08:09 27/08/2012

Tây Nguyên mở hội giữa thủ đô

Một bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên sẽ được tái hiện giữa thủ đô Hà Nội trong “Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II - 2012”, diễn ra tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ 28/8 - 2/9/2012.

Một bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên sẽ được tái hiện giữa thủ đô Hà Nội trong “Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II - 2012”, diễn ra tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ 28/8 - 2/9/2012.

 

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người Tây Nguyên.

 

Công chúng sẽ có một cái nhìn toàn cảnh về văn hóa của các tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thông qua triển lãm “Tây Nguyên - bản sắc văn hóa truyền thống”. Triển lãm trưng bày hình ảnh, các bộ sưu tập hiện vật của các tộc người Tây Nguyên như trang phục truyền thống, trống da voi, cồng chiêng, công cụ lao động sản xuất, các loại nhạc cụ, các hiện vật liên quan đến nghi lễ đời người...

 

Tại không gian trưng bày này, công chúng sẽ được thưởng lãm cồng chiêng - kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người Tây Nguyên. Một không gian Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới của dân tộc Ba Na cũng được tái hiện trong không gian này. Bên cạnh đó, còn có các nhạc cụ truyền thống tiêu biểu như: Trống làng Tây Nguyên, đàn đá, đàn Tơrưng, đàn chapi, đinh pút... Người xem cũng sẽ có dịp tìm hiểu quan niệm hôn nhân, gia đình của các tộc người Tây Nguyên qua việc tái hiện lễ trao vòng cầu hôn của người Êđê; tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng của người Tây Nguyên qua không gian trưng bày khu nhà mồ, hiện vật về sinh đẻ, lễ thổi tai...


Đặc biệt, trong những ngày hội văn hóa lần này, 100 tác phẩm sử thi Tây Nguyên của các dân tộc Bana, Êđê, Mơnông, Raglai, Xêđăng... sẽ được trưng bày và giới thiệu với công chúng. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Phó trưởng Ban tổ chức cho biết, hơn 100 tác phẩm sử thi Tây Nguyên được trưng bày tại Hà Nội lần này là thành quả lao động của các cán bộ Viện Nghiên cứu Văn hóa (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” được tiến hành từ năm 2001 đến năm 2011.

 

Thông tin từ các nhà nghiên cứu sử thi Tây Nguyên cho biết: Đến hết năm 2011 kho tàng sử thi Tây Nguyên đã xuất bản được 91 tập với 107 tác phẩm. Đây được coi là công trình khoa học đồ sộ về sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên theo phương pháp hiện đại, là đợt sưu tầm, nghiên cứu đạt kết quả cao nhất về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, sử thi Tây Nguyên đang trong quá trình làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Bà Hoa cũng cho biết, trong những ngày hội văn hóa này, công chúng sẽ có cơ hội được nghe các nghệ nhân sử thi hát khan ngay tại không gian trưng bày tại triển lãm.


Bên cạnh các hoạt động triển lãm, trưng bày, BTC “Những ngày hội văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” cũng dành riêng một khu vực tổ chức hội chợ giới thiệu về ẩm thực và bán các đặc sản, nông sản, sản vật, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch đậm chất Tây Nguyên như đồ thổ cẩm, mây tre, cà phê, trà, mật ong, trái cây, rau quả, rượu cần, các món ăn đặc sản của vùng đất Tây Nguyên như cơm lam, thịt nướng... Đặc biệt, một không gian trà (Lâm Đồng) và không gian cà phê (Đắk Lắk) được tạo dựng tại sân ngoài trời sẽ là điểm tham quan và thưởng thức sản phẩm đặc trưng của đất Tây Nguyên dành cho khách tham quan.


Một lễ hội cộng đồng với chủ đề “Tây Nguyên mở hội” mang đậm sắc màu Tây Nguyên gồm dân ca, dân vũ, biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, trình diễn trang phục dân tộc, lễ hội, trò chơi dân gian trong kho tàng nghệ thuật truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên như Giarai, Bana, Êđê, Xơđăng, M’Nông, Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm... cũng sẽ được giới thiệu tới công chúng. Công chúng cũng sẽ có dịp gặp gỡ, giao lưu với các văn, nghệ sĩ nổi tiếng có sáng tác và biểu diễn về đề tài Tây Nguyên như: NSƯT Rơ Chăm Pheng, nhạc sỹ Nguyễn Cường, nghệ sỹ Linh Nga Niêk Đam, Yphôn Ksor, YZoen, ADủd... gặp gỡ và giao lưu với các cựu chiến binh, những người tham gia trận chiến mở màn giải phóng Buôn Mê Thuột và mặt trận Tây Nguyên những năm 1975, những quân nhân đang tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ chính trị - quốc phòng tại Tây Nguyên; đại diện Binh đoàn 15, Binh đoàn Tây Nguyên với thế hệ quân nhân trẻ...


Bài và ảnh: Phương Hà