04:08 11/04/2013

Tây Nguyên vững bước đi lên

Ở thời điểm này, Tây Nguyên đang vào mùa khô, nắng nóng kéo dài nhưng cuộc sống vẫn diễn ra nhộn nhịp và sôi động. Ở các vùng nông thôn, bà con tập trung ra đồng chăm bón cho các loại cây trồng... còn ở các đô thị thì các cửa hàng kinh doanh và dịch vụ tấp nập kẻ mua người bán.

Ở  thời điểm này, Tây Nguyên đang vào mùa khô, nắng nóng kéo dài nhưng cuộc sống vẫn diễn ra nhộn nhịp và sôi động. Ở các vùng nông thôn, bà con tập trung ra đồng chăm bón cho các loại cây trồng vụ đông xuân như lúa, ngô, sắn... còn ở các đô thị thì các cửa hàng kinh doanh và dịch vụ tấp nập kẻ mua người bán. Tất cả những hoạt động ấy khẳng định đời sống của người dân ở vùng Tây Nguyên đã có bước đổi thay đáng kể, từ thành thị đến các vùng nông thôn đều no ấm và yên bình.

 

Khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng dân số gần 6,5 triệu người, trong đó có khoảng 45% số dân là đồng bào các dân tộc thiểu số người bản địa như J'rai, Banar, Ê Đê, S'triêng, Dẻ... Bà con các dân tộc đoàn kết và nguyện một lòng theo Đảng, cách mạng; trước đây bà con tích cực đóng góp sức người, sức của để đánh đuổi giặc ngoại xâm và nay thì ra sức thi đua lao động sản xuất để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh. Công lao ấy đã được Đảng và Chính phủ đáp đền bằng những việc làm cụ thể để đạt được mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra: Xây dựng vùng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh; tiến tới xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế động lực của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, từ nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ không chỉ tập trung đầu tư trên cơ sở xác định hướng phát triển cơ bản cho toàn vùng mà còn đi vào từng hộ, đến tận người dân trong việc hỗ trợ vốn sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, điện nước sinh hoạt, chăm lo sức khỏe...


Độc đáo cồng chiêng Tây Nguyên.


Trong tổng thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên đã được coi trọng, toàn bộ hệ thống từ thành thị cho đến các vùng nông thôn đều được làm mới và nâng cấp, tạo điều kiện cho việc đi lại dễ dàng và không bị ách tắc trong mùa mưa. Hiện nay, từ các tỉnh Tây Nguyên đi về hướng Đông Nam bộ và xuống tận các tỉnh duyên hải miền Trung, sang Lào và Campuchia đều được thuận lợi. Theo đó là 3 Cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Pleiku (Gia Lai) đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo đưa vào sử dụng đạt hiệu quả.

Đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa bàn vùng Tây Nguyên cũng đã xây dựng cơ bản hoàn thành, hệ thống giao thông nông thôn cũng được tiếp tục phát triển mạnh. Trong toàn vùng hiện có 100% số xã có đường ô tô đến tận trung tâm. Tây Nguyên cũng đã bắt đầu hình thành các cửa khẩu quốc tế và bên cạnh đó là các khu thương mại tự do để trao đổi hàng hóa với các khu vực tiểu vùng sông Mê Công, đặc biệt là thúc đẩy vùng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. 


Tài nguyên khoáng sản ở vùng Tây Nguyên cũng đang được khai thác hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước. Tận dụng các nguồn nước trên các dòng sông suối lớn, nhiều công trình thủy điện đã được đầu tư xây dựng và đã đưa Tây Nguyên trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước như nhà máy thủ điện Ia Ly, Sê San, Pleikrông, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Sêrêpôk... với tổng công suất lên tới 5.000 MW, chiếm 25% tổng công suất nguồn điện của cả nước. Với hơn 3 triệu hécta rừng, Tây Nguyên không chỉ lớn về diện tích mà còn có giá trị hết sức đặc biệt trong cuộc sống của cộng đồng dân cư - là "lá phổi xanh" cho cả khu vực. Trong nông nghiệp, Tây Nguyên cũng đã có bước phát triển khá mạnh và hiện đã có đến 200.000 ha lúa, 450.000 ha cà phê, 120.000 ha cao su, 117.000 ha chè, hơn 100.000 ha điều, 15.000 ha hồ tiêu... trở thành vùng cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Theo đó nhiều địa danh nổi tiếng ở Tây Nguyên đã được quy hoạch, chỉnh trang, bảo tồn thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như Buôn Đôn (Đắk Lắk), Biển Hồ, Ayun Hạ (Gia Lai), Măng Đen (Kon Tum)...


Nếu như trước đây trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ, người dân Tây Nguyên vẫn còn nhiều khổ cực thì nay đã hoàn toàn khác. Trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thu hẹp số hộ đói nghèo và từng bước vươn lên làm giàu, người dân luôn được tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo trên cơ sở sống tốt đời đẹp đạo. Bà con được chăm sóc sức khoẻ miễn phí, toàn vùng có 96% số xã có trạm y tế thì trong đó có đến hơn 50% số trạm y tế có bác sĩ; hơn 90% số trẻ trong độ tuổi đều được huy động đến lớp học. Nhiều buôn làng đồng bào dân tộc từ nghèo khó đã vươn lên giàu có, điển hình như ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) có hơn 4.000 đồng bào dân tộc vào làm công nhân trong các doanh nghiệp trồng cao su, cà phê xuất khẩu có mức thu nhập bình quân đạt từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.


Kinh tế - xã hội Tây Nguyên phát triển, song bản sắc văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số bản địa vẫn luôn được giữ gìn và phát huy. Nhiều buôn làng còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm, đẽo tượng gỗ, đan lát mây tre; giữ được các lễ hội đâm trâu, cúng cơm mới, cúng bến nước, hội voi và các di sản văn hóa vật thể như nhà rông, nhà dài, cồng chiêng, nhà mồ... Nhờ giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ, các dân tộc Tây Nguyên đã để lại kiệt tác văn hóa cho dân tộc, đậm đà và phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là các trường ca Đam San, Đam Di của người Ê Đê, Anh em Chư Blơng, Dăm Hdang bắt cóc nàng Bia Luy của người Banar; Mùa rẫy Bon Tiăng, cây nêu thần của người Mơ Nông; Xinh Nhã, Nàng Hbia Đrang của người J'rai... Riêng Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, năm 2006 đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu, di sản phi vật thể của nhân loại, là sự đa sắc trong ngôn ngữ âm thanh đã làm sống dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh quật cường chống giặc ngoại xâm; khẳng định khát vọng được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc của cộng đồng người Tây Nguyên.



Bài và ảnh: Văn Thông