06:12 22/06/2020

Tây Nguyên vẫn là 'điểm nóng' về phá rừng

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm của nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ. Tại khu vực này, tình trạng tranh chấp về đất rừng kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Chú thích ảnh
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên được thảo luận tại hội nghị “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên". Ảnh: L.Sơn

Ngày 22/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị với chủ đề “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên".

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích rừng ở khu vực Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha, chiếm gần 18%  diện tích rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt hơn 45%, trong đó rừng tự nhiên gần 2,2 triệu ha, rừng trồng gần 370.000 ha.

Chú thích ảnh
Bí thứ Tỉnh ủy Đắk Lắk chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác bảo vệ rừng. Ảnh: L.Sơn

Năm 2019, các tỉnh Tây Nguyên trồng được gần 9.200 ha rừng, khai thác gỗ rừng sản xuất và cây trồng phân tán đạt 0,38 triệu m3 gỗ các loại, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ các tỉnh Tây Nguyên đạt 11 triệu USD.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là các tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm của nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ. Tình trạng tranh chấp về đất rừng tại Tây Nguyên cũng kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện tới hơn gần 2.900 vụ, chủ yếu là vi phạm về vận chuyển, mua, bán lâm sản trái pháp luật. Đáng chú ý có nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật quy mô lớn. Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị suy giảm, năm 2019 giảm gần 16.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng khu vực giảm 0,09% so với năm 2018.

Chú thích ảnh
Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng. Ảnh: TTXVN

Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng trên địa bàn Tây Nguyên. Tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật quy mô lớn. Các điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, tập trung tại các khu vực biên giới, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, những nơi còn nhiều tài nguyên rừng.

Clip ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT chia sẻ các giải pháp bảo vệ rừng các tỉnh Tây Nguyên:

Trên thực tế, tình trạng rừng ở Tây Nguyên bị phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây công nghiệp, cây đặc sản đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm, tập trung ở khu vực giao cho các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, ủy ban nhân dân xã quản lý. Hình thức phá rừng tại Tây Nguyên ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường,  khô hạn xảy ra trên hầu hết các địa phương khu vực Tây Nguyên, dẫn đến số vụ cháy rừng trong thời gian qua tăng, mức độ thiệt hại lớn.

Chú thích ảnh
Nạn đốt rừng lấy đất canh tác cũng khiến diện tích rừng ở Tây Nguyên giảm. Ảnh: TTXVN
Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,7 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên gần 50%.

Năm 2019, diện tích rừng trồng ở Tây Nguyên tăng hơn 18 ngàn ha so với 2018, tuy nhiên rừng tự nhiên lại giảm hơn 15 ngàn ha, trong đó 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk (hơn 11 ngàn ha), Đắk Nông (hơn 7 ngàn ha), Gia Lai (gần 500 ha)...

Bên cạnh việc suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng của toàn khu vực hiện cũng đang bị suy thoái, đặc biệt là rừng tự nhiên. Tỷ lệ rừng trung bình, rừng giàu chỉ chiếm hơn 18% (tương ứng khoảng 0,5 triệu ha), còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi chiếm đến hơn 81% (gần 1,8 triệu ha). Những khu rừng có chất lượng cao chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng.
    
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát  biểu: "Chất lượng, độ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên vẫn còn chưa tốt. Mặc dù đến nay chúng ta có nhiều chính sách dành cho rừng tự nhiên, thế nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ phát triển rừng bền vững".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường  nhấn mạnh việc bảo vệ, phát triển rừng ở Tây Nguyên không chỉ ảnh hưởng 5,6 triệu ha đất  tại đây mà còn tác động đến các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ về sinh thủy (nguồn nước - do hầu hết các sông ở khu vực Nam Trung Bộ bắt nguồn từ Tây Nguyên).

Clip Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên:

Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, công tác rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng còn nhiều bất cập, còn sai sót và chưa sát với thực tế; việc triển khai, thực hiện các các cơ chế, chính sách tại các địa phương còn chậm, chưa có tính đột phá; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức...

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) có tổng diện tích hơn 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 2,5 triệu ha rừng. Là khu vực có diện tích rừng lớn thứ 2 cả nước (chiếm 17,5%), có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và nhiều lợi thế phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng trong khu vực gắn liền với đời sống đồng bào, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho các tỉnh Tây Nguyên mà còn cho các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và toàn vùng hạ lưu sông Mê Kông.
L. Sơn/Báo Tin tức