03:09 18/03/2011

Tây Nguyên chống chọi với khô hạn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, mực nước các hồ, đập, sông, suối, mực nước ngầm giảm nhanh; một số hồ, đập, sông suối nhỏ đã khô cạn.

Đắk Lắk lo cho lúa và cà phê

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, mực nước các hồ, đập, sông, suối, mực nước ngầm giảm nhanh; một số hồ, đập, sông suối nhỏ đã khô cạn. Hạn hán đã xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng cho các loại cây trồng vụ đông xuân, nhất là cây lúa nước và cà phê, tập trung nhiều nhất ở 7 huyện: Krông Bông, Lắk, Ea H’Leo, Cư M’Gar, Krông Năng, Krông Pắk, Krông Ana.

Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung lao động ra đồng nạo vét các hồ đập, hệ thống kênh mương dẫn nước. Tại các vùng trọng điểm lúa, cà phê của tỉnh như Krông Pắk, Ea H’Leo, Krông Ana hiện nay, mỗi ngày có hàng ngàn lao động ra đồng nạo vét các hồ, đập, giếng nước lấy nước chống hạn cho cây trồng vụ đông xuân. Đối với những vùng lúa nước, cà phê tập trung, các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng hệ thống bơm để bơm chuyền đưa nước từ các hồ, đập ở xa về tưới cho cây trồng.

Khu hồ chứa nước Cà Tiên, thành phố Kon Tum, với năng lực tưới cho hơn 20 ha lúa hiện nay đã trơ đáy nứt nẻ. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Các địa phương cũng vận động nông dân hết sức tiết kiệm nguồn nước, đồng thời, đầu tư thêm vốn nạo vét giếng, khai thông mạch nước các hồ, đập, các dòng suối, thậm chí đào giếng ngay trong lòng hồ để tận dụng nguồn nước chống hạn cho cây trồng. Nhiều hộ đồng bào các dân tộc ở các huyện Ea H’Leo, Cư M’Gar đã đầu tư hàng chục triệu đồng để đào, khoan thêm giếng mới lấy nước chống hạn cho cây cà phê.

Tỉnh cũng chỉ đạo cho các địa phương hướng dẫn nông dân các dân tộc điều tiết nguồn nước hợp lý, ưu tiên nguồn nước tưới cho lúa, cà phê trong vùng tập trung, trong vùng kế hoạch, không được để xảy ra tình trạng tranh giành nguồn nước tưới cho cây trồng. Tỉnh cũng có kế hoạch hỗ trợ một phần nhiên liệu cho nông dân bơm nước chống hạn cho cây trồng.

Kon Tum: Giếng cạn, dân khô khát

Đã 2 tháng qua, hàng trăm hộ dân ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy (Kon Tum) phải chống chọi với cơn đại hạn khiến hàng trăm giếng nước sinh hoạt nơi đây cạn kiệt.

Theo thống kê, toàn xã Sa Bình có 550 giếng nước sinh hoạt và 2 bể nước tự chảy nhưng đến giữa tháng 3 đã có 220 giếng khô cạn, 2 bể tự chảy cũng bắt đầu cạn nước, số giếng còn lại cũng cung cấp nước cầm chừng, chỉ đủ cho ăn uống. Theo ông Nguyễn Minh Thuận - Chủ tịch UBND xã, năm nay hạn đến sớm, trước Tết đồng khô, ruộng hạn. Nhiều hộ dân đã buộc phải nạo vét giếng để có nước dùng nhưng cũng không ăn thua. Mỗi giếng, nếu nạo vét tốt thì cũng chỉ vét được 3-4 thùng nước (khoảng 25 lít) là cùng.

Hơn 80 ha lúa vụ xuân của xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum bị khô hạn. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Tính đến ngày 17/3, Đắk Lắk có trên 5.000 ha cây trồng ngắn ngày vụ đông xuân bị khô hạn, mất trắng, trong đó, nhiều nhất là diện tích lúa nước gieo sạ ở những chân ruộng không chủ động được nguồn nước, diện tích gieo trồng vuợt kế hoạch. Tỉnh cũng có gần 3.200 ha cà phê kinh doanh của các huyện Ea H’Leo, Cư M’Gar, Krông Búk bị khô hạn, giảm từ 50% sản lượng trở lên, trong đó, tập trung nhiều nhất là huyện Ea H’Leo.

Tình trạng khô hạn đã khiến cho sinh hoạt của các hộ dân, trường học thay đổi. Tại trường Trung học cơ sở Sa Bình những ngày qua, giếng nước của trường đã cạn, chỉ bơm cầm chừng khiến việc ăn uống, sinh hoạt của giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng nhiều. Là trường bán trú nhưng những ngày qua, nhà vệ sinh phải khóa cửa, học trò không có nước để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, nhà vệ sinh phải khóa cửa. 40 học sinh của 2 làng Lung Leng và Bình Loong có nguy cơ phải bỏ học bán trú vì thiếu nước. Theo một thầy giáo, nhà trường đã cố gắng khắc phục khó khăn nhưng chẳng có nguồn nước nào thay thế.

Tại làng Lung Leng, Bình Loong, ở trên lòng hồ thủy điện Pleikrông tình hình cũng chẳng khá hơn khi khô hạn đã đến từng ngõ. Cả 2 làng đều trông chờ vào 2 công trình nước tự chảy là hồ Khúc Na và Bình Loong nhưng 2 công trình này cũng đã cạn. Hàng loạt giếng nước của người dân trong làng cũng trơ đáy.

Cả làng giờ chỉ có giếng nước của nhà A Huyt là có khả năng cầm cự nhưng cả tháng qua, cái giếng nhỏ bé kia phải gồng mình cho 5-6 máy bơm hoạt động liên tục để “giải khát” cho cả chục hộ dân sống quanh làng. Người dân sống ở 2 làng đành phải chở nước từ lòng hồ Pleikrông hoặc từ dòng Pôkô về dùng, nhưng nước rất đục, chủ yếu chỉ để tắm giặt chứ không thể ăn uống được.

“Nếu hết tháng 3 mà không có mưa thì cả xã sẽ hết nước dùng”- ông Thuận lo lắng. “Cơn khát” được dự báo sẽ còn kéo dài bởi Kon Tum mới chỉ bắt đầu bước vào mùa khô.

Quang Huy-Cao Nguyên