08:07 12/08/2019

Tên lửa mới thử của Triều Tiên giống thiết kế Mỹ

Giới phân tích cho biết tên lửa mới được phóng thử nghiệm ngày 10/8 của Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với tên lửa ATACMS của Mỹ.

Chú thích ảnh
Vũ khí mới của Triều Tiên thể hiện tính năng chiến thuật vượt trội. Ảnh: KCNA

Ngày 11/8, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đích thân thị sát lần phóng thử vũ khí mới có tính năng chiến thuật vượt trội khi so sánh với các hệ thống hiện tại.

Theo KCNA và nhật báo Rodong Sinmun, các nhà khoa học và đội ngũ chuyên gia, nhân viên trong ngành công nghiệp đạn dược của Triều Tiên đã hoàn tất hệ thống vũ khí mới.

Theo truyền thông Triều Tiên, sau khi nhận được báo cáo về chương trình phát triển của vũ khí mới, Chủ tịch Kim Jong-un đã ra chỉ thị tiến hành thử nghiệm ngay lập tức.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hài lòng với kết quả cuộc thử nghiệm. Ảnh: KCNA

Thị sát cuộc kiểm tra vũ khí mới tại địa điểm phóng từ trạm quan sát, nhà lãnh đạo Triều Tiên ngày 10/8 cho biết: “Vũ khí mới được phát triển để phù hợp với điều kiện địa hình của quốc gia, và có đặc tính chiến thuật vượt trội khác biệt với các hệ thống vũ khí hiện có”.

Theo KCNA, ông Kim Jong-un hài lòng với kết quả cuộc thử nghiệm. Thông báo của KCNA có đoạn: “Phân tích chi tiết kết quả thử nghiệm đã chứng tỏ ưu thế của hệ thống vũ khí mới và đáp ứng một cách hoàn hảo yêu cầu về uy lực của thiết kế”.

Truyền thông Triều Tiên cũng công bố loạt ảnh chụp Chủ tịch Kim Jong-un chỉ đạo cuộc thử nghiệm vũ khí mới.

Chú thích ảnh
Tên lửa mới của Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với hệ thống ATACMS của Lục quân Mỹ. Ảnh: KCNA

Hãng tin NK News dẫn lời giới chuyên gia nhận định loại vũ khí mới của Triều Tiên dường như là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) có hình thức giống với Hệ thống Tên lửa Chiến lược của Lục quân Mỹ (ATACMS).

Ankit Panda, một thành viên cấp cao thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết: "Tên lửa này có sự tương đồng lớn với tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Mỹ. Đây là loại tên lửa đạn đạo hoàn toàn mới, chưa từng thấy ở Triều Tiên. Dữ liệu vùng viễn địa và tầm phóng ghi nhận được cho thấy vũ khí mới của nước này hoạt động tương tự như tên lửa KN23”.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 10/8 báo cáo Triều Tiên đã phóng hai tên lửa SRBM hướng ra bờ biển phía Đông lúc 5h34 và 5h50 (theo giờ địa phương) ở vùng lân cận thành phố Hamhung thuộc tỉnh Nam Hamgyong. Các quả tên lửa bay được 400km, đạt độ cao 48km, với vận tốc cực đại hơn 6.1 Mach.

Chú thích ảnh
Hệ thống Tên lửa Chiến lược của Lục quân Mỹ (ATACMS). Ảnh: Military Today

Shin Jong-woo, thư ký đại diện tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: "Tên lửa chiến thuật đất đối đất mới của Triều Tiên dường như là một vũ khí nổ trong hành trình bay nhằm triển khai những chất nổ nhỏ hơn".

Tên lửa mới của Triều Tiên có bệ phóng tương tự với bệ phóng tên lửa Hyunmoo-2A của Hàn Quốc, có thể bay tới 300km và Hyunmoo-2B cũng của Hàn Quốc với tầm bắn xa hơn là 500km. Bệ phóng của Triều Tiên có 2 ống phóng ngư lôi, trong khi các bệ phóng Hyunmoo-2A và Hyunmoo-2B của Hàn Quốc chỉ có một ống phóng.

Cùng quan điểm với chuyên gia Ankit, Joshua Pollack - một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury - nhận xét vũ khí mới của Triều Tiên giống tên lửa ATACMS của Mỹ nhưng có tầm bắn xa hơn.

Giới chuyên gia cảnh báo Triều Tiên có thể thử nghiệm thêm các loại vũ khí mới trong quãng thời gian diễn ra tập trận chung Mỹ-Hàn. Rachel Minyoung Lee, một nhà phân tích cấp cao của trang tin tức NK Pro, cho biết những gì Triều Tiên thể hiện trong các lần phóng thử hai tuần qua đồng nhất với những thứ mà Chủ tịch Kim Jong-un nói về việc phát triển, thử nghiệm và triển khai vũ khí mới. Báo cáo về chiến lược khoa học phòng thủ và khả năng thực hiện của ngành công nghiệp đạn dược Triều Tiên cho thấy Triều Tiên dường như đã, đang và sẽ phát triển thêm nhiều vũ khí mới.

“Toàn bộ dàn vũ khí mới: MLRS, KN-23 và tên lửa lần này tạo ra một ‘cơn ác mộng’ đối với hệ thống phòng thủ tên lửa”, ông Vipin Narang - Phó giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts – cảnh báo.

Ông kết luận: “Không rõ liệu đầu đạn có tách ra hay gắn trong phần thân như tên lửa KN-23 hay không. Đầu đạn phân tách có thể gây khó khăn hơn cho các hệ thống phòng thủ. Trong năm qua, chương trình phát triển tên lửa Triều Tiên rõ ràng ưu tiên khả năng phức tạp và đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực. Có vẻ họ đã thành công”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức