01:14 22/01/2021

Tây Ban Nha ghi nhận 44.357 ca mắc COVID-19 trong ngày

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 21/1 ghi nhận thêm 44.357 ca mắc mới bệnh COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.456.675 ca.

Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha có thêm 404 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 55.041 ca. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 15/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tỷ lệ lây nhiễm trung bình tại Tây Ban Nha trong 14 ngày qua đã tăng lên 795 ca/100.000 người, gấp hơn 3 lần tỷ lệ lây nhiễm (250 ca/100.000 người) mà Bộ Y tế nước này cho là "mức cực kỳ nguy hiểm". Tại một số khu vực tự trị, tỷ lệ mắc bệnh thậm chí còn cao hơn nhiều. Khu tự trị Extremadura ở miền Tây Nam Tây Ban Nha có tỷ lệ lây nhiễm trung bình là 1.467,5 ca/100.000 người, các khu tự trị Murcia và Valencia ở miền Đông Nam lần lượt có tỷ lệ là 1.286,9 ca/100.000 người và 1.166,1 ca/100.000 người. 

Tại Pháp, nước này đã ghi nhận gần 23.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Theo số liệu chính thức đăng tải trên trang web của chính phủ ngày 21/1, Pháp có thêm 22.848 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.987.965 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 346 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 71.998 ca. 

Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 vào tối cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran nhấn mạnh chính phủ đang chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn dịch bệnh sau khi sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh buộc nhiều quốc gia châu Âu phải áp đặt lệnh phong tỏa. Biến thể mới nói trên được cho là dễ lây nhiễm hơn, do đó Chính phủ Pháp đang làm mọi việc có thể để hạn chế sự lây lan của biến thể này. Theo ông Veran, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn sẽ được thực thi nếu biến thể này tiếp tục lây lan.

Tại Anh, nước này ngày 21/1 thông báo ghi nhận 37.892 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 3.543.646 ca, trong đó 94.580 ca tử vong. Nhằm kiểm soát dịch bệnh, Anh đang nỗ lực tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Đến nay, gần 5 triệu người ở Anh đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, Thủ tướng Boris Johnson cho rằng còn quá sớm để thông báo khi nào các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ. 

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/1 cảnh báo số ca bệnh trên toàn cầu có thể tăng lên mức 100 triệu người vào cuối tháng này, nhưng cho rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp kiểm soát dịch bệnh. 

Phát biểu tại cuộc họp bất thường của Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch (SAGE) của WHO, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện hơn 2 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong do COVID-19, và dự báo đến cuối tháng này, tổng số người mắc bệnh trên toàn cầu sẽ tăng lên 100 triệu người. Tuy nhiên, ông cho rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp thế giới kiểm soát được dịch bệnh. 

Hiện chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Ông Tedros nhấn mạnh các nước trên thế giới cần phối hợp cùng nhau nhằm bảo đảm việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách nhanh chóng và công bằng. 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến trưa 22/1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 98,1 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 2,1 triệu ca tử vong do COVID-19.

Trần Quyên (TTXVN)