẹ thì thiếu chân, thiếu tay, nặng thì phong ăn vào mắt. Mất khả năng lao động, di chứng còn lại của bệnh tật càng làm tăng thêm sự mặc cảm của những người bệnh nơi đây. Làng phong Quả Cảm, vì nhiều lẽ, trở thành mái nhà chung của những người bệnh phong tứ xứ.
Vẫn có bánh chưng ngày Tết
Những ngày Tết, làng phong Quả Cảm lại rộn rã hơn với những đoàn từ thiện từ khắp mọi miền đất nước. Đoàn ủng hộ tặng phẩm, đoàn ủng hộ tiền mặt, có đoàn lại tặng cả sách vở cho đám trẻ trong làng. "Chúng tôi xem vậy là còn may mắn hơn nhiều người lắm, vì còn được xã hội quan tâm. Tết này Sở Y tế Bắc Ninh tặng cho mỗi bệnh nhân 200.000 đồng, một quỹ từ thiện khác cũng ủng hộ mỗi bệnh nhân thêm 100.000 đồng cho chúng tôi ăn Tết. Mỗi dịp Tết có khoảng 4, 5 đoàn từ thiện đến với chúng tôi. Hai tháng trước có một đoàn cán bộ hưu trí của ngân hàng xem thông tin trên báo mà tìm đến. Cách đây hai hôm cũng có 2 đoàn, một đoàn của sinh viên, một đoàn bên Công giáo đến tặng quà Tết cho các nhà", ông Phóng kể. Chỉ vào chiếc áo cũ đang mặc trên người, ông Phóng nói: "Ở đây, từng cái áo cái quần, tất cả đều là từ thiện hết. Không có xã hội quan tâm, chúng tôi sống khó khăn lắm. Thiếu thốn nhất là thực phẩm. Có nhiều đoàn lên tặng mì tôm, chúng tôi quí lắm. Một gói mì là các cụ được một bữa. Nửa gói mì, các cụ nấu với nắm rau, cũng được một bữa". Năm nay, có đoàn tặng bánh chưng, ông Phóng gật gù “coi như lo xong cái Tết”.
Hơn 80% bệnh nhân phong ở làng Quả Cảm nay đã trên 60 tuổi nên nỗi lo lắng thường trực của các cán bộ quản lý là về sức khỏe. Mùa đông trời lạnh, cộng thêm với việc ăn uống kham khổ càng làm cho sức khỏe các cụ bị ảnh hưởng. Anh Chu Văn Liên, Trưởng ban Quản lý bệnh nhân trăn trở: "Mỗi tháng nhà nước hỗ trợ các cụ 590.000 đồng sinh hoạt phí nhưng cũng chỉ trang trải được một phần. Các đoàn từ thiện lên thăm, tặng quà, đồ dùng, chăn màn, quần áo... nên cuộc sống của các bệnh nhân cũng đỡ một phần khó khăn".
Chia tay với làng phong Quả Cảm, mỗi người trong đoàn từ thiện ngổn ngang suy nghĩ. Tôi chợt nhớ lại lời dặn dò của anh trưởng đoàn trước khi xe đến nơi: "Đến đây, mọi người đừng dùng từ "trại phong" mà phải nói là "làng phong", "bệnh viện phong". Những người bệnh ở đây nghe đến từ trại phong, bà con mặc cảm lắm. Tuy tàn phế, bệnh tật, không còn khả năng lao động, nhưng mọi người luôn muốn mình vẫn là một phần của xã hội".
Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Hà