09:11 23/09/2020

Tàu thuyền gặp khó khăn trong việc neo đậu và tránh trú bão

Nghệ An là một trong những địa phương có thế mạnh về khai thác thủy hải sản trên biển với hàng nghìn tàu thuyền các loại.

Chú thích ảnh
Thiếu bến neo đậu nên các tàu thuyền trên địa bàn huyện Diễn Châu phải thường xuyền neo đậu, giằng néo dưới chân cầu Diễn Kim, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu (Nghệ An). 

Tuy nhiên, hiện các khu neo đậu và tránh trú bão cho các tàu thuyền vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để thúc đẩy hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản và đảm bảo an toàn cho các phương tiện của ngư dân trong mùa mưa bão.

Huyện Diễn Châu (Nghệ An) hiện có 1.447 tàu thuyền, trong đó có 280 tàu công suất trên 90 CV, tập trung ở các xã Diễn Bích, Diễn Kim và Diễn Ngọc. Hiện toàn huyện chỉ có một khu neo đậu tàu thuyền sau mỗi chuyến đi biển về và tránh trú bão tại xã Diễn Kim. Song, với diện tích chật hẹp, nằm trải dải sông Bùng nên khu neo đậu này không thể đáp ứng được việc neo đậu, tránh trú bão cho các tàu thuyền trên địa bàn huyện Diễn Châu.

Thiếu nơi neo đậu, nên mỗi khi mưa bão và khi đánh bắt thủy hải sản trên biển về, rất đông các tàu thuyền của các ngư dân trên địa bàn huyện Diễn Châu lại giằng néo, neo đậu tại cầu Diễn Kim bắc qua sông Víc nối giữa xã Diễn Kim và xã Diễn Bích.

Việc neo đậu trái phép tại đây đã diễn ra hàng chục năm nay, gây hư hỏng cầu Diễn Kim, gây ách tắc giao thông trên cầu. Đặc biệt, vào thời điểm mưa to, gió lớn, các tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại đây cũng không đảm bảo an toàn và thường xuyên bị hư hỏng do va đập vào nhau.

Ngoài ra, do cửa biển Lạch Vạn thuộc địa bàn huyện Diễn Châu bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến tàu thuyền ra, vào khó khăn; khi nước rút xuống, tàu công suất lớn rất khó qua lại. Do vậy, khi có bão lớn, các tàu công suất lớn không vào được Lạch Vạn mà phải di chuyển đến Lạch Lò (huyện Nghi Lộc), Lạch Thơi (huyện Quỳnh Lưu) để neo đậu.

Chú thích ảnh
Thiếu khu neo đậu cùng với mực nước cạn nên chỉ có tàu cá công suất từ 40 – 80 CV neo đậu tại khu neo đậu phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò (Nghệ An).

Bên cạnh đó, do mực nước cạn nên thường xuyên xảy ra tình trạng tàu bị mắc cạn tại cửa Lạch Vạn, gây hư hỏng tàu; tính từ năm 2019 đến nay đã có gần 10 tàu bị mắc cạn tại cửa Lạch Vạn gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngư dân. 

Anh Nguyễn Văn Tùng, ngư dân xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu cho biết, dù biết việc neo đậu và giằng néo dưới chân cầu Diễn Kim là sai quy định, song không có nơi neo đậu nên các chủ tàu thuyền đành phải neo đậu tại đây. Neo đậu tại đây trong lúc mưa bão, ngư dân cũng phải chấp nhận các rủi ro do các tàu thường xuyên va đập vào nhau. Mong muốn lớn nhất của hàng trăm ngư dân hành nghề khai thác thủy hải sản trên biển thuộc địa bàn huyện Diễn Châu là các cơ quan chức năng cần sớm bố trí xây dựng khu neo đậu tàu thuyền cho các ngư dân mỗi khi đánh bắt cá về cũng như để tránh trú bão.

Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) có hơn 300 tàu thuyển khai thác thủy hải sản trên biển. Song do không có bến neo đậu để bốc dỡ thủy hải sản lên bờ, cũng như neo đậu chờ để tiếp nhiên liệu, vật dụng cho các chuyến đi biển tiếp theo, nên từ nhiều năm nay, các tàu thuyền công suất lớn của các phường Nghi Thủy, Nghi Tân (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) luôn phải neo đậu trái phép tại cầu cảng các bến số 3, 4, 5 và neo đậu tại luồng tàu ra vào của cảng biển quốc tế Cửa Lò.

Các tàu cá có công suất từ 250 CV đến 600 CV neo đậu tại đây đã chiếm dụng những bến nước sâu thường là nơi neo đậu bốc dỡ hàng hóa của các tàu nước ngoài và tàu container.

Chú thích ảnh
Không có bến neo đậu nên các tàu công suất lớn phải neo đậu trái phép tại Cảng quốc tế Cửa Lò, Nghệ An (ảnh chụp tháng 8/2019). 

Để đảm bảo có nơi neo đậu, tránh trú bão và giải phóng các tàu neo đậu trái phép tại cảng Quốc tế Cửa Lò, năm 2017, UBND thị xã Cửa Lò đã triển khai dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ hữu sông Nam Cấm và nơi neo đậu tàu thuyền phòng chống thiên tai (giai đoạn 2) tại phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò. Dự án có tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng gồm nhiều hạng mục như: nạo vét 2 khu neo đậu và luồng ra vào, san nền, xây đường và xây dựng cầu tàu dài 110 m, đảm bảo cho tàu công suất 500 CV có thể vào neo đậu.

Anh Nguyễn Văn Bình, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò cho biết, do thiếu kinh phí nên hạng mục xây dựng cầu tàu để tàu công suất lớn ra vào neo đậu cũng như tránh trú bão vẫn chưa được triển khai.

Bên cạnh đó, luồng lạch tại đây do bồi lắng theo hàng năm nên mực nước ngày một cạn, chỉ có tàu công suất nhỏ từ 40 - 80 CV thường xuyên ra vào neo đậu tại đây. Các tàu công suất lớn không thể ra vào neo đậu để bốc dỡ hàng hóa lên bờ, sau mỗi chuyến đi biển về, việc vận chuyển thủy hải sản lên bờ phải qua tàu trung gian, tốn nhiều thời gian, chi phí.

Thời điểm mưa bão, các tàu công suất lớn cũng phải di chuyển sang khu neo đậu tránh trú tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Chú thích ảnh
 Không có bến neo đậu nên các tàu công suất lớn phải neo đậu tại luồng lạch ra vào tại Cảng quốc tế Cửa Lò, Nghệ An (ảnh chụp tháng 8/2019).

Ông Doãn Văn Lâm, Trưởng Ban quản lý các dự án thị xã Cửa Lò cho biết, hiện dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ hữu sông Nam Cấm và nơi neo đậu tàu thuyền phòng chống thiên tai (giai đoạn 2) đang thiếu gần 21 tỷ đồng để xây dựng hạng mục cầu tàu. Nếu được bố trí vốn để triển khai xong hạng mục này sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các tàu công suất 500 CV thuộc các địa phương trên địa bàn thị xã Cửa Lò và các tàu khu vực phụ cận vào neo đậu và tránh trú bão.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 3.479 phương tiện được đăng ký quản lý; toàn tỉnh có 5 khu neo đậu và tránh trú bão cấp tỉnh và 1 khu neo đậu tránh trú bão cấp Vùng. Theo đánh giá, hiện các khu neo đậu và tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ đáp ứng nhu cầu được 60 – 70% phương tiện.

Thực tế tại nhiều địa phương, dù các tàu công suất lớn ngày càng gia tăng, song các ngư dân đang gặp nhiều khó khăn trong việc neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão. Nhiều khu neo đậu không được đầu tư về hạ tầng, một số khác đã được đầu tư nhưng còn thiếu các hạng mục chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc tàu thuyền ra vào neo đậu, tránh trú bão.

Bên cạnh đó, nhiều luồng lạch ra, vào chất hẹp và đang xảy ra tình trạng bồi lắng nghiêm trọng; thiếu hệ thống cảnh báo an toàn, hướng dẫn đường thủy, mỗi khi thủy triều xuống tàu thuyền thường xuyên bị mắc cạn, dồn ứ không thể di chuyển được.

Ông Chu Quốc Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy hải sản Nghệ An cho biết, hiện việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền đang gặp nhiều khó khăn, bởi cần nhiều vốn đầu tư.

Chú thích ảnh
 Tàu thuyền công suất lớn của phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) không thể vào bốc dỡ thủy hải sản lên bờ, do đó phải vận chuyển qua các tàu thuyền trung gian, tốn chi phí, thời gian. 

Trong khi đó, nguồn vốn bố trí để triển khai qua từng giai đoạn lại thường nhỏ giọt, khiến cho việc đầu tư xây dựng vẫn còn manh bún, không đồng bộ. Tình trạng này đã hạn chế sự thúc đẩy hoạt động khai thác thủy hải sản trên biển về, độ đảm bảo an toàn cho các phương tiện của ngư dân trong điều kiện thời tiết mưa bão chưa cao, các ngư dân chưa thật sự yên tâm vươn khơi bám biển.

Một thực trạng khách quan khác là các khu neo đậu và tránh trú bão trên địa bàn tỉnh nghệ An chủ yếu ở các luồng lạch tự nhiên, chưa được đầu tư xây dựng nhiều, do địa hình dốc nên các cửa lạch, cửa sông thường xuyên bị bồi lắng, ảnh hưởng đến việc ra, vào của các tàu thuyền. Dù những năm qua, Trung ương và tỉnh Nghệ An đã chú trọng đến việc nạo vét các luồng lạch, song tình trạng bồi lắng vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Ông Chu Quốc Nam cho biết thêm, trong thời gian tới, cùng với việc rà soát, nâng cấp lại các cảng cá, bến cá, khu neo đậu để đảm bảo cho việc tàu thuyền neo đậu bốc dỡ thủy hải sản lên bờ, tránh trú bão, Chi cục Thủy hải sản Nghệ An đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An trình các cấp có thẩm quyền, sớm bổ sung một số Dự án vào nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, trọng điểm là các Dự án Nạo vét và xây dựng kè chắn cát cửa sông Lạch Quèn, Lạch Cờn và Lạch Vạn, mỗi dự án khoảng 200 tỷ đồng.

Các dự án này khi được triển khai sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cho tàu thuyền ra, vào tại các cửa lạch để neo đậu và tránh trú bão; thuận tiện cho quá trình bốc xếp, trao đổi hàng hóa thủy sản; giảm thời gian lên hàng, nâng cao giá trị sản phẩm.

Tin ảnh: Tá Chuyên, (TTXVN)