06:09 09/06/2011

Tây Bắc: Sức hấp dẫn với các nhà đầu tư

Tây Bắc là vùng đất giàu tiềm năng khoáng sản, nông - lâm sản, du lịch và là nơi có nguồn đất đai, lao động dồi dào, luôn được các nhà đầu tư quan tâm.

Tây Bắc là vùng đất giàu tiềm năng khoáng sản, nông - lâm sản, du lịch và là nơi có nguồn đất đai, lao động dồi dào, luôn được các nhà đầu tư quan tâm.

Trong những năm qua, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các địa phương trong vùng đã đem lại cho Tây Bắc một diện mạo mới. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cho khu vực này. Đồng bào các dân tộc trong vùng đã nỗ lực triển khai công cuộc đổi mới; nhiều tổ chức kinh tế - xã hội, các địa phương trong nước đã quan tâm, hợp tác; nhiều tổ chức quốc tế đã tích cực ủng hộ. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc đạt được nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; kết cấu hạ tầng được mở rộng và nâng cấp, bộ mặt nông thôn, miền núi đã có nhiều thay đổi.

Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc năm 2010, thì tăng trưởng GDP toàn vùng bình quân hàng năm (giai đoạn 2005 – 2010) đạt từ 9 - 11%, riêng năm 2010 đạt trên 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 11 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh của mỗi tiểu vùng, tổ chức sản xuất hàng hóa để nâng cao hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đặc biệt quan tâm. Các trục giao thông đường bộ huyết mạch Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Cao Bằng, Hà Nội - Hà Giang, Hà Nội - Lai Châu, Hà Nội - Điện Biên; các tuyến vành đai 279, 34, 37, 4a, b, c, d, đường tuần tra biên giới… đã được đầu tư; hàng ngàn km đường liên huyện, đường đến trung tâm xã được mở rộng, nâng cấp, giúp cho mạng lưới giao thông được cải thiện rõ nét. Điện lưới quốc gia đã vươn tới hầu hết các xã, đem ánh sáng văn minh đến từng thôn, bản; 100% số xã có điện thoại. Hệ thống hồ chứa và kênh mương thủy lợi được đặc biệt quan tâm; 72,6% số xã có trạm bưu điện.

Ông Lê Khả Đấu, Phó ban chỉ đạo Tây Bắc, cho biết: Tây Bắc là vùng đất mới với sự giàu có về tiềm năng. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào vùng Tây Bắc không chỉ là chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước mà còn là sự lựa chọn có tính chiến lược của các nhà đầu tư… Công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu phát triển nhanh, đang tạo ra vị thế mới cho đầu tư, kinh doanh nông, lâm nghiệp. Tiềm năng sản xuất vật liệu xây dựng như đá ốp lát, gạch không nung, xi măng… được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các nhà máy thủy điện lớn tại Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang… được tập trung cao độ; số lượng nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đăng ký, triển khai xây dựng thủy điện vừa và nhỏ ngày càng nhiều. Khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản có trữ lượng lớn trong vùng như sắt, đồng, chì, kẽm, apatit… đang được xúc tiến mạnh mẽ.

Ông Phạm Duy Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, chia sẻ: “Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Bắc do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì diễn ra cuối năm ngoái là cơ hội tốt để Yên Bái giới thiệu và mời gọi các nhà đầu tư cùng hợp tác, kinh doanh và phát triển. Vừa qua, Yên Bái đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư, trong đó lĩnh vực chế biến nông - lâm sản 3 dự án, công nghiệp chế biến 1 dự án và 1 dự án thủy điện”.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng, thế mạnh của vùng, kết quả đạt được còn chưa tương xứng. Kinh tế phát triển còn chậm, vùng trung du miền núi Bắc bộ, nhất là địa bàn Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn lúng túng, hiệu quả chưa cao và thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn yếu kém. Đời sống nhân dân các thôn bản vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Được biết, hiện các doanh nghiệp đang tập trung đầu tư vào Tây Bắc ở những lĩnh vực chủ yếu là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản. Tiếp theo là đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hệ thống giao thông đường bộ để tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển vùng. Và cuối cùng là phát triển du lịch dịch vụ. Với những lĩnh vực này, đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho người dân cung cấp nguyên liệu, đặc biệt là cư dân bản địa.

Ông Lê Khả Đấu, Phó ban chỉ đạo Tây Bắc, cho rằng: Để giúp các tỉnh trong vùng phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp nên đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, tập trung vào một số dự án tạo đột phá phát triển vùng. Mặt khác, các tỉnh cần xác định được thứ tự ưu tiên các dự án kêu gọi vốn, thông tin chi tiết về dự án, xác định hình thức đầu tư. Đẩy mạnh liên kết vùng miền trên căn cứ tập trung phát triển mạnh những ngành, lĩnh vực có lợi thế để tạo động lực và tạo đà phát triển chung. Khẩn trương xây dựng một cơ chế phối hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh và điều phối, giám sát của cơ quan Trung ương.

Nguyễn Viết Tôn