05:08 26/05/2012

"Tây Du ký" hồi sinh

Nhiều thế hệ người Trung Quốc đã trưởng thành với tiểu thuyết Tây Du ký của nhà văn Ngô Thừa Ân. Giờ đây, câu chuyện sử thi phiêu lưu có niên đại từ thế kỷ 16 này đang là chủ đề trong 2 chuyển thể điện ảnh mới.

Nhiều thế hệ người Trung Quốc đã trưởng thành với tiểu thuyết Tây Du ký của nhà văn Ngô Thừa Ân. Giờ đây, câu chuyện sử thi phiêu lưu có niên đại từ thế kỷ 16 này đang là chủ đề trong 2 chuyển thể điện ảnh mới.
 
Nhiều người hy vọng rằng câu chuyện này sẽ lại mê hoặc khán giả với bản phim Tây Du ký mới do “Vua hài” Hong Kong Châu Tinh Trì làm đạo diễn và bản phim 3D Vua Khỉ do Châu Nhuận Phát thủ vai chính.
 
“Tây Du ký là một câu chuyện đầy hình ảnh tưởng tượng” - Châu Tinh Trì nói. Anh là tác giả của một số bộ phim đạt doanh thu cao nhất Trung Quốc như Thiếu Lâm túc cầu (2001) và Tuyệt đỉnh Kung Fu (2004).
 

Một hình ảnh trong bản phim The Monkey Goes West (1966).

 
* Nguồn cảm hứng bất tận

 

Khi nền công nghiệp điện ảnh đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc tiếp tục lập những kỷ lục mới về thương mại thì các nhà làm phim nước này lại càng muốn tung ra những bộ phim lôi cuốn được khán giả.

 

Không chỉ sáng tạo ra những câu chuyện mới, mà họ còn để mắt tới các tác phẩm văn học cổ và đương đại để chuyển thể thành phim. Và Tây Du ký là một trong những tác phẩm văn học được chuyển thể nhiều nhất.

 

Châu Tinh Trì hiện đang hoàn tất những khâu cuối cùng trong bản phim Tây Du ký mới, với kinh phí dàn dựng 110 triệu NDT (17,3 triệu USD) và có sự thủ diễn chính của nam diễn viên đại lục Văn Chương và Thư Kỳ. Đây là lần thứ 3 Châu Tinh Trì lấy Tây Du ký làm chất liệu cho dự án điện ảnh của mình.

 

Ý tưởng đưa Tây Du ký lên màn bạc được Châu Tinh Trì nhen nhóm từ cách đây 30 năm, sau khi anh xem bản phim đen trắng tiếng Quảng Đông tại một rạp chiếu ở Hong Kong. “Tôi nghĩ câu chuyện này vẫn lôi cuốn được công chúng hiện nay. Câu chuyện đầy sáng tạo và cấu trúc được sắp xếp rất trật tự” - Châu Tinh Trì nói.

 

Được coi là 1 trong “Tứ đại danh trứ” của Trung Quốc, Tây Du ký bắt đầu xuất hiện trên màn bạc từ những năm 1940 và từ đó đến nay là nền tảng của nhiều bộ phim ăn khách như Monkey Goes West (1966) và Vua Kung Fu (The Forbidden Kingdom - 2008) do ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt thủ vai chính, cũng như phim Tân Tây Du ký phần 1 + 2 (A Chinese Odyssey - 1994) của Châu Tinh Trì.

 

Tuy nhiên, bản phim của Châu Tinh Trì không phải là dự án điện ảnh duy nhất mang cốt truyện Tây Du ký được phát hành vào năm 2013, mà tác phẩm của anh sẽ phải “đối chọi” với bộ phim 3D Vua Khỉ (The Monkey King) của đạo diễn Soi Cheang. Với kinh phí dàn dựng 400 triệu NDT (63 triệu USD), phim Vua Khỉ do các ngôi sao Hong Kong Châu Nhuận Phát và Chân Tử Đan thủ vai chính. Tác phẩm điện ảnh này đang ở phần hậu kỳ.

 

Câu chuyện về thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh còn được kể lại trong nhiều sản phẩm truyền hình, mà điển hình nhất là serie phim Saiyuki của Nhật Bản, được dàn dựng từ những năm 1970 và đã đến với công chúng khắp thế giới.

 

Gần đây, Tây Du ký còn là cốt truyện của vở opera được nhiều ca ngợi: Monkey: Journey to the West do nghệ sĩ rock Anh Damon Albarn và đạo diễn sân khấu trung Quốc Chen Shi Zheng hợp tác dàn dựng.

 

Thêm nữa, Tây Du ký còn được Nickelodeon dựng thành trò chơi ăn khách mang tên Monkey Quest và công ty này tuyên bố đây là “thế giới ảo phát triển nhanh nhất dành cho thiếu nhi”.

 

* Câu chuyện mang tính toàn cầu

 

Bà Kat Yeung, Giám đốc điều hành của Filmko Films, nơi đồng sản xuất phim Vua Khỉ cùng Mandarin Films, tin rằng những bài học mà đồ đệ của nhà sư Đường Tăng đúc kết được trên đường đi lấy kinh vẫn có giá trị trong nhiều thế kỷ kế tiếp. “Chúng tôi muốn đưa câu chuyện này tới khán giả quốc tế và Vua Khỉ mới chỉ là phần đầu, trong cuốn truyện còn rất nhiều chương với những câu chuyện độc lập” – bà Kat Yeung nói.

 

Hạn ngạch chiếu phim nước ngoài ở Trung Quốc hiện nay chỉ 20 phim/năm, vì vậy nền điện ảnh nước này rất cần những sản phẩm hay và ý tưởng độc đáo để thu hút khán giả đến rạp. Tây Du ký được xem là nguồn truyền cảm hứng phong phú.

 

Ông Paul Fonoroff, sử gia kiêm nhà phê bình điện ảnh ở Hong Kong, cũng cho rằng câu chuyện Tây Du ký mang tính toàn cầu. “Đây là một câu chuyện dành cho mọi lứa tuổi: giàu hình ảnh tưởng tượng, phiêu lưu, các nhân vật vô cùng thú vị dành cho thiếu nhi, chủ đề có tính phúng dụ dành cho người lớn” - Fonoroff nói. “Các chủ đề trong câu chuyện không chịu ảnh hưởng của thời gian và có tính cộng hưởng, bất kể khán giả thuộc nền tảng văn hóa nào”.

 

Theo thethaovanhoa.vn