12:20 06/12/2019

Tây Ninh chấn chỉnh việc lợi dụng đào ao nuôi trồng thủy sản, hạ cấp mặt bằng để bán đất

Trả lời ý kiến phản ánh của cử tri tại cuộc họp HĐND tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ 14 ngày 6/12 về những tồn tại trong phê duyệt chủ trương các dự án đào ao nuôi trồng thủy sản và cải tạo, hạ cấp mặt bằng để sản xuất nông nghiệp nhưng chủ đầu tư dự án chủ yếu là tận dụng đất dôi dư để khai thác đất mà không quan tâm đến việc nuôi trồng thủy sản, hay cải tạo đất... ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh thừa nhận còn nhiều sai phạm trong vấn đề này.

Chú thích ảnh
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh.

Theo ông Võ Đức Trong, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 55 dự án đề xuất đào ao nuôi trồng thủy sản, hạ cấp mặt bằng đất sản xuất nông nghiệp để trồng lúa. Cụ thể, có 33 dự án đào ao nuôi trồng thủy sản, trong đó 3 dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư (2 dự án đang triển khai thực hiện, 1 dự án chưa thực hiện) và 30 dự án do UBND các huyện cho chủ trương thực hiện (12 dự án đang hoạt động, 13 dự án chưa thực hiện, 5 dự án tạm ngưng) và 22 dự án hạ cấp mặt bằng để sản xuất nông nghiệp (10 dự án đã thực hiện xong, 7 dự án đang thực hiện, 4 dự án chưa thực hiện, 1 dự án ngưng thực hiện).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, qua kiểm tra thực tế chỉ có 4/30 dự án nuôi trồng thủy sản, 9 dự án hạ cấp  mặt bằng sản xuất nông nghiệp là mang lại hiệu quả và không vi phạm; 12 dự án đào ao nuôi trồng thủy sản (40%), 2/22 dự án hạ cấp đất nông nghiệp (9,1%) thực hiện không đúng mục tiêu hoặc vi phạm độ sâu, diện tích cho phép để tận dụng đất dôi dư, nhưng không quan tâm đến việc nuôi trồng thủy sản hay cải tạo lại mặt bằng để sản xuất nông nghiệp.

Từ những vi phạm trên, UBND tỉnh Tây Ninh đã tiến hành rà soát, đánh giá lại và tạm ngưng cấp phép đào ao nuôi trồng thủy sản và hạ cấp mặt bằng, cải tạo đất. Ngày 7/10/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 6140/VP-TKTH  chấn chỉnh việc này.

Cụ thể, đối với dự án nuôi trồng thủy sản, tỉnh chỉ xem xét phê duyệt chủ trương các dự án ở các khu vực, vùng có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung, thâm canh, năng suất cao gần các kênh chính, kênh cấp 1, khu vực cặp sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông; phải thiết kế, xây dựng ao nuôi theo đúng quy định; lượng đất đào lên phải được sử dụng cho đắp bờ bao, làm mặt bằng; đất dôi dư phải được tập kết tại chỗ; khi dự án không còn hoạt động, chủ dự án phải san lấp lại để chuyển sang sản xuất nông nghiệp hoặc làm mặt bằng để hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với hạ cấp mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, tỉnh tiếp tục cho thực hiện nhưng phải theo phương án san gạt từ độ cao hơn xuống độ thấp hơn để đồng ruộng bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất. Lượng đất dôi dư (nếu có) không được tận dụng làm vật liệu san lấp hoặc làm nguồn vật liệu khác, để tránh lợi dụng đưa đất ra ngoài bán, thu lợi.

Tin, ảnh: Lê Đức Hoảnh (TTXVN)