12:09 17/12/2019

Tàu ngầm tàng hình ‘thay đổi cuộc chơi’ của Hải quân Đức

Type 212 do Đức sản xuất hiện là siêu tàu ngầm điện-diesel tối tân bậc nhất thế giới hiện nay. Với hỏa lực mạnh, độ ồn cực thấp, thời gian hoạt động lâu, đây được coi là sát thủ bóng đêm giữa lòng đại dương.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm Type 212 với chi phí chế tạo rẻ, trang bị hỏa lực mạnh và khả năng cơ động ở vùng biển nông, được cho là một vũ khí đánh dấu sự trở lại của Hải quân Đức. Ảnh: defence-point

Hải quân Đức từng là người tiên phong trong chiến tranh tàu ngầm quy mô lớn, các tàu U-boat của họ có thể cạnh tranh với sức mạnh hải quân vượt trội của Anh theo những cách mà tàu chiến mặt nước Đức không thể làm được.

Theo tờ National Interest, nước Đức thời hiện đại không còn tham vọng hải quân bao trùm đại dương, nhưng họ vẫn trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc thiết kế các tàu ngầm nhỏ tàng hình, có thể tuần tra vùng duyên hải một cách hiệu quả với chi phí chỉ bằng một phần của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Bí mật của thế hệ tàu ngầm mới nằm ở hệ thống pin nhiên liệu hydro, cho phép tàu hoạt động gần như yên lặng trong nhiều tuần mà không cần sử dụng lò phản ứng hạt nhân cồng kềnh và đắt tiền.

Trong Thế chiến thứ Nhất và thứ Hai, các tàu ngầm dễ bị tổn thương nhất khi động cơ diesel ‘hít thở’ không khí gây ồn ào của chúng buộc tàu phải nổi lên để sạc pin, khiến tàu ngầm bị phát hiện và trở thành mục tiêu tấn công.

Năm 1944, Công ty Kriesgmarine của Đức đã chế tạo một số tàu ngầm Type XVIIB thử nghiệm hệ thống Động cơ Đẩy Không khí Độc lập (AIP), sử dụng nhiên liệu hydro peroxide về mặt lý thuyết cho phép kéo dài thời gian dưới nước. Nhưng trong thực tế, những chiếc tàu này được coi là không an toàn và không đáng tin cậy. Sau chiến tranh, mặc dù Anh, Liên Xô và Mỹ đều đã thử nghiệm các tàu ngầm công nghệ AIP nhưng quá trình phát triển bị bỏ dở, nhường chỗ cho chương trình phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có hiệu suất cao hơn. 

Xem video tàu ngầm Type 212 của Hải quân Đức (Nguồn: Defence Magazine)

Cuối cùng công nghệ AIP được trao lại cho Thụy Điển vào năm 1997, để sản xuất những chiếc tàu lớp Gotland tàng hình sử dụng động cơ Stirling chuyển đổi nhiệt. Sau đó, các nhà phát triển tàu ngầm Đức đã theo sát gót với tàu ngầm Type 212 vào năm 2002, sử dụng pin nhiên liệu hydro. Mặc dù tốn kém và phức tạp hơn để tiếp nhiên liệu so với động cơ Stirling, các pin nhiên liệu hydro PEM của Đức có công suất lớn hơn (và do đó cho phép tốc độ cao hơn), lại không có bộ phận chuyển động chính vốn phản lại khả năng tàng hình âm thanh và không giới hạn về độ sâu lặn.

Tàu ngầm phi hạt nhân tàng hình

Hải quân Đức hiện đại có hai nhiệm vụ chính: tham gia vào các hoạt động viễn chinh như chống cướp biển hoặc hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình; và kiểm soát biển Baltic. Để hoạt động trong môi trường hàng hải đặc trưng là vùng nước nông, lạnh, trung bình sâu khoảng 50 mét, Hải quân Đức sở hữu hạm đội gồm 6 tàu ngầm diesel-điện Type 212A, được đánh số từ U-31 đến U-36. Các tàu đều nhỏ, chỉ dài 57m và được điều khiển bởi thủy thủ đoàn 27 người mỗi tàu.

Type 212 do tập đoàn Howaldtswerke-Deutsche Werft AG phát triển cho Hải quân Đức, chiếc đầu tiên đi vào hoạt động năm 2005. Thân tàu kép của Type 212 được làm bằng vật liệu không từ tính để tránh bị phát hiện bởi các máy dò từ tính bất thường. Kim loại mềm hơn của thân tàu giới hạn độ sâu hoạt động chỉ 200 mét, nhưng đây không phải là hạn chế lớn ở vùng biển Baltic vốn nông. Bộ pin của Type 212, với nhiên liệu hydro được lưu trữ ở giữa lớp vỏ áp suất bên ngoài và bên trong, cho phép tàu di chuyển ngầm dưới nước trong liên tục 3 tuần mới phải nổi lên, vượt xa thời gian lặn tối đa của tàu ngầm Kilo 636 của Nga hay Scorpene của Pháp.

Type 212A đã lập kỷ lục thời gian lặn liên tục dưới nước đối với các tàu ngầm phi hạt nhân vào năm 2013, với 18 ngày chìm trong nước mà không sử dụng ống thở. Tàu có thể đạt tốc độ dưới nước 37kmgiờ.

Type 212A được thiết kế để trở thành một tàu trinh sát tàng hình và “thợ săn tàu”, đó là lý do tại sao ban đầu vũ khí của nó chỉ giới hạn ở ngư lôi. Sáu ống phóng của tàu có thể bắn ra 13 quả ngư lôi DM2A4 Seahake 533mm được kết nối với tàu ngầm bằng một sợi cáp quang, cho phép thủy thủ đoàn dẫn đường cho vũ khí tới mục tiêu cách xa 50km. Thiết bị định vị âm thanh (sonar) diện rộng của ngư lôi cũng cho phép nó gửi dữ liệu cảm biến trở lại tàu phóng. 

Gần đây, Hải quân Đức đã bắt đầu trang bị cho Type 212A khả năng bắn tên lửa sợi quang IDAS trong khi đang lặn. Dựa trên tên lửa không đối không IRIS-T, IDAS sẽ được sử dụng chủ yếu để bắn hạ máy bay địch, nhưng cũng có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và tàu mặt nước cỡ trung bình hoặc nhỏ cách xa 20 km.

Chú thích ảnh
Tàu Type 212 có thể hoạt động trong vùng nước sâu chỉ 17m, cho phép nó tiếp cận gần bờ mà chưa một loại tàu ngầm nào cùng loại có thể làm được. Ảnh: Reddit.com

Khả năng cơ động ở vùng nước nông chỉ 17 mét của tàu ngầm Type 212 khiến nó trở nên lý tưởng khi bám sát bờ biển để triển khai các đơn vị hải quân tinh nhuệ của Đức, được biết đến với tên gọi là Kampfschwimmer. Được biết, Hải quân Đức đang nghiên cứu lắp đặt trên tàu một khẩu pháo tự động Moray 30 ly có thể thu nòng, nhằm hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng đặc biệt.

Berlin gần đây tuyên bố rằng họ sẽ chế tạo thêm hai chiếc Type 212A trong thập kỷ tới và Ba Lan đã thể hiện sự quan tâm đến việc thuê hai chiếc tàu ngầm của Đức. Loại tàu ngầm nhỏ này được cho là có giá khoảng 371 triệu euro (394 triệu USD) mỗi chiếc, đồng nghĩa lực lượng tàu U của Đức hiện tại tốn ít chi phí hơn nhiều so với một tàu ngầm tấn công hạt nhân của Hải quân Mỹ. Trong khi đó, Hải quân Italy có bốn chiếc Type 212, chiếc cuối cùng đã hoàn thành vào năm 2015. Rome dự định chế tạo thêm hai chiếc nữa.

Phiên bản xuất khẩu

Các nhà máy đóng tàu trên khắp thế giới cũng đã sản xuất theo giấy phép nhượng quyền hơn một chục tàu ngầm xuất khẩu Type 214 của Đức, dòng kế nhiệm chạy bằng pin nhiên liệu của tàu ngầm Type 209 nổi tiếng. Tàu ngầm Type 214 dài 65 mét, thân tàu không được làm bằng vật liệu phi từ tính như Type 212, tuy nhiên phiên bản dành cho xuất khẩu này có tầm bắn xa hơn và độ sâu lặn lớn hơn 400  mét, để phù hợp với các vùng biển ngoài Baltic, cộng với 8 ống phóng ngư lôi có khả năng phóng tên lửa chống hạm Harpoon.

Hiện nay, Hải quân Hy Lạp vận hành 4 tàu lớp Type 214 Papanikolis. Bồ Đào Nha khai thác 2 tàu Type 214 lớp Tridente được hạ thủy năm 2010 và Thổ Nhĩ Kỳ đang trong quá trình đóng 6 tàu Type 214. Những chiếc tàu ngầm này sẽ sử dụng thiết bị điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ và được trang bị ngư lôi Mark 48 của Mỹ, tên lửa IDAS và có thể cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất Gezgin-D.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm Type 214 Papanikolis của Hải quân Hy Lạp. Ảnh: Defence-Point

Hàn Quốc cũng đang vận hành 6 chiếc Type 214 lớp Son Won-il, với chiếc thứ bảy được ra mắt gần đây và hai chiếc nữa đang được chế tạo. Tương tự, Hải quân Israel sở hữu 3 tàu ngầm Dolphin 2 được trang bị AIP do Đức chế tạo và có vẻ sẽ mua thêm 3 tàu khác.

Các công ty đóng tàu của Đức gần đây đã cung cấp các phiên bản lớn hơn, tầm xa hơn của tàu ngầm 212/214, là Type 216 và 218. Type 216 được dự định bán cho Hải quân Hoàng gia Australia, nhưng đã được chuyển qua cho Shortfin Barracuda của Pháp. Hai chiếc Type 218SG đang được đóng cho Singapore và sẽ hoàn thành vào năm 2020. Tàu này dài 70 mét, có thể phục vụ thủy thủ đoàn 28 người, được cho là trang bị Khóa đa năng ngang - có thể được sử dụng để phóng ngư lôi, thậm chí tên lửa hành trình.

Phải thừa nhận rằng, tất cả các tàu ngầm nhỏ của Đức không có tốc độ ấn tượng, khả năng lặn dài và trọng tải vũ khí, so với tàu ngầm năng lượng hạt nhân lớn hơn của Mỹ và Nga, vốn có thể lặn 3 tháng liên tục, tốc độ 25 hải lý/giờ và mang theo hàng chục đơn vị vũ khí. Tuy nhiên, những chiếc tàu ngầm nhỏ chạy bằng pin nhiên liệu ít nhất cũng tàng hình được như những người anh em chạy bằng năng lượng hạt nhân của chúng, và mỗi ngư lôi mang theo đều có sức hủy diệt không kém.

Nếu tính đến chi phí chế tạo quá chênh lệch giữa tàu Type 212 hoặc 214 của Đức so với một tàu ngầm tấn công hạt nhân thì lợi thế về hỏa lực của các tàu ngầm hạt nhân không quá rõ ràng. Điều này giải thích tại sao các tàu ngầm Đức đã trở nên rất quen thuộc với các lực lượng hải quân trên khắp châu Âu và châu Á, những nơi đang tìm cách khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng biển duyên hải.

Thu Hằng/Báo Tin tức