11:16 07/11/2017

Tế bào gốc trung mô làm tăng tuần hoàn máu của các bệnh nhân tiểu đường

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Theranostics số ra ngày 6/11, các tế bào gốc trung mô (MSC) có thể làm gia tăng lượng máu ở bệnh nhân bị tiểu đường - những người thường mắc bệnh động mạch ngoại biên (PAD), một biến chứng gây nhiều đau đớn có thể khiến họ phải phẫu thuật hoặc phải cắt bỏ chi.

Để đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu của Đại học Illinois (Mỹ) đã tiến hành phẫu thuật thu hẹp động mạch phần xương đùi ở một bên chân của chuột thí nghiệm bị tiểu đường. Sau đó, họ cấy ghép MSC được chọn lọc từ các con chuột non vào phần chân của chuột thí nghiệm. Một nhóm khác tiến hành tiêm huyết thanh nhân tạo vào chuột không được cấy ghép tế bào gốc này. Các nhà nghiên cứu sử dụng các kỹ thuật hình ảnh nội soi để theo dõi thông tin về lưu lượng máu và mạch máu trên 2 nhóm chuột thí nghiệm, rồi so sánh kết quả giữa chúng, cũng như giữa từng phần chân bị PAD và không bị PAD trên từng con chuột.

Giáo sư Marni Boppart cho biết qua nghiên cứu, họ nhận thấy MSC có khả năng tăng cường việc hình thành thành mạch và làm tăng chức năng của cơ. Cụ thể là chữa lành phần cơ bị tổn thương bằng cách tái tạo các mạch máu mới ở mô.

Nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích việc biểu hiện gien trong mô. Qua đó nhận thấy ở chuột được cấy ghép MSC, việc biểu hiện gien tại phần chân bị PAD cho kết quả tương đồng với bên chân không bị bệnh này. Nhờ vậy, họ rút ra nhận định MSC đã tạo ra những thay đổi trong việc biểu hiện gien tại các mô xung quanh, từ đó giúp giải phóng các thành phần làm giảm tình trạng viêm nhiễm và tăng khả năng tuần hoàn máu. Việc cấy ghép MSC cũng đã kích hoạt nhiều gien chống lại một số biến chứng của bệnh tiểu đường, đồng thời mang tới cơ hội nâng cao tối đa sự phát triển động mạch đối với các bệnh nhân mắc PAD để từ đó duy trì hoặc tái tạo cơ xương.  

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Lawrence Dobrucki bày tỏ tin tưởng kết quả nói trên sẽ mở ra cơ hội có thể áp dụng việc điều trị bằng tế bào gốc cho các bệnh nhân đang ở giai đoạn nặng của bệnh PAD - những người không thể luyện tập thể dục thể thao và có nguy cơ bị cắt bỏ chi.          

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ xác định được những người có MSC tiềm tàng nhất cho việc chữa trị bệnh PAD, cũng như tận dụng được các điều kiện để tách những tế bào hiếm này khỏi mô mỡ trên cơ thể người và các cơ xương.    

PAD là một căn bệnh rất phổ biến thường gặp ở các bệnh nhân tiểu đường. Nếu không được chữa trị, căn bệnh này thường gây viêm loét bàn chân và kéo theo nguy cơ phải cắt bỏ các chi. Hiện các phương pháp để điều trị PAD vô cùng ít.

TTXVN/Báo Tin Tức