08:15 26/08/2014

Tàu ngầm 'siêu âm' Trung Quốc tiếp cận bờ biển Mỹ trong 2 giờ?

Cơ động từ Thượng Hải tới San Francisco trong vòng 2 giờ nghe có vẻ như là một điều tưởng tượng, nhưng Trung Quốc tin rằng nước này đã tìm ra cách để thiết kế một phương tiện dưới nước để có thể biến ý tưởng trên thành hiện thực.

Cơ động từ Thượng Hải tới San Francisco trong vòng 2 giờ nghe có vẻ như là một điều tưởng tượng, nhưng Trung Quốc tin rằng nước này đã tìm ra cách để thiết kế một phương tiện dưới nước để có thể biến ý tưởng trên thành hiện thực, hãng tin RT của Nga ngày 26/8 đưa tin.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là công nghệ này có thể sẽ được sử dụng để phát triển một loại vũ khí nguy hiểm hơn.

Tàu ngầm của Trung Quốc. Ảnh: Reuters


Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), công nghệ siêu nhanh trên được phát triển bởi các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, và có thể sẽ cho phép các tàu ngầm hoặc ngư lôi vượt qua tốc độ tương đương với tốc độ âm thanh dưới nước - khoảng 5.800 km/giờ.

Ý tưởng này được dựa trên khái niệm của Liên Xô cũ gọi là "supercavitation" (siêu bong bóng), có nghĩa là sẽ tạo ra một bong bóng khí lớn xung quanh một phương tiện để nó có thể giảm ma sát và cơ động ở dưới nước một cách nhanh chóng.

Giáo sư Li Fengchen nói rằng khi tàu ngầm hay "phương tiện tương lai" trên chạm mặt nước, một trong những thiết bị của nó liên tục phun ra một "màng chất lỏng đặc biệt" bao phủ toàn bộ bề mặt của phương tiện. Lớp màng này cuối cùng sẽ biến mất, nhưng vào thời điểm con tàu đạt tốc độ 74km/giờ, nó sẽ đủ nhanh để bước vào trạng thái "siêu bong bóng" và tạo ra một bong bóng khí có khả năng giúp đạt được tốc độ chưa từng thấy trước đây.

"Phương pháp của chúng tôi là khác so với bất kỳ cách tiếp cận nào trước đây, chẳng hạn như động cơ đẩy vector. Bằng cách kết hợp công nghệ màng chất lỏng với 'siêu bong bóng', chúng ta có thể giảm đáng kể những thách thức khi phóng và thực hiện việc kiểm soát hành trình dễ dàng hơn", ông Li nói với SCMP.

Về lý thuyết, điều này có nghĩa là phương tiện mới của Trung Quốc cơ động qua Thái Bình Dương sẽ chỉ mất 100 phút, trong khi một hành trình xuyên Đại Tây Dương có thể được thực hiện trong vòng chưa đầy 1 giờ.

Mặc dù vậy, ông Li nói thêm rằng vẫn còn có những trở ngại đáng kể mà các nhà khoa học phải vượt qua, chẳng hạn như việc tạo ra các hệ thống lái chính xác và một động cơ đủ mạnh để cung cấp năng lượng cho toàn bộ quá trình hoạt động.

Nhiều chi tiết xung quanh công nghệ này vẫn chưa được biết, bởi vì dự án được coi là một bí mật quân sự. "Supercavitation" vẫn có thể được sử dụng để giúp ngư lôi cũng như các loại vũ khí khác có tốc độ cao và Mỹ, Nga, Đức hay Iran đều có khả năng thực hiện điều này.

Tuy nhiên, ông Li cho biết có thể có cách sử dụng công nghệ mang tính đột phá trên để mang lại lợi ích không chỉ trong lĩnh vực quân sự. Nó có thể mở đường cho việc vận chuyển dưới nước được nhanh hơn, hoặc giúp tạo ra những bộ đồ bơi cho phép khả năng cơ động chưa từng có.

"Nếu một bộ đồ bơi có thể tạo ra và duy trì nhiều bong bóng nhỏ trong nước, nó có thể làm giảm đáng kể lực cản của nước, giúp việc bơi lội có thể dễ dàng như bay trên bầu trời", Giáo sư Li kết luận.


Vũ Thanh (Theo RT)
1