03:15 10/03/2015

Tây Nguyên vươn lên mạnh mẽ sau 40 năm giải phóng

Trải qua 40 năm, mảnh đất nơi từng diễn ra trận chiến lịch sử mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã có sự thay đổi toàn diện.

Sau ngày giải phóng, quân và dân các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhanh chóng ổn định tình hình, khắc phục hậu quả chiến tranh, bắt tay vào công cuộc kiến thiết bằng chính nội lực của mình. Trải qua 40 năm, mảnh đất nơi từng diễn ra trận chiến lịch sử mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện.

Kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ

Những năm qua, khu vực Tây Nguyên duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khá cao, đạt từ 12-13%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định. Từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu…, kinh tế Tây Nguyên đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo chiều hướng đa dạng với quy mô, chất lượng ngày càng tăng.

Tiềm năng, lợi thế của vùng đất Tây Nguyên đã và đang được khai thác hiệu quả. Nguồn đất đai màu mỡ, trù phú được bao phủ bởi những loại cây công nghiệp đem lại lợi ích kinh tế cao. Cây cao su, cà phê, hồ tiêu “bén duyên” với buôn làng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh các loại cây nông sản truyền thống như lúa nương, ngô, sắn một vụ năng suất thấp…, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Đến nay, Tây Nguyên là khu vực sản xuất nông sản lớn nhất nước, mỗi năm sản xuất ra hàng trăm nghìn tấn cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại nông sản khác.

Công nhân người dân tộc thiểu số cạo mủ cao su tại cánh rừng khai thác thuộc Công ty 74, thuộc Binh đoàn 15, đóng tại Gia Lai. Ảnh: Dương Giang–TTXVN


Sản xuất công nghiệp đã hình thành một số ngành công nghiệp mới tiềm năng như thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu…

Không chỉ là “vương quốc của cà phê”, Tây Nguyên - với vẻ đẹp và những giá trị văn hóa vô giá, được biết đến là miền đất “vàng” cho phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Du lịch Tuyên Nguyên có bước phát triển mạnh mẽ với doanh thu bình quân tăng 15%/năm. Năm 2014, Tây Nguyên đón 6 triệu lượt khách du lịch và quốc tế, doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng…

Cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc


Đường giao thông nông thôn từ chỗ bị tàn phá gần như không có gì trong những năm chiến tranh, đến nay, hệ thống giao thông hình thành rộng khắp với 3 sân bay, 10 tuyến quốc lộ, 59 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 4.000 km, nhiều tuyến đường huyện, đường liên xã đã nhựa hóa và cứng hóa, đã làm cho diện mạo của vùng Tây Nguyên có nhiều khởi sắc từ đô thị cho đến nông thôn. Đến nay đã có 1.560 công trình hồ chứa nước, đáp ứng hơn 60% nhu cầu tưới tiêu.

Từ chỗ chỉ có 5 thị xã hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, đến nay trên địa bàn Tây Nguyên đã có 5 thành phố và 4 thị xã. Tây Nguyên hiện là giao điểm của hai khu vực kinh tế trọng điểm gồm khu vực kinh tế phía Nam và khu vực kinh tế ven biển miền Trung.

Đời sống người dân chuyển biến tích cực

Đặc biệt đời sống của người dân, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến rõ nét hơn nhờ sự quan tâm đầu tư chăm lo của Chính phủ như phát triển các chương trình 134 (hỗ trợ nhà ở và giải quyết đất sản xuất), 135 (xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn)…

Kinh tế phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực đã góp phần đưa tăng trưởng GDP toàn vùng năm 2014 đạt 8,74%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng. Thu hút đầu tư toàn xã hội đạt 65.782 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách đạt 16.050 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 2,5 tỷ USD…

Riêng lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, toàn vùng Tây Nguyên huy động gần 65 nghìn tỷ đồng, xây dựng được 1.350 mô hình sản xuất có hiệu quả, có 33 xã đạt 19 tiêu chí đề ra.

Hình thành trên dòng sông Serepôk, cụm thác Đray Sáp - Gia Long – Trinh Nữ (Đắk Nông) mang vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng của đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN


Giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe

Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã thành lập nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở đào tạo nghề, cơ bản cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển của vùng; 100% số xã đã có trường mẫu giáo, trường tiểu học.

Cơ sở vật chất ngành y tế cũng tăng gấp 3 lần, mạng lưới y tế cộng đồng mở rộng đến khắp các thôn, buôn. Chính sách dân tộc và công tác an sinh xã hội đã được quan tâm chỉ đạo. Trong năm 2014, có 61.000 người đã được đào tạo nghề, gần 99.000 lao động được giải quyết việc làm.

Công tác xóa đói giảm nghèo đối với các huyện, xã, thôn, buôn nghèo được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho trên 34,6 nghìn hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn vùng xuống còn 10,12%, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn 23,09%... Đến nay, Tây Nguyên đã xóa được tình trạng thiếu đói triền miên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

100% số xã đã phủ sóng phát thanh - truyền hình và nối mạng thông tin truyền thông; 98% số thôn, buôn có điện lưới quốc gia.

Có thể nói, trong nhiều năm qua, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Kinh tế của vùng từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết, nhất là vấn đề đất đai, quản lý bảo vệ rừng, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...


Kim Chung (tổng hợp)