02:19 10/02/2016

Tết ấm áp nghĩa tình với người nghèo

Mùa Xuân này, nhiều hộ nghèo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được đón Tết trong những căn nhà mới khang trang, sạch đẹp hay những em học sinh có thêm điều kiện để tới trường, tới lớp. Để có được niềm vui này, trong nhiều năm qua, các cơ quan ban ngành, lãnh đạo Thành phố đã tích cực vận động mọi nguồn lực để chăm lo cho các hộ nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Tết làm điều hay

Được chương trình “Tết làm điều hay” của Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh trao nhà tình thương và cho vay vốn làm kinh tế, đến nay gia đình anh Nguyễn Văn Chẩn, ấp Ràng, xã Trung lập Thượng (huyện Củ Chi) đã có cuộc sống khá ổn định.

Ông Phạm Văn Xê, ở xã Quý Đức, Bình Chánh rất vui khi được thành phố trao nhà tình thương trong dịp Tết đến, xuân về.

Anh Chẩn cho biết, trước năm 2014, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Gia đình có 4 nhân khẩu và có 15 công ruộng đất nhưng làm mãi không đủ ăn. Hai vợ chồng đành phải đi làm thuê làm mướn mà vẫn thiếu trước hụt sau, chống trên chống dưới. “Năm 2015, gia đình được chương trình “Tết làm điều hay” của Hội Nông dân thành phố xây cho căn nhà tình thương đã tạo đà cho vợ chồng chúng tôi phấn đấu vươn lên làm ăn. Thấy gia đình tôi vẫn chưa thoát nghèo, Quỹ hỗ trợ nông dân lại cho chúng tôi vay thêm 20 triệu đồng, cộng thêm chút vốn của gia đình, tôi mua một con bò sữa 28 triệu đồng về nuôi. Từ con bò được vay vốn mua, đã sinh ra được 3 con bò con, đến nay chúng tôi đã bán được một con bò với giá 29 triệu đồng đủ để trả nợ cho Hội nông dân và còn dư 9 triệu đồng để chúng tôi tích lũy lo cho con học hành tới nơi tới chốn”, anh Chẩn cho biết thêm.

Khác với hoàn cảnh gia đình anh Chẩn, em Nguyễn Thị Thu Thủy ngụ ở khu phố 3, phường Cát Lái (quận 2) lại được thành phố quan tâm hỗ trợ học bổng để tiếp tục đến trường. “Cha mẹ em qua đời, hiện em đang sống chung với hai người anh trai. Tuy nhiên, người anh trai lớn bệnh bại liệt nằm một chỗ, còn anh kế đi làm thuê làm mướn cũng khá vất cả. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhiều lúc em cũng tính nghỉ học để phụ anh đi làm thuê kiếm tiền. Tuy nhiên, nhờ nguồn quỹ “Vì người nghèo” của thành phố cho em suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ mà em có thêm điều kiện để đến trường”, Thu Thủy tâm sự.

Các hộ nghèo nhờ được vay vốn mua bò sữa chăn nuôi để vươn lên có cuộc sống ổn định.

Cũng nhờ suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ hàng năm, Thu Thủy đã có thể tiếp tục theo đuổi con đường học hành của mình và đến nay Thu Thủy đã hoàn thành việc học tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ. Để tỏ lòng biết ơn, em đã có nhiều cố gắng để trở thành người có ích và đóng góp cho xã hội.

Thêm nữa những niềm vui

Bên cạnh công tác chăm lo thường xuyên cho các hộ nghèo trong năm 2015, dịp Tết Nguyên đán năm 2016, nhiều cơ quan, ban ngành thành phố còn tổ chức các chương trình đi thăm tặng quà Tết cho những hộ nghèo. Theo đó, dịp Tết Bính Thân 2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị, chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, các đối tượng diện bảo trợ xã hội, công chức viên chức trên địa bàn thành phố... với mức chăm lo cao hơn so với năm trước.


Chương trình “Tết làm điều hay” thời gian qua đã giúp hàng ngàn hộ nông dân nghèo có thêm điều kiện sống tốt hơn. Tính từ năm 2005 đến nay, chương trình đã thu được 56 tỷ 58 triệu đồng để thực hiện chăm lo cho nông dân nghèo, nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, đã xây dựng và bàn giao 6 căn nhà tình nghĩa, 959 căn nhà tình thương, sửa chữa 263 căn nhà tình thương, thăm hỏi trao tặng 8.592 phần quà Tết, 2.638 bồn nước, 2.166 ti vi, 14.442 thẻ bảo hiểm y tế, 2.387 suất học bổng. Năm 2016, chương trình tiếp tục được thực hiện sâu rộng hơn nhằm thiết thực chào mừng sự kiện thành công Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020, tiến tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng thời, nhằm cùng Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội - Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh, cho biết dịp Tết năm nay, thành phố sẽ trao gần 650.000 suất quà cho các diện đối tượng trên với mức cao hơn 100.000 đồng/người so với năm trước. Theo đó, giá trị của một phần quà tặng cao nhất là 2,6 triệu đồng và thấp nhất 950.000 đồng, tùy từng đối tượng. Các sản phẩm sử dụng làm quà tặng Tết cho người dân phải là hàng Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo thời hạn sử dụng.

Trong khi đó, từ ngày 10/1 đến ngày 5/2, Ban Thường vụ Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Thành Đoàn thành phố đã vận động kinh phí để thăm hỏi, tặng ít nhất 11.000 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng cho các đối tượng; hỗ trợ ít nhất 3.500 lượt vé xe miễn phí cho sinh viên, học sinh, thanh niên công nhân về quê đón Tết... Riêng với Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, với chương trình thường niên “Tết làm điều hay”, năm nay Hội đặt mục tiêu kêu gọi quyên góp 13 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, cho biết chương trình “Tết làm điều hay” năm 2016 không chỉ quyên góp vật chất, tiền bạc từ mạnh thường quân, doanh nghiệp mà còn là cuộc vận động những tấm lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”, dần dần hình thành nên bức tranh Tết Việt đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và ấm áp nghĩa tình. Theo đó, mục tiêu của chương trình trong năm 2016 là xây dựng 36 căn nhà tình thương, tặng 1.500 phần quà Tết, 500 bồn chứa nước sạch, tặng 1.200 suất học bổng, hỗ trợ 30% giá trị thẻ BHYT cho hơn 23.000 nông dân nghèo... Tính đến nay, chương trình đã vận động được hơn 5 tỷ đồng.

Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, cho hay công tác chăm lo Tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách là thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, sự quan tâm, chăm sóc của Ðảng và Nhà nước đối với nhân dân. “Công tác này cần mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa trong các tổ chức, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp để cùng nhau lo cho dân. Hành động này, không chỉ thực hiện trong những dịp Tết cổ truyền của dân tộc mà dần dần sẽ trở thành hoạt động thường xuyên trong cuộc sống của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung”, bà Ánh nói.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết