Nông nghiệp ĐBSCL trước biến đổi khí hậu

Nhận diện những khó khăn

Hiện có rất nhiều trở ngại trong việc đưa ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long thích nghi với BĐKH, phát triển bền vững.


Khó chuyển đổi

Những năm qua, hàng loạt dự án, chương trình hành động đã được triển khai ở các cấp bộ, ngành, chính quyền địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đảm bảo đời sống, sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, nhất là vùng ven biển, vùng nhiễm mặn. Trong đó những nhiệm vụ như: Chuyển đổi cây trồng vật nuôi, bảo vệ, phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển luôn được xem là một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng và được quan tâm triển khai.

Vùng nuôi tôm trên diện tích 4 ha của anh Võ Văn Chợ, ấp Yên Bình, xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang năng suất thấp do tôm không lớn.

Trên thực tế, các tỉnh, thành trong vùng đã xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân. Huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), là khu vực bị ảnh hưởng nặng do thủy triều dâng cao, nên ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân chuyển đổi một phần diện tích mía kém hiệu quả sang trồng ngô lai, nuôi tôm nước lợ để giảm thiệt hại do thiên tai. Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp ở xã Hòa Minh (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cũng được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của một xã cù lao thường xuyên bị nhiễm mặn.

Tuy nhiên, những chuyển đổi đa dạng mô hình sản xuất nói trên địa phương nhiều năm qua vẫn còn nằm ở dạng mô hình, nhỏ lẻ. Đại diện ngành nông nghiệp ở một số địa phương cho rằng, quy hoạch các vùng sản xuất tỉnh đã công bố, các loại giống cây trồng, vật nuôi cũng đã thông báo đến người dân nhưng hiệu quả chuyển đổi không cao.

Chính những hạn chế “nội tại” của ngành nông nghiệp đã khiến cho công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và nhân rộng bị trì trệ. Là vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước, nhưng vẫn còn mang đậm cách tổ chức sản xuất nông nghiệp dạng nông hộ, khó tạo ra sản xuất hàng hóa lớn, bấp bênh đầu ra chính là nguyên nhân chính khiến người dân ngại chuyển đổi. Bên cạnh đó, hạ tầng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Các công trình thủy lợi, đê biển, đê sông, kè, đập, hồ chứa... chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi. Dù đã có những quy hoạch tái cơ cấu ngành thủy lợi, quy hoạch hệ thống đê bao nhưng với nguồn lực hạn chế, chưa có cơ chế tài chính hiệu quả, linh hoạt thì rõ ràng dù có những nỗ lực nhưng ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

Điều này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng nhìn nhận: để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngành NN&PTNT cần nguồn đầu tư lớn nhưng chưa gắn chặt được với phân bổ nguồn lực vì chưa được ưu tiên cao ở cấp quốc gia. Đây là một “nút thắt” lớn rất cần được trung ương quan tâm tháo gỡ để phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi cây trồng theo hướng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trong điều kiện BĐKH đã được ban hành.

Bảo vệ rừng ngập mặn chưa hiệu quả

Trong khi đó, hoạt động phá rừng ngập mặn của một bộ phận dân cư để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình dân dụng và khai thác quá mức… đang diễn ra khá phổ biến, đe dọa trực tiếp đến môi trường sinh thái.

Tính từ năm 1998 đến nay, toàn vùng đã trồng rừng mới và trồng lại được trên 21.000 ha rừng phòng hộ. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng cũng thường xuyên xảy ra. Từ năm 2000 đến 2013, có gần 12.000 ha rừng trồng bị thiệt hại. Do vậy, hệ thống rừng ngập mặn đang đứng trước nguy cơ không đảm bảo yêu cầu bảo vệ đê, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế bền vững.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay hệ thống tổ chức quản lý, cơ chế chính sách và các giải pháp để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển chưa hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Tổng Cục Lâm nghiệp cho rằng: công tác quản lý bảo vệ rừng ngập mặn tại các địa phương còn chồng chéo và thiếu sự phối hợp giữa các ngành liên quan, cũng như không thống nhất giữa các địa phương. Hiện nay có tỉnh thì Ban quản lý rừng thuộc Sở NN&PTNT, ở tỉnh khác Ban quản lý rừng thuộc Chi Cục Kiểm lâm, các Vườn Quốc gia trực thuộc UBND tỉnh… chính vì vậy đã gây khó khăn trong việc quản lý, điều hành.

Để ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thích nghi với BĐKH, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Theo các chuyên gia, việc quy hoạch và quản lý quy hoạch cần phải được ổn định lâu dài, xác định rõ trên bản đồ và ngoài thực địa để quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Các địa phương phải kiên quyết rà soát, thu hồi đất của tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép diện tích thuộc hành lang an toàn bảo vệ đê hoặc diện tích đã giao thuộc quy hoạch phát triển lâm nghiệp nhưng sử dụng không đúng mục đích để trồng lại rừng.

Để quản lý rừng tốt, trung ương cần nghiên cứu chính sách đầu tư và cơ chế hưởng lợi đối với rừng ven biển nhằm khuyến khích mọi thành phần xã hội tham gia, đẩy mạnh giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng và các hộ gia đình. Cần tăng biên chế và chính sách đãi ngộ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Ngoài ra, tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực cho mọi tầng lớp xã hội về chức năng, vai trò của rừng ven biển để nâng cao ý thức bảo vệ cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa.
A.Đ
Thích nghi với điều kiện sản xuất mới
Thích nghi với điều kiện sản xuất mới

Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện trước những thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp của vùng phải nhanh chóng triển khai những giải pháp để thích nghi với điều kiện sản xuất mới, làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là trung tâm xuất khẩu nông nghiệp lớn của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN