03:05 13/03/2023

Taxi, hàng quán 'bủa vây', giao thông cổng bệnh viện tắc nghẽn

Như báo Tin tức đã phản ánh, giống như khu vực các cổng trường hiện nay của Hà Nội, tại các cổng bệnh viện đang bị đủ loại taxi, xe hợp đồng, hàng quán "bủa vây", gây ra tình trạng lộn xộn, nhếch nhác, mất an ninh trật tự, mất mỹ quan đô thị, nhất là cản trở, làm tắc nghẽn giao thông các tuyến phố có bệnh viện đặt trụ sở, khiến dư luận xã hội bức xúc, trong khi các biện pháp xử lý của các cấp chính quyền cơ sở chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa".

Video Taxi, hàng quán 'bủa vây', giao thông cổng bệnh viện tắc nghẽn:

Ghi nhận của phóng viên, tại khu vực các cổng bệnh viện Việt Đức trên phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm), Bạch Mai trên đường Giải Phóng (quận Đống Đa), Nhi Trung ương trên phố La Thành (quận Đống Đa), Phổi Trung ương trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), E trên phố Trần Cung (quận Cầu Giấy)... hiện nay, người tham gia giao thông qua đây đều có thể rơi vào cảnh tắc nghẽn bất cứ thời gian nào trong ngày, bởi đủ loại xe taxi, xe hợp đồng, hàng quán... hoạt động lộn xộn, vô tội vạ "bủa vây".

Chỉ cần một chiếc taxi quay đầu, chạy sai luồng tuyến khi ra vào bệnh viện hoặc dừng đỗ bừa bãi, cộng với hàng quán bày bán trước cổng các bệnh viện, ngay lập tức, giao thông bị "bức tử".

Chú thích ảnh
Hai hàng taxi song song trên phố Phủ Doãn trước cổng Bệnh viện Việt Đức, gây ùn tắc giao thông.
Chú thích ảnh
Phương tiện giao thông thì dừng đỗ, ra vào lộn xộn, cộng với hàng quán mọc lên vô tội vạ, đã khiến khu vực cổng Bệnh viện Việt Đức trở thành "điểm nóng" ùn tắc giao thông hàng ngày. 
Chú thích ảnh
Cổng Bệnh viện Phổi Trung ương trên phố Đội Nhân thường xuyên bị các loại taxi, xe hợp đồng "bủa vây" chờ đón khách.
Chú thích ảnh
Phố nhỏ, chỉ cần một chiếc xe quay đầu, giao thông lập tức bị ùn ứ.
Chú thích ảnh
Hàng quán, taxi, xe hợp đồng, xe ôm... hoạt động lộn xộn trước cổng Bệnh viện E trên phố Trần Cung.

Đáng nói là tình trạng trên diễn ra lâu nay, được báo chí phản ánh thường xuyên, nhưng vẫn không thuyên giảm, mà ngày càng tái diễn phức tạp. Mặc dù lực lượng chức năng, các cấp chính quyền cơ sở có tăng cường ra quân xử lý, cắm biển cấm, song do không duy trì quyết liệt, chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, nên không đủ sức răn đe, giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc khám chữa bệnh, vận chuyển cấp cứu cho bệnh nhân.

Thêm vào đó, tình trạng các loại xe taxi, xe hợp đồng chạy "rùa bò", ngang nhiên dừng đỗ thành hàng dài, chèo kéo khách trước cổng các bệnh viện và hàng quán mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường hoạt động, nhất là vào các khung giờ quy định thăm bệnh nhân... càng khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông, nhếch nhác đô thị thêm trầm kha.

Chú thích ảnh
Vào giờ cao điểm tan tầm, giao thông khu vực trước cổng Bệnh viện E thường xuyên bị "bức tử" bởi các loại xe taxi, hợp đồng chở khách hoạt động kiểu "mạnh ai nấy đi".
Chú thích ảnh
Hàng quán chen lấn, dừng đỗ bán hàng vô tội vạ trước cổng Bệnh viện E, khiến giao thông khu vực này càng thêm ngột ngạt.
Chú thích ảnh
Cả hàng taxi dừng đỗ chờ khách trước cổng Bệnh viện Bạch Mai...
Chú thích ảnh
... và dừng đỗ luôn tại khu vực có biển cấm đỗ xe.
Chú thích ảnh
Hàng quán "bửa vây" cổng Bệnh viện Việt Pháp trên phố Phương Mai, gây tắc nghẽn giao thông. 
Chú thích ảnh
Cảnh chen lấn giữa taxi, xe hợp đồng, xe máy, người đi bộ... trước cổng Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Để đối phó với lực lượng chức năng, lái xe taxi, xe hợp đồng, hàng quán hoạt động tại cổng các bệnh viện có đủ chiêu trò. Lái xe thường lợi dụng thời gian tổ, đội dân phòng, công an khu vực, cảnh sát giao thông chốt trực phân luồng, điều tiết cho các xe vào bệnh viện, vừa đi chậm vừa chèo kéo, quay đầu xe “vợt” khách, còn hàng quán thì sử dụng xe đẩy, xe thùng bán hàng, tiện di chuyển, chạy loạn... Cách chống đối này khiến các lực lượng chức năng không đủ căn cứ xử phạt, mà chỉ có thể nhắc nhở, đẩy, đuổi sang chỗ khác.

Trước hoạt động “vô lối” của taxi, hàng quán rong, nhiều dân phòng, chiến sỹ cảnh sát giao thông tuần tra trên đường cho hay, các bệnh viện tại Hà Nội hiện nay đều là tuyến đầu, nên áp lực giao thông đi/đến, ra/vào hàng ngày vô cùng lớn, trong khi các bệnh viện vẫn không bố trí nơi đón, trả khách riêng, cách xa cổng bệnh viện, nên việc giải quyết ùn tắc tại đây không dễ. Bên cạnh đó, tại các tuyến phố có bệnh viện, đa phần các hộ dân có nhà mặt tiền đều bung ra kinh doanh buôn bán các loại vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ khám chữa bệnh, trên vỉa hè, dưới lòng đường không còn chỗ trống... việc xử phạt vi phạm hành chính lại không thuộc thẩm quyền, nên thực tế trên vẫn diễn ra nhức nhối.

Chưa hết, hiện nay, việc bố trí hạ tầng giao thông cho xe chở bệnh nhân đi/đến, ra/vào các bệnh viện bất cập, thiếu thân thiện, khiến đa phần người dân đi khám chữa bệnh, cấp cứu đều chọn taxi, xe hợp đồng làm phương tiện di chuyển. Tình trạng taxi, xe hợp đồng phải trả khách, người bệnh tại cổng các bệnh viện để tự đi vào khám chữa bệnh, cấp cứu, cộng với một số bệnh viện thay vì dành diện tích bố trí làn xe vận chuyển người bệnh lại thiết lập chỗ để xe cho cán bộ, nhân viên... chính là nguyên nhân bài toán tắc nghẽn giao thông trước cổng bệnh viện lâu nay không có lời giải.

Chú thích ảnh
Taxi, xe hợp đồng dừng đỗ vô tội vạ trước cổng Bệnh viện Nhi Trung ương.
Chú thích ảnh
Lối vào Bệnh viện Nhi Trung ương nhỏ hẹp, nhưng luôn bị hai hàng taxi, xe hợp đồng bịt kín lòng đường.
Chú thích ảnh
Hàng quán trước cổng Bệnh viện Nhi Trung ương hoạt động vô tội vạ đã được lực lượng chức năng cơ sở quây rào ngăn cách với lòng đường...  
Chú thích ảnh
Và hàng rào phân cách có thể di động này sẽ được mở lại ngay khi thiếu vắng lực lượng chức năng.
Chú thích ảnh
Hàng ngày, giao thông trên tuyến đường vào Bệnh viện Nhi Trung ương luôn trong tình trạng bức bí.
Chú thích ảnh
Mặc dù tình trạng này diễn ra hàng ngày, nhưng gần như thiếu vắng lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. 

Qua tìm hiểu, nhiều giải pháp, phương án tình thế đã được các bệnh viện, chính quyền, lực lượng chức năng phối hợp triển khai như: Cấm một chiều xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ; bố trí tổ chốt trực phân luồng, điều tiết cho các xe vào bệnh viện theo các khung giờ cao điểm thăm khám bệnh nhân; bố trí khu vực để xe cán bộ nhân viên; dành không gian thích hợp để hình thành điểm đón, trả khách cho taxi trong nội khu các bệnh viện... nhưng cũng không mấy hiệu quả, do không thể đáp ứng như cầu người nhà và bệnh nhân hàng ngày.

Thực tế cho thấy, cần có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở liên quan như bệnh viện, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an cơ sở... chung tay xử lý quyết liệt vi phạm. Bên cạnh đó, các quận, huyện tăng cường lắp đặt hệ thống camera ghi hình, giám sát để xử phạt nguội vi phạm, làm cơ sở để Sở GTVT Hà Nội xem xét, thu hồi phù hiệu, cảnh cáo doanh nghiệp/hãng taxi có nhiều xe vi phạm... mới đủ sức răn đe.

Từ năm 2022 đến nay, các Đội Cảnh sát giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội) đã xử lý hàng nghìn taxi, xe hợp đồng vi phạm các lỗi dừng đỗ sai quy định trước cổng các bệnh viện, với số tiền xử phạt gần hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý hàng ngày cũng không ít khó khăn trước các chiêu trò của lái xe. Phòng đã đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu kẻ vạch sơn, đặt biển báo dừng đỗ, đón trả khách để phục vụ người dân và tăng cường tuần tra giao thông hàng ngày. 

Theo các chuyên gia giao thông, giao thông khu vực các cổng bệnh viện lộn xộn tồn tại lâu nay phức tạp, các vi phạm của taxi, hàng quán vẫn được lực lượng chức năng duy trì xử phạt, nhưng do lợi ích kinh tế, nhu cầu của người dân luôn gia tăng và do sự thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở, nên việc dẹp bỏ các hiện tượng trên chỉ dừng lại ở các chương trình ra quân trong ngắn hạn, chưa có sự giám sát chặt chẽ lâu dài để tránh tái phạm. Cùng với đó, bất cập về hạ tầng, bệnh viện trong nội độ chật hẹp, thiếu quy hoạch, kết nối đồng bộ giữa đường giao thông, vỉa hè với các khu vực xung quanh, chế tài pháp luật chưa đủ sức răn đe… khiến người vi phạm "nhờn luật".

Việc taxi, hàng quán vây kín các cổng bệnh viện hiện nay nếu không được giải quyết, sẽ tiềm ẩn nguy cơ tước đi cơ hội cấp cứu của bệnh nhân, đôi khi sự sống/chết phụ phuộc vào thời gian cấp cứu nhanh hay chậm khi vào bệnh viện. Trước dư luận, lực lượng chức năng các địa phương cũng đã không ít lần cam kết sẽ xử lý triệt để tình trạng này, nhưng lời nói chưa thực sự đi đôi với việc làm.

Bài, ảnh, video: Sơn Vân/Báo Tin tức