10:13 24/10/2019

Tên miền '.vn' đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký sử dụng

Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” hiện đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký sử dụng.

Đây là thông tin được ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam đưa ra tại hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông năm 2019”.

Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) ngày 24/10, với sự tham gia của thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Theo ông Trần Minh Tân, tên miền “.vn” là tên miền quốc gia Việt Nam cấp cao nhất thuộc quyền quản lý của Việt Nam. Tính đến ngày 30/9/2019, Việt Nam có gần 486.000 tên miền “.vn” đang tồn tại trên hệ thống; tên miền “.vn” hiện đứng đầu khu vực ASEAN và nằm trong Top 10 tên miền mã quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số lượng đăng ký sử dụng.

Nguyên tắc đăng ký tên miền “.vn” là bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước; ngoại trừ các tên miền thuộc phạm vi ưu tiên bảo vệ, các tên miền được dành cho đấu giá theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tên miền do tổ chức, cá nhân tự chọn để đăng ký nhưng phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 6, Thông tư 24/2015/TT-BTTTT và điểm a, b, khoản 3, điều 1, Thông tư 06/2019/TT-BTTTT.

Trung tâm Internet Việt Nam đánh giá hiện công tác quản lý tên miền tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Đối với tên miền quốc tế như “.com”, “.net”..., không xác định được thông tin chủ thể đăng ký sử dụng tên miền quốc tế nên không xác định được danh tính đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.

Trong 9 tháng của năm 2019, Trung tâm Internet Việt Nam tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin 97 tên miền nhưng có đến 55 tên miền sử dụng dịch vụ ẩn giấu thông tin tên miền. Từ đó, không thể tạm ngưng, thu hồi tên miền vi phạm; chưa có đủ các quy định để yêu cầu sự phối hợp của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam như: GoDaddy, các nhà đăng ký tên miền quốc tế nước ngoài.

Đối với tên miền “.vn”, hiện cũng chưa có sự đồng bộ trong quy định pháp luật về quản lý tài nguyên internet và các văn bản pháp luật khác như Luật Sở hữu trí tuệ, liên quan đến giải quyết tranh chấp tên miền và vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, cũng như việc phối hợp trong hoàn thiện các quy định đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật chung và thông lệ quốc tế...

Trong năm 2018 và 9 tháng năm 2019, Trung tâm Internet Việt Nam đã tiếp nhận xử lý 75 trường hợp tên miền “.vn” vi phạm; trong đó tạm ngưng 50 tên miền, thu hồi 5 tên miền. Tại Việt Nam, tên miền không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ, nên việc xử lý tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ tuân thủ theo Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLL-BTTTT-BKHCN do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học Công nghệ ban hành.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố cho rằng, trong quản lý tên miền quốc tế tại Việt Nam cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc đăng ký, sử dụng tên miền; tăng cường theo dõi, kiểm tra các nội dung website sử dụng tên miền quốc tế của các chủ thể đăng ký tên miền nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố và tăng cường xử lý vi phạm đối với hoạt động các trang thông tin điện tử sử dụng tên miền quốc tế.

Đối với xử lý tên miền vi phạm về sở hữu trí tuệ, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố cho rằng cần áp dụng đúng, triệt để quy định tại Thông tư 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN trong xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ liên quan đến tên miền, trên nguyên tắc vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ được xem xét trên cơ sở có vi phạm về thông tin đăng tải trên website gắn với tên miền.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tăng cường đăng ký và sử dụng tên miền “.vn’ giúp nâng cao giá trị cho tên miền quốc gia cũng như nhận thức của cộng đồng về ý thức tuân thủ quy định pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên internet, thông tin điện tử...

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu thanh tra Bộ, thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trong cả nước tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam để kịp thời xử lý các vi phạm trong việc xử lý tên miền quốc tế; tập trung thanh, kiểm tra các nội dung sim rác, tin rác... ; tham mưu cho lãnh đạo UBND cấp tỉnh định hướng, triển khai chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin an toàn, hiệu quả và triển khai các dự án công nghệ thông tin phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Để xử lý các tên miền vi phạm, thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo thanh tra Bộ, thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông trong cả nước tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đăng ký tên miền quốc tế, hoạt động cung cấp dịch vụ, chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại địa phương và áp dụng các biện pháp chặn kỹ thuật đối với các trang tin điện tử vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ để sửa đổi một số nội dung quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ theo tinh thần đã thống nhất giữa hai Bộ được thể hiện tại Thông tư 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN.

Thanh Sang (TTXVN)