12:07 10/12/2014

Taxi Uber - Nhìn từ quản lý dịch vụ

Những ứng dụng như GrabTaxi, Easy Taxi chạy trên nền điều phối các xe taxi nên không bị các Hiệp hội taxi, vận tải lên tiếng phản đối vì vẫn đem lại doanh thu cho các hãng taxi, thậm chí nhiều hơn trước đây. Tuy nhiên, sự “tiện dụng” của dịch vụ này vẫn chưa “qua” được so với ứng dụng Uber.

Những ứng dụng như GrabTaxi, Easy Taxi chạy trên nền điều phối các xe taxi nên không bị các Hiệp hội taxi, vận tải lên tiếng phản đối vì vẫn đem lại doanh thu cho các hãng taxi, thậm chí nhiều hơn trước đây. Tuy nhiên, sự “tiện dụng” của dịch vụ này vẫn chưa “qua” được so với ứng dụng Uber.

Khi đăng ký sử dụng các ứng dụng này, tài xế taxi còn được hưởng thêm hoa hồng trên tổng doanh thu chở khách qua ứng dụng. Tuy nhiên, chỉ những xe taxi của các hãng được khoán doanh thu % mà không bị sự chi phối nhiều của các hãng mới “dám” ký hợp đồng với GrabTaxi. Còn những tài xế vẫn phụ thuộc vào xe của hãng không dám ký hoặc nếu ký, chỉ dám “làm lén” không để hãng biết vì sợ bị phạt. Nguyên nhân vì hãng taxi không muốn xe bỏ khách của hãng mà chạy theo sự điều phối của ứng dụng này, gây thiệt hại uy tín cho hãng.

Cũng vì lý do trên, các hãng xe taxi uy tín dần ít đi những xe đăng ký với GrabTaxi, khách cũng ít mặn mà hơn vì đôi lúc gọi đúng xe mình không yêu thích. Thế nhưng, một tài xế của hãng xe vàng tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính các bác tài cũng không mặn mà lắm với khách hàng xài ứng dụng này vì khách hay chia nhỏ đoạn đường để hưởng khuyến mãi. Thậm chí, nhiều khách hàng khi chọn điểm đến rất xa, nhiều bác tài nhận chuyến khi đến nơi mới “ngã ngửa” và ấm ức vì thực tế, khách hàng đi chuyến rất ngắn, chỉ vài trăm mét nhưng “lười” đi bộ. Điều này khiến các taxi mệt mỏi vì chạy một đoạn đường xa hơn đoạn đường khách đi để đón, dù số tiền khuyến mãi dư tài xế được hưởng nhưng cũng chẳng bao nhiêu. Vì thế, càng về sau các tài xế không mặn mà vì những ứng dụng này.

Chính vì sự không mặn mà của các tài xế taxi, nhiều khách hàng khi gọi taxi qua ứng dụng đã không chuốc khỏi bực mình khi nhiều taxi đã nhận chuyến nhưng sau đó lại bỏ chuyến mà không một cuộc gọi thông báo xin lỗi khách hàng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nếu tài xế nào nhiều lần vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng với GrabTaxi, bản thân GrabTaxi cũng mong muốn khách hàng không chia nhỏ đoạn được để được hưởng khuyến mãi. Có như thế, dịch vụ ứng dụng này mới có thể tốt hơn được.

Còn anh Hoàng Sơn (ngụ tại quận 8) từ khi biết đến dịch vụ Uber, anh Sơn chuyển qua sử dụng luôn và không còn quan tâm đến các dịch vụ khác dù được khuyến mãi thêm tiền. Theo anh Hoàng Sơn, với dịch vụ Uber, ngoài điều kiện cần là smartphone có kết nối Internet, thì điều kiện đủ nữa là thẻ Visa hoặc thẻ tín dụng ghi nợ. Bởi dịch vụ này sẽ tự động trừ tiền khách khi kết thúc chuyến đi và gửi ngay hóa đơn trên email để khách hàng biết. “Dù không có tiền mặt trong túi, nhưng vẫn được đi xe sang, đẹp là điều ai mà không thích!”, anh Sơn nói.

Chưa kể, dịch vụ Uber này không được khuyến mãi mỗi chuyến đi như các ứng dụng khác mà còn mất tiền mỗi lần gọi xe là 5.000 đồng/lần. Đây được gọi là số tiền mở cửa. Thế nhưng, nếu tính về chi phí giữa xe chạy cho Uber và xe taxi chạy cho các ứng dụng khác, giá thành Uber vẫn rẻ hơn vài chục ngàn. Chị Hải Hà (ngụ tại quận Bình Thạnh) cho biết, cùng một đoạn đường đi từ quận Bình Thạnh đến quận 7 và ngược lại, khi gọi xe taxi qua GrapTaxi, giá 1 chuyến gần 180.000 đồng, trừ khuyến mãi 20.000 đồng còn gần 160.000 đồng. Thế nhưng, với xe Uber, giá thành chỉ có gần 140.000 đồng.

Giá thành rẻ, thỉnh thoảng lại được đi xe Camry, Mercedes Benz, BMW... , tài xế lại nhiệt tình, vui vẻ đón trả khách và đều cảm ơn, lời chúc dù chuyến xe rất ngắn, chỉ 20.000 - 30.000 đồng, nhiều khách hàng cho biết Uber đã chiếm trọn cảm tình của mình. Anh Ngọc Đức, tài xế xe của dịch vụ Uber cho biết, sở dĩ tất cả các tài xế dịch vụ này không chê chuyến ngắn, khen chuyến dài vì lương tài xế không phụ thuộc chính vào doanh thu mà là tính theo chuyến. Tùy mỗi chính sách của các công ty vận tải mà quy định mức tính khác nhau. Nhưng hầu như, trung bình mỗi chuyến xe tài xế được hưởng 20.000 đồng. Theo đó, càng chạy nhiều chuyến, tài xế được hưởng thêm nhiều tiền.

Mặt khác, cách quản lý của dịch vụ Uber là chỉ cần nhấn chọn điểm đến, khi lên xe rồi mới chọn điểm đi. Bên cạnh đó, những xe nào đã có khách sẽ không hiện trên bản đồ của ứng dụng Uber. Vì thế, tài xế cũng không bị phân tâm khi có thông báo khách gọi như các ứng dụng khác. Bản thân các tài xế cũng không được chủ động nhận chuyến mà những xe nào gần nhất với khách hàng sẽ được ứng dụng Uber chọn. Thậm chí, khách hàng có quyền chọn xe cho mình trên ứng dụng.

“Nếu hành khách cảm thấy lái xe này cố tình đi một đoạn đường xa hơn để lấy thêm tiền thì khách hàng có thể email ngay đến Uber và khách hàng sẽ được hoàn lại tiền. Trong trường hợp rủi ro để quên đồ trên xe, bạn hoàn toàn có thể email đến Uber và Uber sẽ dựa vào số liệu để tìm ra ID của chiếc xe đó và yêu cầu họ trả lại đồ cho khách. Thêm vào nữa, vì xe này là thuộc sở hữu của các công ty vận tải hành khách chuyên nghiệp, có đăng ký và tư cách pháp nhân nên họ sẽ có trách nhiệm bồi thường khi có rủi ro đối với hành khách như tai nạn”, ông Michael Brown, Tổng Giám đốc Uber khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.

Tuy nhiên, Uber khẳng định việc các công ty vận tải hành khách khác có đăng ký pháp nhân và đóng thuế hay chưa vẫn chưa được cơ quan quản lý thừa nhận. Trước đó, việc Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh lên tiếng phản ứng dịch vụ Uber đang cạnh tranh không lành mạnh là đúng logic, bởi “phía Uber” không phải đóng một đồng tiền thuế nào. Với công ty mẹ (Uber Mỹ), ở quan thuế Việt Nam hầu như không thu được thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ khi Uber ký hợp đồng thuê đối tác vận tải có tư cách pháp nhân ở Việt Nam làm dịch vụ cho mình; thuế GTGT cũng không; tài xế chạy cho Uber không bị kiểm soát nguồn thu, tức chẳng phải đóng thuế thu nhập cá nhân..., cho nên giá dịch vụ Uber rẻ hơn taxi truyền thống trong khi phương tiện vận tải lại cao cấp hơn.

PGS - TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho rằng, loại hình Uber chưa phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay, nếu không có biện pháp chế tài thì sẽ gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh. Một bên đóng thuế đầy đủ và còn có mua bảo hiểm cho khách hàng, một bên không thực hiện hai nghĩa vụ quan trọng này thì rõ rang giá phải “chênh” nhau nhiều, cạnh tranh như vậy là không lành mạnh.

Hải Yên