06:06 03/06/2014

Tay trái, máy ảnh và... Trường Sa

“Những em bé ngây thơ và xinh xắn trong bộ quần áo hải quân, thấy chúng tôi là đứng nghiêm, giơ tay chào, rồi lại ríu rít đạp xe đi giữa nắng, gió của đảo Song Tử Tây.

“Những em bé ngây thơ và xinh xắn trong bộ quần áo hải quân, thấy chúng tôi là đứng nghiêm, giơ tay chào, rồi lại ríu rít đạp xe đi giữa nắng, gió của đảo Song Tử Tây. Khoảnh khắc ấy không chỉ được ghi lại trong những bức ảnh của tôi, mà còn in đậm trong lòng tôi với một niềm xúc động sâu sắc không thể nói thành lời... Trường Sa là đây, Trường Sa nhưng không xa vì nó là một phần gắn bó máu thịt của người Việt Nam chúng ta”, NSNA thương binh Bùi Đăng Thanh chia sẻ những cảm xúc sau 2 chuyến đi Trường Sa mà ông cho là mãn nguyện vì đã “hoàn thành nghĩa vụ của một người công dân Việt Nam”.


Những kỷ niệm khó quên


Mái tóc đã bạc trắng, lại chỉ có cánh tay trái để tác nghiệp, nhưng ở tuổi ngoài 60, NSNA Bùi Đăng Thanh vẫn quyết tâm ra Trường Sa thêm một lần nữa vì những lưu luyến, những nỗi niềm với nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc và vì ước mơ phải thực hiện bằng được một bộ ảnh đầy đủ nhất về Trường Sa. Với ông, dù đã hai lần đến Trường Sa nhưng những ấn tượng đầu tiên khi quần đảo Trường Sa hiện ra trước mắt vẫn là những kỷ niệm “xứng đáng” nhất trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật. Và hàng nghìn bức ảnh đã ra đời ngay trong chuyến đi đầu tiên ấy.

 


NSNA Bùi Đăng Thanh kể: “Lần đầu tiên tôi ra Trường Sa là tháng 5/2010 trên một con tàu chở nước của Bộ Tư lệnh hải quân. Đó là một chuyến đi rất đáng nhớ, có rất nhiều câu chuyện cảm động sau hơn 1 ngày lênh đênh trên biển, nơi chúng tôi đặt chân đến đầu tiên là đảo Sinh Tồn Đông. Tất cả đều có chung một niềm xúc động và tự hào. Trên đảo chỉ có lính, nên những câu chuyện về đất liền nói không bao giờ hết. Có một anh bạn lính đảo ngượng ngùng đưa cho tôi một món quà rất đẹp bằng san hô được gắn, tạo hình rất khéo léo, tỉ mỉ và nhờ tôi gửi đến tận tay người yêu của anh ở Hà Nội.


Lúc ấy cầm món quà trên tay mà bỗng thấy như mình đang yêu trở lại, tôi vui vẻ nhận lời anh và sau khi về đất liền tôi đã “lặn lội” tìm đến tận nơi để trao cho cô bạn gái món quà đầy ý nghĩa từ người yêu nơi đảo xa gửi về”.


Ở Trường Sa, câu khẩu hiệu “Nước là máu, rau là thuốc” rất ấn tượng của lính đảo “khát” nước ngọt là điều ai đến cũng nhớ. Đã từng là một người lính, lại từng chiến đấu trong những năm tháng chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên với nỗi khổ thiếu muối, người nghệ sĩ thương binh thấy ngay hình ảnh của mình trong những bộ quân phục hải quân kia. “Khi lên đảo tôi có “chộp” ngay được bức ảnh một anh lính đang ngồi tắm trong chậu. Thiếu nước ngọt nên bộ đội phải tắm như vậy để tận dụng nước. Hỏi ra mới biết, khi tắm xong họ lại lấy nước ấy đem đi tưới rau. Đến con bò trên đảo cũng phải ăn lá khô, ăn cả bìa các tông, thì mới thấy nước ngọt đúng là “máu” trên đảo thật. Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng tôi vô cùng khâm phục tinh thần của quân và dân trên đảo luôn kiên cường, đoàn kết, gắn bó với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, gìn giữ biển đảo quê hương”, NS Bùi Đăng Thanh chia sẻ.


“Trường Sa không xa”


Sau chuyến đi đầu tiên đầy kỷ niệm, NSNA Bùi Đăng Thanh đã xây dựng cuốn kỷ yếu “Trường Sa không xa”, được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen. Trong cuốn đó ông dành hẳn một chương nói về “Hà Nội với Trường Sa”. Cuốn kỷ yếu có 2 chương thơ, văn, ảnh là những tác phẩm ra đời trong chuyến đi ấy của các nghệ sĩ trong đoàn, và một chương dành riêng cho những dòng tâm sự của những người lần đầu đặt chân đến Trường Sa, với những cảm xúc chân thực và xúc động bởi tình yêu quê hương, đất nước, chủ quyền dân tộc, đó là tình cảm của những người con đất liền dành cho miền hải đảo xa xôi và thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó có bài thơ “Đường chân trời” rất hay của Phạm Xuân Nguyên - Hội nhà văn Hà Nội:


Đường chân trời của tôi là Song Tử Tây
chỉ gần ngay bên nhưng Song Tử Đông cách biệt
là nấm mộ nhỏ nhoi trên Nam Yết
người lính trẻ quên mình cứu xuồng đảo trôi


Với NSNA Bùi Đăng Thanh, mỗi bức ảnh về Trường Sa, dù là chi tiết nhỏ nhất cũng chứa chan tình cảm và niềm tự hào của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ông tâm sự: “Trường Sa đẹp lắm, tôi cũng tự hào vì chụp được khá nhiều ảnh đẹp về cảnh vật, thiên nhiên, con người ở đó. Tuy vậy, chụp ảnh trên đảo lại là một việc rất khó khăn, ngoài việc phải bảo quản máy móc khỏi gió biển, nước biển ra, thời gian ở trên mỗi đảo rất ngắn, khiến người chụp phải vận dụng hết tư duy của mình, phải phát hiện thật nhanh những vấn đề, sự vật, con người có thể đưa vào góc máy, để có được bức ảnh mang lại cảm xúc đẹp về Trường Sa. Là một thương binh, một nghệ sĩ, mỗi lần có cơ hội được ra đảo, tôi như được góp một chút công sức của mình vào việc khẳng định chủ quyền dân tộc”.


Tạ Nguyên