09:21 23/09/2020

Tây Ban Nha mở rộng các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch COVID-19

Ngày 23/9, giới chức Tây Ban Nha cho biết Madrid sẽ mở rộng các biện pháp phong tỏa một phần sang một số khu vực khác để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Madrid đang là tâm dịch của loạt ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 9/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Đầu tuần này, chính quyền đã áp dụng các biện pháp kiểm soát đi lại với khoảng 850.000 người tại Madrid, chủ yếu tập trung tại các quận đông dân cư, thu nhập thấp ở phía Nam. Các địa điểm này chiếm 13% trong tổng dân số 6,6 triệu người của khu vực, nhưng lại có số ca nhiễm chiếm tới 24%. Các biện pháp hạn chế bao gồm việc ngăn người dân ra vào các khu vực bị ảnh hưởng, ngoại trừ mục đích đi làm, đi học hoặc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, họ có thể đi lại tự do tại nơi mình sinh sống.

Giới chức y tế Tây Ban Nha xác nhận các biện pháp hạn chế sẽ được mở rộng sang các khu vực khác. Chính quyền sẽ chính thức thông báo khu vực nào bị ảnh hưởng vào ngày 25/9. Nhà chức trách sẽ nghiên cứu và phân tích dữ liệu dịch bệnh trước khi đưa ra quyết định.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa đã kêu gọi người dân Madrid hạn chế di chuyển và tiếp xúc xã hội nhằm giảm thiểu số ca nhiễm mới. Khu vực Madrid hiện ghi nhận 202.600 ca nhiễm và 9.129 ca tử vong do COVID-19, chiếm 1/3 số ca nhiễm và tử vong trên cả nước. Kể từ khi chính phủ trung ương chấm dứt tình trạng khẩn cấp và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trên toàn quốc vào ngày 21/6 vừa qua, công tác kiểm soát dịch và chăm sóc y tế công đã được trao lại cho chính quyền 17 khu vực tự trị.

* Tại Pháp, các nguồn thạo tin cho biết chính phủ đang chuẩn bị thông báo các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại thủ đô Paris, nơi số ca nhiễm mới đang tăng mạnh kể từ khi chấm dứt lệnh phong tỏa.

Dự kiến các Bộ trưởng sẽ có 2 cuộc họp, trong đó có một cuộc họp của hội đồng quốc phòng, trong ngày 23/9 nhằm phân tích tình hình, sau khi Pháp đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới và 78 ca tử vong một ngày trước đó. Tại khu vực Paris Ile-de-France, tỷ lệ lây nhiễm đã tăng lên 204 trên 100.000 dân, cao hơn những khu vực chịu ảnh hưởng nặng như Lyon và Marseille. Hai thành phố này đều đã siết chặt các biện pháp hạn chế lây nhiễm.

Theo kế hoạch, các Bộ trưởng sẽ thảo luận về khả năng tăng cường các biện pháp hạn chế tại một số khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, cũng như tìm cách đẩy nhanh quá trình nhận kết quả xét nghiệm, vốn có thể mất tới 1 tuần. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết một số quyết định sẽ được đưa ra trong ngày 23/9 và do Bộ trưởng Y tế Olivier Veran công bố tại buổi họp báo hàng tuần vào tối cùng ngày. 

* Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đã hối thúc những người sử dụng ứng dụng truy vết Corona Warn App trên điện thoại thông minh cần cập nhật kết quả dương tính vào hệ thống để cảnh báo người khác kịp thời.

Ứng dụng Corona Warn App đã ra mắt cách đây 100 ngày với hơn 18 triệu lượt tải. Tuy nhiên, mới chỉ 5.000 người dùng dương tính với virus thực sự kích hoạt cảnh báo tới những người từng tiếp xúc với họ. Đa số chỉ gọi đường dây nóng do họ sợ danh tính sẽ bị tiết lộ.

Theo trang thống kê worldometers.info, Đức hiện có tổng cộng ca 277.622 nhiễm và 9.496 ca tử vong do COVID-19.

* Tại Hà Lan, Viện Y tế Quốc gia đã ghi nhận thêm 2.357 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 100.597 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tổng số ca tử vong tại Hà Lan hiện là 6.296 ca.

Kể từ cuối tháng 8, số ca nhiễm tại Hà Lan đã tăng mạnh, khiến nước này rơi vào tình trạng bị thiếu xét nghiệm. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã hối thúc người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Đặng Ánh (TTXVN)