10:10 02/10/2018

Tàu khu trục Trung Quốc áp sát nguy hiểm chiến hạm Mỹ trên Biển Đông

Một tàu khu trục Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur của Mỹ đang hoạt động “tự do hàng hải” trên Biển Đông, buộc tàu Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.

Chú thích ảnh
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur. Ảnh: Reuters

Hãng RT (Nga) dẫn thông báo của Hải quân Mỹ cho hay, vụ chạm trán giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Trung Quốc xảy ra sáng 30/9 khi tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Washington tiến vào trong phạm vi 12 hải lý, theo luật “tự do hàng hải”, quanh các bãi đá nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên Biển Đông. 

Đáp lại động thái của Mỹ, Trung Quốc đã điều động một tàu khu trục lớp Luyang để xua đuổi tàu Decatur ra khỏi khu vực.

Chú thích ảnh
Tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc.

Theo Hải quân Mỹ, hành động của Trung Quốc được đánh giá là “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”. Tàu Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm, chỉ cách mũi tàu mang tên lửa dẫn đường Decatur khoảng 41 mét. Sau đó, tàu Decatur buộc phải dịch chuyển để tránh va chạm.

Trong khi Bắc Kinh liên tục tuyên bố có quyền bảo vệ lợi ích và chủ quyền trên Biển Đông, Hạm đội Thái Bình Dương cam kết sẽ tiếp tục hoạt động trên vùng biển này theo luật pháp quốc tế. 
“Các máy bay và tàu Hải quân Mỹ hoạt động trên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thường xuyên, bao gồm cả Biển Đông”, Đại úy Charlie Brown – người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ - nói hôm 1/10, “Như hàng thập kỷ qua, các lực lượng của chúng tôi sẽ tiếp tục bay, chạy và vận hành đến bất kỳ đâu luật pháp quốc tế cho phép”. 

Ngày 2/10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bày tỏ sự giận dữ về sự kiện trên. Hãng Reuters đưa tin, trong một tuyên bố riêng rẽ cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này hối thúc Mỹ dừng ngay các hành động "khiêu khích" tương tự.

Trong tuần trước, các máy bay ném bom hạng nặng B-52 của Mỹ đã tham gia một sứ mệnh diễn tập chung với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, đồng thời tuần tra trên Biển Đông. 

Việc Mỹ phản đối các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp, nơi hàng nghìn tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua hàng năm, xuất hiện giữa những căng thẳng chưa từng có giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bên cạnh các biện pháp “ăn miếng trả miếng” trong cuộc chiến thương mại, mối quan hệ song phương giữa hai nước cũng đang ảnh hưởng rõ rệt. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã hủy chuyến thăm Trung Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 10. Trước đó, Bắc Kinh đã từ chối cấp phép cho tàu chiến USS Wasp của Mỹ thăm cảng Hong Kong, đồng thời hoãn cuộc gặp quân sự cấp cao giữa Hải quân hai nước. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức