Giáo dục vùng cao vượt khó

Thời gian qua, vượt lên những khó khăn, gian khổ, dù phải trèo đèo lội suối, các thầy cô giáo vẫn bám bản, bám làng mang ánh sáng văn hóa đến với con em đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Hình ảnh những “kỹ sư tâm hồn”, những giáo viên vùng cao đi vận động học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số đến trường, duy trì sỹ số không còn xa lạ.

Nỗ lực đưa học sinh đến trường

Một ngày trời không mưa, chúng tôi không nhớ hết mình đã vượt qua bao dốc cao, suối sâu, cuối cùng cũng đến được bản Tia Ma Mủ, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (Lai Châu). Biết chúng tôi đến thăm, các thầy cô giáo mầm non, tiểu học cắm bản và các em học sinh nơi đây mừng lắm. Thầy Lò Văn Hiếu, dân tộc Thái năm nay vừa tròn 30 tuổi. 

Quê thầy Hiếu ở xã Mường Tè cách bản Tia Ma Mủ, xã Tà Tổng hơn 200 km nhưng thầy đã tình nguyện lên đây làm giáo viên mầm non dạy trẻ. Ở vùng mưa rừng, gió núi này chuyện nam giới làm “cô nuôi dạy trẻ” chẳng có gì lạ bởi chỉ có nam giới mới trụ được ở vùng đất rừng nhiều hơn nước sinh hoạt. 

Giờ lên lớp dạy hát của thầy Vằng Văn Vũ, Trường mầm non Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Thầy Hiếu cho biết: “Dù chưa có gia đình riêng nhưng với lòng yêu trường, mến trẻ, mình tình nguyện lên đây dạy chữ cho con em đồng bào”. Điểm bản Tia Ma Mủ có 100% là đồng bào dân tộc Mông và là bản xa nhất xã Tà Tổng. Điểm trường cách trường trung tâm Nậm Ngà 15 km và cách trung tâm xã Tà Tổng gần 100 km. Cả bản hiện có 1 lớp tiểu học và 2 lớp mầm non; trong đó lớp mầm non có 40 cháu trong độ tuổi ra lớp từ 2 - 5 tuổi. 

Thực hiện sự chỉ đạo của ngành giáo dục đào tạo Lai Châu, các điểm bản như Tia Ma Mủ, Pà Khà 1, Pà Khà 2, xã Tà Tổng và nhiều điểm bản khác trong tỉnh đã tổ chức tốt việc nuôi dưỡng học sinh theo chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên, đảm bảo đúng đủ, an toàn vệ sinh thực phẩm không để ra tình trạng ngộ độc thức ăn. Tạo được nề nếp thói quen cho học sinh trong sinh hoạt bữa ăn hàng ngày, nuôi dạy các bé tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp cũng như trong học tập.

Theo ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục Lai Châu đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó việc duy trì tỷ lệ chuyên cần là rất cần thiết. Làm được điều này, các thầy giáo, cô giáo ở những bản vùng cao xa xôi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã khắc phục khó khăn, có nhiều cách làm hay để thu hút học sinh dân tộc. Một trong những cách làm sáng tạo là giáo viên vùng cao ai cũng giỏi nghề “anh nuôi”, thay đổi bữa ăn phù hợp và lựa chọn thực phẩm hợp khẩu vị nên các em học sinh rất thích đến trường. Học sinh bán trú được ăn ngon, đầy đủ và tổ chức cho học sinh vui chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện khiến nhiều em dù nhà xa, phải ở bán trú vẫn chăm ngoan, học giỏi... 

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, để duy trì sĩ số các lớp, từ đầu tháng 8, các thầy, cô giáo đã về các bản vùng sâu, vùng xa vận động học sinh tới trường. Vào dịp Tết dân tộc, mùa làm nương, học sinh về nhà không xuống lớp, các thầy cô lại lặn lội đi đến tận nhà xin bố mẹ, đưa các em quay lại trường. Nhờ đó những năm qua, ở Lai Châu, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 80% trở lên và học sinh bỏ học giảm đáng kể.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) có cơ sở trường lớp được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, con đường đến trường của học sinh vùng cao không chỉ gập ghềnh đồi núi, sông suối cách trở, mà còn do hoàn cảnh thiếu thốn hay bố mẹ bắt đi nương rẫy đã cản trở ước mơ các em. Những năm trước đây, đến các điểm trường của xã Ta Gia, thường gặp cảnh vắng vẻ, đìu hiu vì lớp thiếu trò. Đầu năm học 2017 - 2018, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia đã vận động được 349 học sinh ra lớp. Đây cũng là kỳ tích mà nhiều năm nay nhà trường mới đạt được.

Nói về công tác huy động học sinh ra lớp, thầy Đỗ Thế Bằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia chia sẻ: “Đến nay, trường đã huy động được 100% học sinh ra điểm trường trung tâm xã (2 điểm trường: Tèn Cò Mư, Hỳ vẫn còn lớp 1 và 2), đây là thành công lớn trong điều kiện thời tiết mưa lũ, giao thông khó khăn". Ngay từ đầu tháng 8, trường đã họp bàn, giao trách nhiệm từng cán bộ, giáo viên phụ trách xuống các bản tuyên truyền, vận động phụ huynh cũng như huy động học sinh đến trường; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời về chế độ, chính sách, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh tiếp tục đến lớp.

Ngoài ra, trường chỉ đạo cán bộ, giáo viên vệ sinh trường lớp học, khuôn viên nhà trường, khu bán trú đảm bảo xanh - sạch - đẹp, tạo môi trường sinh hoạt, học tập lành mạnh cho học sinh... Khu ăn, ở sinh hoạt của học sinh bán trú với 10 phòng ở khang trang, kiên cố được trang bị các giường tầng, phòng ở sạch sẽ, tư trang, quần áo, sách vở học sinh đều ngăn nắp, đúng quy củ. Khu nhà ăn và bếp nấu ăn được bố trí hợp lý, việc chế biến, bảo quản thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Thầy Hà Văn Hải, giáo viên kiêm phụ trách công tác nội trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia cho biết, dù nhà trường còn nhiều khó khăn, nhất là công tác bán trú, vì nhiều học sinh ở các bản thoát khỏi bản vùng II nên không được hỗ trợ chế độ ăn bán trú. Các thầy cô phải linh hoạt, lo mọi thứ kể cả việc mua chịu thực phẩm giúp học sinh đảm bảo bữa ăn. Một trở ngại trong việc huy động học sinh đến lớp là do xã Ta Gia giáp dòng sông Nậm Mu, dân cư sống không tập trung. Một số bản như Noong Quài chưa có điện, đường giao thông, trong khi bản bị chia cắt bởi sông Nậm Mu nên phải di chuyển bằng thuyền qua sông.

Để con đường đến trường của học sinh bớt chông chênh, những ngày cuối tuần, thầy cô giáo lại đi đò đưa đón các em về nhà và trở lại trường. Mỗi lần như vậy, thầy cô giáo lại hướng dẫn học sinh mặc áo phao, qui định an toàn khi đi thuyền... Mùa mưa, nước sông chảy xiết, những hôm mưa gió, các thầy cô phải đưa các em về tận bản. Có lần thầy cô lên bản vận động học sinh, khi về gặp mưa to, thuyền không thể qua sông, giáo viên phải ngủ lại lán nương của bà con. 

Để duy trì sỹ số, ngoài việc khoán con số học sinh đến từng giáo viên và tổ chức cho học sinh ăn bán trú, nhà trường còn thường xuyên phối hợp cấp chính quyền địa phương, cùng già làng, trưởng bản huy động học sinh ra lớp. Mỗi lần xuống bản làm công tác tư tưởng giúp các em đến trường không phải là điều dễ dàng. Các thầy cô tự rèn cho mình đức tính kiên trì để trò chuyện, vận động, thuyết phục bậc phụ huynh đưa con em đến trường. 

Nhiều gia đình phải đến 3 - 4 buổi tối để lý giải, phân tích giúp bà con hiểu được sự học tích lũy kiến thức, nâng cao nhận thức trong cuộc sống, vận dụng trong cách làm ăn phát triển kinh tế. Được biết, năm học 2017 - 2018, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia đã vận động được các tổ chức, cá nhân, huy động kêu gọi mọi nguồn lực chung tay xóa các phòng học tạm ở các điểm bản, đưa học sinh về điểm trung tâm.

Cần quan tâm đến chế độ của giáo viên

Lãnh đạo các địa phương vùng Tây Bắc đều cho rằng, trong bất kỳ thời đại nào, người thầy vẫn luôn cần được tôn vinh và hưởng những chế độ về mặt vật chất một cách xứng đáng. Để nâng cao đời sống cho giáo viên, nhất là ở bậc mầm non, rất cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Việc điều chỉnh tiền lương cho giáo viên phải coi là bài toán tổng thể, được sự đồng thuận của toàn xã hội. 

Nhà nước cần đầu tư về trường, lớp, có như thế ngành giáo dục các địa phương vùng khó khăn mới gặt hái được thành công. Bên cạnh đó cần quan tâm tới ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên miền núi nói riêng theo đúng nghĩa. Nhà giáo là người đào tạo ra đội ngũ trí thức trong tương lai, nên việc xem xét lại chế độ tiền lương, thu nhập của giáo viên là rất cần thiết nhằm tạo sự công bằng cũng như thu hút người tài đến với ngành giáo dục. Thời gian tới, Quốc hội cần xem xét lại lương của nghề giáo, nhất là đối với giáo viên mầm non; với mức lương của một giáo viên mầm non về hưu như vậy đã thỏa đáng chưa để tìm ra phương án giải quyết hợp lý. 

Các thầy Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Ta Gia đưa học sinh vượt sông Nậm Mu về trường

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, mức lương chung của ngành giáo dục hiện nay là thấp và Trung ương đang tiến hành khảo sát cải cách chế độ tiền lương, nên sẽ tính theo cách đóng bảo hiểm cao hơn và dài hơn để được hưởng cao hơn. Hiện còn nhiều bất cập trong ngành giáo dục, nhất là vấn đề về thu nhập. 

Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có bước đột phá trong công tác giáo dục mầm non, thông qua các giải pháp nhằm nhận thức đúng vị trí bậc học nền tảng và đặc biệt quan trọng này. Cần nghiên cứu tăng lương cho giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non; đổi mới về nội dung, cách thức và mô hình giáo dục trẻ; quan tâm đào tạo đội ngũ nhà giáo, cô nuôi dạy trẻ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đổi mới, hướng đến quyết tâm không còn những trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh. 

"Giáo viên mầm non vừa sử dụng trí tuệ, kỹ năng, tình yêu thương để giáo dục trẻ, nhưng đồng thời họ phải lao động chân tay để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và dỗ dành trẻ, họ rất xứng đáng để được nhận đồng lương cao hơn", đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: 

Ghi nhận sự cống hiến bền bỉ của đội ngũ giáo viên vùng cao

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta hết sức vinh quang nhưng cũng rất nặng nề, đặc biệt đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nước ta có 44/63 tỉnh, thành phố có đường biên giới và hải đảo, với 47 thành phần dân tộc khác nhau sinh sống. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan cố gắng hết sức để giảm bớt khó khăn ở các vùng nghèo, đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và duy trì kết quả phổ cập bậc tiểu học. Để có được những kết quả như hiện nay, không thể không nhắc đến những cống hiến bền bỉ của đội ngũ các thầy cô giáo đang công tác tại vùng cao, vùng biên giới, hải đảo, đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Trong đó, không ít nhà giáo là các chiến sĩ bộ đội biên phòng đã tích cực tham gia vận động xây dựng trường lớp, tiếp cận các điểm trường ở khu vực xa xôi, hiểm trở, tham gia dạy các lớp học xóa mù chữ, đem lại kết quả tích cực. 


Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: 

Phát huy vai trò người thầy

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới, căn bản nền giáo dục thì vai trò của người thầy càng phải được đề cao. Có ý kiến cho rằng, hiện nay, tiếp cận tri thức có nhiều kênh, do vậy người học có thể tiếp thu kiến thức theo cách khác ngoài nhà trường và vai trò của người thầy sẽ giảm đi. Tôi nghĩ rằng, trong bất cứ bối cảnh nào, ở bất cứ điều kiện nào, vai trò của người thầy không thể thay thế được. Bởi người học có thể tiếp cận kiến thức khổng lồ nhưng trong không gian tri thức đồ sộ ấy, tri thức nào đúng, tri thức nào sai, tri thức nào cần hay chưa cần... thì luôn phải có những người định hướng, giúp đỡ.


Viết Tôn - Việt Hoàng - Đỗ Bình/Báo Tin tức
Tâm huyết với sự nghiệp giáo dục vùng cao
Tâm huyết với sự nghiệp giáo dục vùng cao

Là hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, thầy Phạm Hồng Phong (sinh năm 1977) đã cống hiến sức trẻ, lòng yêu nghề để cùng với tập thể nhà trường góp phần nâng cao chất lượng công tác dạy và học của nhà trường, góp sức cho sự phát triển của giáo dục vùng cao tỉnh Điện Biên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN