06:14 06/06/2019

Tàu sân bay ‘made in China’ đau đầu giải quyết bài toán nhiên liệu

Cần 13.000 tấn nhiên liệu để hoạt động, tàu sân bay tự đóng thứ hai của Trung Quốc có thể phải đối mặt với vấn đề cung cấp nhiên liệu khi chính thức gia nhập lực lượng Hải quân Trung Quốc (PLAN).

Chú thích ảnh
Tàu sân bay "Type 001A" rời cảng biển Đại Liên tháng 5/2018. Ảnh: AFP 

Tạp chí Thời báo châu Á (Asia Times) đưa tin tàu sân bay Type 001A do Trung Quốc sản xuất cần bổ sung nhiên liệu sau khi tiêu thụ được 1/3 nhiên liệu dự trữ. Điều này đồng nghĩa với việc tàu sân bay chỉ có thể hoạt động được 6 ngày là đến lúc cần tiếp nhiên liệu.

Theo số liệu báo trên công bố, tàu sân bay tiêu thụ gần 1.100 tấn nhiên liệu mỗi ngày với với tốc độ di chuyển 37 km/h. Trong trường hợp tàu kích hoạt chế độ tác chiến, số nhiên liệu tiêu thụ có thể lên tới 1.500 tấn.

Nguồn nhiên liệu tiếp ứng cho tàu sân bay hoạt động không phải là nỗi lo duy nhất của giới chức quốc phòng Trung Quốc. Tàu Type 001A cũng cần dự trữ đủ nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu của hàng chục chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 Shenyang đỗ ở trên boong.

Video những hình ảnh đầu tiên bên trong tàu sân bay Type 001A (nguồn: CCTV):

Tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự đóng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên biển. Sau khi hoàn tất thử nghiệm hệ thống điện tử hàng không, radar và thông tin liên lạc, các chuyên gia sẽ tập trung nhiều hơn vào công tác thử nghiệm chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh trên boong tàu.

Đầu năm nay, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã phát sóng một số hình ảnh đầu tiên bên trong con tàu, trong đó có boong tàu, sàn bay cho các chiến đấu cơ cùng hệ thống vũ khí. Theo tạp chí The Times, tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ được giao nhiệm vụ tuần tra Biển Đông.

Trung Quốc hiện chỉ có duy nhất một tàu sân bay đang hoạt động là tàu Liêu Ninh. Đây là hàng không mẫu hạm lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo được Trung Quốc nâng cấp sau khi mua lại từ Ukraine vào năm 1998.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức