05:18 12/05/2021

Tàu dân sự Na Uy bị nghi là hoạt động do thám Trung Quốc cho Mỹ

Các chuyên gia nghi ngờ quân đội Mỹ đã thuê một tàu dân sự treo cờ Na Uy đầy bí ẩn để thực hiện nhiệm vụ do thám ở vùng biển gần Đài Loan/Trung Quốc và tại Biển Đông. 

Chú thích ảnh
Các tàu chiến Trung Quốc đến vùng biển Hoa Đông ngày 23/4 để tập trận. Ảnh: China Military Online

Tờ Global Times đưa tin đó chính là cảnh báo của tổ chức nghiên cứu Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Đại học Bắc Kinh ngày 10/5. Theo đó, tàu Grand Canyon II - tàu hỗ trợ xây dựng đa năng nhiều khả năng trực thuộc công ty dịch vụ dầu khí Helix Energy của Mỹ đồng thời có nhiều mối liên hệ với quân đội Mỹ - đã thực hiện hàng loạt hoạt động khó lý giải trong nhiều tháng qua.

Hồi tháng 3, con tàu này khởi hành từ Guam đến Yokosuka, Nhật Bản, để chở chiếc trực thăng MH-60S Seahawk vừa được trục vớt từ dưới đáy biển cách Okinawa 92 hải lý. Máy bay này gặp nạn vào ngày 25/1/2020 sau khi cất cánh từ tàu chỉ huy đổ bộ USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Mỹ.

Theo dữ liệu theo dõi do SCSPI công bố, Grand Canyon II đã hoạt động gần hòn đảo Đài Loan và trên Biển Đông trong tháng qua và điều này làm dấy lên nhiều nghi vấn. Dữ liệu cũng cho thấy kể từ cuối năm 2020, con tàu từng neo đậu tại Đài Trung và Cao Hùng ở Đài Loan, và Nagasaki và Yokosuka ở Nhật Bản. Giới quan sát cũng lưu ý về việc Hải quân Mỹ có cảng ở hai khu vực Nagasaki và Yokosuka.

Đánh giá từ dữ liệu theo dõi của con tàu cho thấy nó đã ở gần Đài Loan trong một thời gian dài. Và vì từng làm việc với quân đội Mỹ, Grand Canyon II rất có thể là một tàu do thám do quân đội Mỹ thuê để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt.

Ông Wei Dongxu, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, chia sẻ với Global Times rằng Mỹ nhiều lần sử dụng tàu dân sự cho các nhiệm vụ quân sự. Con tàu đặc biệt này có thể hỗ trợ Hải quân Mỹ trong việc trinh sát và thu thập thông tin tình báo gần đảo Đài Loan, 

Chuyên này này nhận định Grand Canyon II có thể làm nhiệm vụ do thám và nghe trộm bằng cách thu thập tín hiệu vô tuyến xung quanh, đặt các thiết bị dò tìm xuống biển để khảo sát thủy văn hoặc thậm chí sử dụng các thiết bị sonar để theo dõi hoạt động của tàu ngầm. Ngoài ra, nó cũng có thể hoạt động như một căn cứ bí mật của các đặc nhiệm. 

Trước đó, SCSPI tiết lộ rằng quân đội Mỹ cũng đã thuê máy bay tư nhân để thực hiện các hoạt động do thám gần Trung Quốc. Ví dụ, ngày 31/3/2020, công ty Tenax Aerospace của Mỹ đã triển khai một máy bay giám sát hàng hải Bombardier CL-604 đến Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa. Chiếc phi cơ đã tiến hành hơn 250 lần bay trinh sát gần Trung Quốc trước khi quay trở lại Mỹ vào ngày 17/3 năm nay.

Đức Trí/Báo Tin tức