07:05 27/07/2011

“Tẩy chay” công nghệ chế biến chè “bẩn”

Thời gian qua, vì lợi nhuận bất chính, một số hộ gia đình ở xã Thái Hòa, Đức Ninh (Hàm Yên) khi chế biến chè có pha trộn bùn và phân lân Văn Điển gây tác hại trực tiếp đến chất lượng chè, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng uy tín...

Thời gian qua, vì lợi nhuận bất chính, một số hộ gia đình ở xã Thái Hòa, Đức Ninh (Hàm Yên) khi chế biến chè có pha trộn bùn và phân lân Văn Điển gây tác hại trực tiếp đến chất lượng chè, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu chè của huyện và tỉnh Tuyên Quang. Ngay sau khi phát hiện “công nghệ” chế biến chè “bẩn” ở một số hộ gia đình, huyện Hàm Yên đã nhanh chóng vào cuộc, lập đoàn kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền cho các hộ sản xuất chè “bẩn” thấy được tác hại của việc làm này.

Tẩy chay công nghệ chế biến chè “bẩn”

Huyện Hàm Yên hiện có gần 1.700 ha chè, tập trung chủ yếu ở 8 xã phía Nam của huyện bao gồm: Đức Ninh, Thái Hòa, Thái Sơn, Hùng Đức, thị trấn Tân yên, Tân Thành, Bình Xa…

Chế biến chè bẩn.

Bà Nông Thị Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết: Việc một số hộ gia đình ở xã Thái Hòa, Đức Ninh chế biến chè bẩn là có thật, tuy nhiên đây chỉ là hiện tượng “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Theo bà Hương, ngay sau khi phát hiện một vài hộ dân chế biến chè không đảm bảo vệ sinh, huyện Hàm Yên đã kịp thời vào cuộc, rà soát thống kê số lượng các cơ sở chế biến chè và tổ chức cho các hộ chế biến, thu mua chè trên địa bàn ký cam kết không sử dụng các tạp chất trộn lẫn trong quá trình chế biến. Đến nay, tất cả các hộ chế biến chè đã tẩy chay hoàn toàn với “công nghệ” chế biến chè “bẩn”.

Ông Phí Ngọc Sáng, dân tộc Tày, thôn Quang Thái 2, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên trao đổi với chúng tôi: Gia đình tôi có 1 máy sao chè và 2 máy vò chè, công suất chế biến 1 tạ chè tươi mỗi ngày. Để chè có mẫu mã đẹp và cân nặng hơn, khi vò và sao chè gia đình tôi cho thêm ít phân lân vào. Tôi biết làm thế là bất hợp pháp, nhưng vì lợi nhuận mà đã không lường hết được tác hại lâu dài. Giờ được phổ biến, tuyên truyền, gia đình tôi đã ký cam kết không sản xuất chè “bẩn” nữa.

Gia đình bà Lý Thị Linh, dân tộc Tày, thôn Đầu Phai, xã Thái Hòa cho biết: Trước đây, gia đình tôi vẫn sản xuất chè “sạch” theo đúng quy trình và bán cho các nhà máy, cơ sở thu mua trên địa bàn. Thời gian gần đây, một vài lái buôn vào tận nhà hướng dẫn cách pha trộn chè lẫn tạp chất để bán cho họ, vì lợi nhuận gia đình tôi đã làm theo mà không nhận thức được làm như vậy là vi phạm luật vệ sinh an toàn thực phẩm. Được cán bộ phòng nông nghiệp đến tuyên truyền, gia đình tôi đã ký cam kết chế biến chè theo đúng quy trình kỹ thuật, tẩy chay hoàn toàn với công nghệ chế biến chè “bẩn”.

Anh Triệu Văn Hiệu, thôn Cây Vải, xã Thái Hòa bức xúc: Tôi và những hộ chế biến chè sạch trong thôn rất bức xúc về việc một vài hộ vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến tập thể, chúng tôi đã tổ chức họp thôn và yêu cầu những hộ sản xuất chè “bẩn” chế biến chè theo đúng quy trình kỹ thuật. Đến nay, tất cả các hộ trong thôn đều đã được ký cam kết và sản xuất, chế biến chè theo hướng phát triển bền vững.

Nhân rộng các mô hình chè “sạch”

Để tiếp tục khẳng định thương hiệu chè Hàm Yên nói riêng và chè Tuyên Quang nói chung, huyện Hàm Yên đã xây dựng Đề án Phát triển cây chè giai đoạn 2011 - 2015, theo đó huyện sẽ tiếp tục phát triển vùng chè tại 8 xã phía Nam thành vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung thâm canh cao, tăng năng suất, chất lượng chè tạo ra nguồn nguyên liệu tốt cho các cơ sở chế biến. Đồng thời, huyện đang nhân rộng mô hình sản xuất chè “sạch” ra nhiều xã trên địa bàn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phía Bắc tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh chè theo quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh chè. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh chè và tác hại của hành vi trộn tạp chất trong sản xuất chè… cũng như phát động quần chúng nhân dân lên án, tố giác, đấu tranh với các hành vi sản xuất chè không an toàn... Đáng chú ý là đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để xử lý theo quy định của pháp luật. Hoàng Linh

Tại làng Bát, xã Tân Thành, một trong những mô hình điểm trong sản suất chè “sạch” ở huyện Hàm Yên, ông Đỗ Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch xã cho biết: Mô hình chè sạch ở làng Bát được thực hiện từ năm 2002 với diện tích ban đầu là 3 ha, đến nay đã phát triển lên gần 30 ha, nhờ mô hình sản xuất chè “sạch” an toàn và bền vững mà nhiều hộ dân trong thôn đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình bà Nguyễn Thị Vẽ là một trong những hộ nghèo của thôn 5, làng Bát, nhờ mô hình chè sạch mà gia đình bà đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Bà Vẽ cho biết: Tuy giá chè sạch cao hơn giá chè bình thường từ 10.000 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg, nhưng sản phẩm chè sạch luôn được ưa chuộng và bán rất đắt hàng. Theo bà Vẽ, tất cả các hộ sản xuất theo mô hình chè “sạch” đều được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và sơ chế chè theo đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng thuốc an toàn sinh học, sao sấy đảm bảo vệ sinh. Nhiều hộ trong thôn đã mở rộng thị trường sang các tỉnh lân cận, thậm chí có hộ còn tiêu thụ chè ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…

Huyện Hàm Yên cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn cùng vào cuộc để “tẩy chay” chè “bẩn”. Ông Đào Quyết Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH chè Hưng Anh, địa chỉ tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên cho biết: Thời gian tới công ty sẽ có cam kết bao tiêu sản phẩm để tạo vùng nguyên liệu bền vững, lâu dài, tránh tình trạng người dân bán sản phẩm cho tư thương bên ngoài. Đồng thời, điều chỉnh mức giá mua vào hợp lý hơn để người dân không bị “thiệt”. Theo ông Thắng, thời gian qua, do giá mua vào của tư thương cao hơn so với công ty, nên người dân thường mang sản phẩm ra chợ bán, dẫn đến tình trạng công ty phải đóng cửa, do thiếu nguyên liệu sản xuất. Hiện nay, việc chế biến chè không đảm bảo vệ sinh bán cho tư thương đã được dập tắt, người dân đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho công ty nên dây chuyền chế biến đã hoạt động trở lại.

Khiếu Thư