10:17 15/10/2020

Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành địa phương phát triển khá của cả nước

Ngày 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi khai mạc Đại hội Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội. 

Đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, lãnh đạo một số địa phương và 350 đại biểu chính thức đại diện cho 37.000 đảng viên của Đảng bộ đã dự Đại hội. 

Báo cáo chính trị trình Đại hội nêu rõ: Giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra. GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,2%, cao hơn mức bình quân của cả nước.

Quy mô kinh tế tăng gấp 1,68 lần so với giai đoạn trước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,5 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 76,9% trong GRDP. Năng suất lao động tăng bình quân 5,7%/năm, đạt 123,7 triệu đồng/người (năm 2020). 

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,4%; công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến được hình thành. Công nghiệp điện năng phát triển mạnh, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời.

Tỉnh tập trung cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, gắn sản xuất, chế biến với xuất khẩu; chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết sản xuất, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô lớn và an toàn sinh học; phát huy năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Thương mại - dịch vụ và du lịch có nhiều khởi sắc. Xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Tỉnh tăng cường hợp tác, liên kết vùng trong phát triển du lịch; sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng hơn, từng bước hình thành và kết nối chuỗi giá trị. Tỉnh đầu tư phát triển Khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành tâm điểm kết nối, lan tỏa trong vùng.

Tốc độ thu ngân sách hàng năm tăng bình quân 9,9%/năm, tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Riêng năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 10.000 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh được kéo giảm còn dưới 1%. Tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương. 

Các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh chú trọng tăng cường, củng cố quan hệ hợp tác với các tỉnh giáp biên (đã ký kết chương trình hợp tác với 4 tỉnh: Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum, Kampong Cham). Các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu qua biên giới; xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên tuyến biên giới.

Mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển khá của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh (nhiệm kỳ 2015-2020) phát biểu khai mạc Đại hội. 

Trong 5 năm tới, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân từ 7,5% trở lên. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt từ 4.500 USD trở lên. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn đến năm 2025: Công nghiệp - xây dựng đạt 51 - 52%, Dịch vụ đạt 30 - 31%, Nông - lâm - thủy sản đạt 14 - 15%.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt từ 36% trở lên so với GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 5 năm đạt 15,5% trở lên. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 5 năm đạt 10% trở lên.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 9%, phấn đấu đến năm 2025, tự cân đối chi thường xuyên. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 8%. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa từ 50% trở lên. Số lao động có việc làm tăng thêm trên 16.000 lao động/năm. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và dạy nghề từ 75%; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn 1,65%, ở nông thôn còn 1,35%. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; phấn đấu đạt từ 10 bác sĩ/1 vạn dân và 30 giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) dưới 19%. Toàn tỉnh có 100% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, trong đó 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Về xây dựng Đảng, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 85%. Bình quân hằng năm 90% Đảng bộ các xã biên giới đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Hằng năm, 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến năm 2025, đảng viên chiếm 3,4% trở lên so với dân số toàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ kết nạp trên 4.800 đảng viên. 

Về giải pháp, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp,trong đó, tiếp tục triển khai giai đoạn 3 Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời, nâng cao hiệu quả hoạt động các Khu, Cụm công nghiệp hiện có.

Đồng thời, tỉnh nghiên cứu, quy hoạch phát triển thêm một số Khu công nghiệp và cụm công nghiệp mới; nghiên cứu tạo động lực mới thúc đẩy Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị - công nghiệp. Tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng điện mặt trời tại khu vực đất bán ngập Hồ Dầu Tiếng đi đôi với phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện.

Song song đó, Tây Ninh phát triển cảng hỗn hợp đường sông quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích phát triển dịch vụ logistics; thúc đẩy kinh tế biên mậu. Cùng với đó là phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; nâng cao chuỗi giá trị, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và xuất khẩu.

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển tập trung theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển bò thịt, bò sữa. Lĩnh vực thủy sản phát triển ở vùng có lợi thế hạ tầng, hưởng lợi nước sạch từ hồ Dầu Tiếng...  Khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen  được phát triển thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và cả nước. Tỉnh thúc đẩy nhanh dự án du lịch sinh thái Đảo Nhím - Hồ Dầu Tiếng; nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái dọc sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. 

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu chỉ đạo Đại hội. 

Chỉ đạo đại hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các mục tiêu, giải pháp của tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, thể hiện tầm nhìn xa, tư duy chiến lược và trách nhiệm cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X. 

Nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm đạt hiệu quả tích cực; cải cách hành chính được đẩy mạnh. Hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có nhiều tiến bộ. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể khắc phục cơ bản biểu hiện “hành chính hóa” và chậm đổi mới, đã thật sự hướng hoạt động về cơ sở, khu dân cư. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ trong Đảng và trong nhân dân được phát huy.

Các lĩnh lực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết đề ra. An sinh xã hội được bảo đảm, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm thường xuyên. Quốc phòng và an ninh được giữ vững; chủ động ứng phó với các tình huống phức tạp, không để xảy ra xung đột, điểm nóng. Quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh giáp biên giới của nước bạn Campuchia ngày càng phát triển, góp phần giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. 

Thẳng thắn nêu những mặt còn hạn chế của tỉnh cần khắc phục trong thời gian tới, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị Đảng bộ Tây Ninh cần thực hiện quyết liệt, có hiệu quả 4 chương trình đột phá; hướng mạnh hơn nữa vào khai thác lợi thế về vị trí địa lý nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp với Thành phố Hồ Chí Minh; trục hành lang Đông - Tây, tuyến đường Xuyên Á và có 3 cửa khẩu quốc tế với Campuchia; phát triển công nghiệp theo chiều sâu, chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tỉnh cần ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; phát triển ngành nghề mới, sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực đi đôi với bảo vệ môi trường, kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm. 

Đồng thời, tỉnh cần khuyến khích phát triển dịch vụ logistics; thúc đẩy kinh tế biên mậu. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chuỗi giá trị, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và xuất khẩu; tạo chuyển biến mạnh về năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhất là gia tăng giá trị sản xuất trên 1 héc-ta, phấn đấu cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Chăn nuôi tập trung theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, sinh học; phát triển thuỷ sản ở vùng thuận lợi về hạ tầng; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.   

Theo đồng chí Trần Thanh mẫn, để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Tây Ninh cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Đảng bộ tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao. Đại hội làm việc đến ngày 16/10.

Tin, ảnh: Lê Đức Hoảnh (TTXVN)