08:14 09/08/2014

Tây Bắc ứng phó với thiên tai -Thảm họa được báo trước

Vùng Tây Bắc có diện tích tự nhiên chiếm gần 1/3 diện tích cả nước và cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Vùng Tây Bắc có diện tích tự nhiên chiếm gần 1/3 diện tích cả nước và cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng Tây Bắc có nhiều rừng, đồi, núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn; hiện còn một số xã đường ô tô chưa đi được 4 mùa.

Thảm họa khó lường


Theo bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc, vùng Tây Bắc có địa hình hiểm trở, độ dốc cao, bị chia cắt mạnh trong khi diện tích tự nhiên rộng. Trong khi đó, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán sống bên thung lũng hoặc bờ suối rất dễ bị lũ ống, lũ quét; số khác thì lại sống trên triền dốc nên thường bị sạt trượt, lở đất. Tìm nơi bằng phẳng thì vốn ít, lại phải ưu tiên cho sản xuất nên nhiều hộ dân chưa biết sống chỗ nào là an toàn. Nếu xảy ra sự cố môi trường hoặc thiên tai, do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, bị chia cắt trong bão lũ, hoặc ách tắc giao thông nên công tác cứu trợ khẩn cấp gặp không ít khó khăn.

 

Người dân Chu Va 6 (tỉnh Lai Châu) vượt qua suối trên những thanh sắt cầu tạm vừa bị lũ cuốn trôi rất nguy hiểm đến tính mạng (ảnh chụp lúc 5 giờ ngày 27/4/2014). Ảnh: Nguyễn Công Hải - TTXVN


Những năm qua, nhiều trận bão lũ và sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn vùng Tây Bắc với tần suất ngày càng cao. Những trận lũ quét xuất hiện ngày càng nhiều hơn, mức độ tàn phá ngày càng khủng khiếp. Nhớ lại trận lũ quét ngày 27/6/1990 tại thị xã Lai Châu, bà Nguyễn Thị Lai, giáo viên Trường tiểu học Lay Nưa, thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên không khỏi bàng hoàng. Bà Lai cho biết: Trận lũ quét đã cuốn trôi toàn bộ phần đất thấp ven bờ suối Nậm Lay. Nhiều cơ quan, xí nghiệp, công viên, nhà văn hóa, bến xe, trại chăn nuôi... bị lũ cuốn trôi, khiến 300 người chết và mất tích, 200 người bị thương, hơn 14.300 m2 nhà bị tàn phá, 300 ha ruộng lúa bị vùi lấp. Sáu năm sau, tháng 8/1996 thị xã Lai Châu tiếp tục hứng chịu một trận lũ quét nữa trên suối Nậm Lay khiến 89 người chết và mất tích.


Do hoàn lưu của cơn bão số 2 trong tháng 7/2014, trên địa bàn vùng Tây Bắc đã có 25 người chết và mất tích, 56 người bị thương, 226 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 6.444 ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, hư hỏng, 253.325 m3 đất đá sạt lở đường giao thông, thiệt hại khoảng 137,3 tỷ đồng…

Không riêng thị xã Lai Châu, Điện Biên, người dân vùng cao vẫn còn nhớ những trận lũ quét lịch sử diễn ra trên khắp vùng Tây Bắc: Tại thị xã Sơn La, ngày 27/7/1991 trận lũ quét đã làm chết 21 người, 11 người mất tích, 100 ngôi nhà bị cuốn trôi, 762 nhà bị ngập, 5.000 ha lúa cùng hàng trăm ha hoa màu bị hư hại. Ngày 4/10/2000 trận lũ quét, lũ bùn đá tràn qua bản Nậm Coóng, xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), làm 39 người chết, 17 người bị thương, nhiều nhà cửa, tài sản, trâu bò bị cuốn trôi.

Trận lũ quét đêm 28/9/2005 tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã cuốn phăng 26 ngôi nhà làm 8 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 50 người chết và mất tích. Trận lũ quét lở đất đêm 8/8/2008 tại bản Tùng Chỉn 1, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã khiến 22 người chết và mất tích. Cũng trong trận lũ này các xã Long Khánh, Long Phúc, Tân Dương, Bảo Hà... của tỉnh Lào Cai đã làm 79 người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và vùi lấp, hơn 400 ha ruộng lúa bị phá hủy hoàn toàn.


Trong hai năm 2010 và 2012, ở tỉnh Yên Bái, những sự cố về sạt lở ta luy, trượt đất, sập đất do khai thác mỏ… đã trở thành nỗi kinh hoàng, cướp đi nhiều sinh mạng và để lại hậu quả nặng nề. Chỉ tính từ ngày 30/4 - 1/5/2013, trên địa bàn vùng Tây Bắc, mưa, gió lốc đã làm 18 người chết và mất tích, 90 người bị thương, 282 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 46.961 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng ngàn ha lúa, hoa màu bị tàn phá, ước thiệt hại 798 tỷ đồng.


Còn nhiều bất cập


Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, một trong những nguyên nhân vùng Tây Bắc thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng là công tác bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, phòng chống cháy rừng chưa quyết liệt. Công tác quản lý, khai thác khoáng sản trong nền kinh tế thị trường hiện nay đang đứng trước những thách thức, khó khăn mới. Sự khai thác khoáng sản, tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng bừa bãi, khiến tài nguyên rừng bị cạn kiệt, làm mất cân bằng sinh thái và mất đa dạng sinh học, mất đi nhiều nguồn gen quý. Từ đó dẫn tới những thảm họa thiên nhiên luôn rình rập, khó lường.


Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, nguyên nhân của sự bất cập bắt nguồn từ cơ chế chính sách, thiếu nguồn lực và nhu cầu cho công tác giảm nhẹ thiên tai. Ví dụ chính sách hỗ trợ gạo cho hộ nghèo để bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, người dân không thể sống được từ tiền trông coi, bảo vệ rừng vì nguồn kinh phí quá nhỏ; khi xảy ra cháy rừng, các hộ nghèo không có đủ điều kiện để dập tắt đám cháy. Một bất cập nữa là nhiều hộ tuy không thuộc diện nghèo, cùng tham gia trông giữ rừng nhưng lại không được hỗ trợ. Ở nhiều tỉnh, kinh phí cho các đề án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất mới chỉ đáp ứng 50%...


Bên cạnh đó, trình độ dân trí chưa cao, điều kiện kinh tế còn quá khó khăn, công tác tuyên truyền và xã hội hóa nguồn lực cho công tác giảm nhẹ thiên tai trong đồng bào vùng Tây Bắc còn nhiều thiếu thốn. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều địa phương còn lúng túng; trang, thiết bị, công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế.


Đứng trước những khó khăn, thách thức do thiên tai, bão lũ gây ra, trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng các chương trình, đề án, các chính sách đặc thù; nghiên cứu sắp xếp, rà soát quy hoạch lại các dự án thủy điện, không làm thủy điện bằng mọi giá nếu chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã đề xuất với các bộ, ngành liên quan về việc quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản, nhằm quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.


Bà Hoàng Thị Hạnh cho biết, từ năm 2009, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã xây dựng chương trình phối hợp công tác với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác cứu trợ khẩn cấp đối với các tỉnh vùng Tây Bắc khi bị thiên tai, thảm họa. Tiếp đó, Ban Chỉ đạo Tây Bắc còn phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và một số Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu tổ chức triển khai nghiên cứu những đề tài về phát triển bền vững vùng Tây Bắc, trong đó có những đề tài về bảo vệ môi trường.


Những năm qua, các tỉnh trong vùng đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; nhất là quản lý, bảo vệ nguồn nước, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, trồng, bảo vệ, phát triển rừng… Những chuyển biến tích cực trong công tác này đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Công tác trồng, giữ rừng được quan tâm, năm 2013, toàn vùng trồng mới được 115.000 ha rừng, đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,1%; công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ được bảo đảm.


Các địa phương đã tổ chức di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao trước những trận mưa bão lớn. Tổ chức cứu trợ khẩn cấp, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lũ, kịp thời thăm hỏi, động viên đồng bào bị thiên tai, bão lũ; khôi phục sản xuất và tổ chức đời sống cho nhân dân sau bão lũ.



Viết Tôn - Thu Hồng - Tiến Hiển