07:09 25/07/2015

Tép sông

Tôi về thăm quê vào dịp mùa con nước đang khát, hè sắp đi nên những chú ve sầu quyết dốc hết nỗi lòng ra với bao la, rừng ngàn. Những con đò như cũng buồn, úp mặt xuống triền sông mặc cho lũ trẻ quê làm trâu cày ngựa cưỡi.

Tôi về thăm quê vào dịp mùa con nước đang khát, hè sắp đi nên những chú ve sầu quyết dốc hết nỗi lòng ra với bao la, rừng ngàn. Những con đò như cũng buồn, úp mặt xuống triền sông mặc cho lũ trẻ quê làm trâu cày ngựa cưỡi. Nắng không còn chói chang như trước bởi những áng mây bất chợt băng ngang qua bầu trời. Sông như duềnh lên phả ra những cơn gió mát đến tận lòng. Đó là dấu hiệu của những cơn mưa đầu mùa đang đến.

Dấu hiệu đó người ta còn nhận biết được qua sự di chuyển lên phía cao của loài kiến, qua tiếng kêu của loài lưỡng cư hay tiếng quẫy nước của loài cá. Đó cũng là lúc các loài sống dưới nước tìm đến nhau, sinh con đẻ cái để khi nước về thì chúng tỏa đi mọi ngả, phát triển và duy trì nòi giống của mình. Thiên nhiên thật vô cùng tài năng khi tạo lập và giữ cân bằng sinh thái cho quả đất vốn to lớn nhưng lại mỏng manh trước những thiên tai rình rập, chực chờ. Nhanh nhất trong số này là loài tép sông, chỉ cần một tuần là từ trứng chúng có thể bơi đi đây đi đó. Chúng lớn nhanh đến nỗi chỉ cần thêm mươi hôm nữa là có thể nằm trên chén của người quê rồi.

Người quê bắt tép bằng lưới mềm, lỗ thật nhỏ. Lưới được buộc chặt vào vòng sắt 6 ly có tay cầm khá dài, đáy phải hơi sâu để khi có cá tôm hay ếch nhái thì cũng không thể sẩy được. Người ta gọi đó là cái vợt. Do tép sống gần bờ, dưới những giề lục bình hay bụi rong, bụi cỏ nên người ta chỉ việc đưa vợt vào phía dưới rồi nhanh tay nâng lên là bắt chúng dễ dàng.

Tép sông có râu dài và mõm cứng là hai thứ rất khó ăn cho trẻ nên người thành phố thường dùng kéo cắt bỏ rồi mới chế biến thức ăn. Còn ở quê thì người ta cho tép vào nước sôi rồi dùng đũa khoắng nhiều vòng cho râu tép cuộn vào đó rồi tuốt bỏ đi, cái đầu tép dính chặt vào mớ râu nên vì thế mà cũng lìa khỏi cổ.

Vớt tép ra để cho ráo nước. Lúc này tép đã có màu đỏ hồng rất đẹp. Là nguyên liệu để chế biến những món ăn dân dã nhưng ngon đến nhớ hoài. Tép luộc cuốn bánh tráng rau sống, chấm nước mắm chua ngọt hầu như ai cũng biết và đã từng thưởng thức. Nó có mọi nơi, miễn nơi đó có sông nước, ao hồ. Ngon hơn một chút thì rang với lá chanh, lá sả hay cháy với tỏi rồi cuốn với thịt luộc và các loại rau rừng. Tép ngon là khi tép vừa chín tới, thịt căng mọng, bóng mượt ăn ngọt và giòn. Tép rang lâu quá thì thịt sẽ teo lại, nhai xốp rộp nhưng đây là cách duy nhất giữ món ăn được nhiều ngày.

Con tép trước kia chẳng có chỗ nào để đứng trên thương trường, họa hoằn chăng là những vùng quê còn nghèo nhiều gian lao vất vả, đời sống thiếu trước hụt sau. Ở đó, nếu có tiền thì người ta cũng để mua mắm, mua rau chứ không ai để mua tép. “Bà còng đi chợ trời mưa / Cái tôm cái tép đi đưa bà còng / Đưa bà qua quãng đường đông / Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà / Tiền bà trong túi rơi ra /Tép tôm nhặt được trả bà mua rau…” thì cũng là rất thật bởi con tép ở đây thì rẻ như bèo, đâu cũng có, cần là có.

Giờ thì con tép đã ra hàng quán, đã ngồi mâm cao cỗ đầy, đã giúp cho người thành phố có dịp nhớ về thời thơ ấu quê của mình, tuy có thể là thoáng qua, nhưng như thế cũng đủ để làm cho những món ăn vốn đã ngon thêm đậm đà hơn.

Còn gì sung sướng hơn khi được ăn hoài niệm. Xúc cảm lâng lâng dâng trào trước những gì tưởng đã mất bỗng dưng hiện ra trước mặt khiến người ta thích thú, thèm thuồng nhất là với những ai xa quê đã lâu, đã thành đạt, đã có tiếng tăm với đời. Trong họ, hình ảnh đứa trẻ quê chân đất đầu trần, ăn cơm mo cau chạy đồng hay đi học ngày nào giờ đã thành quý hiếm, thực tế thì có người đã không còn cái vùng kỷ niệm đó để trở về nên nó càng hiếm hơn.

Lý Thị Minh Châu