03:09 24/03/2021

Tàu container 400m chôn chân giữa kênh đào Suez, giao thông biển kẹt cứng

Một tàu container khổng lồ đã mắc kẹt giữa kênh đào Suez, chặn lối đi của mọi tàu thuyền qua lại cả hai chiều.

Chú thích ảnh
Con tàu của Evergreen chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: Sputnik

Đài Sputnik (Nga) dẫn dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết tàu container tên là Ever Given, dài 400m, rộng 59m, chở tổng cộng 219.079 tấn hàng, treo cờ Panama, thuộc sở hữu của công ty Evergreen.

Tàu hàng khổng lồ này đã đi qua Tanjung Pelepas ở Malaysia và đang trên đường tới Rotterdam, Hà Lan. Theo dự kiến, tàu sẽ tới đích trong vòng một tuần nữa nếu không có sự cố mắc kẹt trên.

Ai Cập đã phải huy động toàn lực để tìm cách khiến con tàu Ever Given nhúc nhích. Trong một bức ảnh, có thể thấy máy xúc đang tìm cách đào bới quanh mũi tài để nó thoát khỏi bờ cát. Cả chục tàu kéo đang tìm cách đẩy con tàu ra vùng nước sâu hơn.

Do con tàu mắt kẹt mà không tàu thuyền nào có thể đi qua kênh đào Suez. Đây là con đường duy nhất để đi từ biển Địa Trung Hải vào Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Tắc nghẽn giao thông kéo dài ở cả hai đầu kênh đào. Hàng chục tàu đang dừng lại để chờ đi qua kênh đào.

Xem video hình ảnh giao thông tắc nghẽn tại kênh đào Suez do tàu Ever Given bị mắc kẹt (nguồn: Sputnik):

Một người dùng tên fallenhearts17 đăng lên Istagram ngày 23/3: “Con tàu phía trước chúng tôi mắc cạn khi đi qua kênh đào và giờ bị tắc ở một bên. Có vẻ như chúng tôi sẽ phải chờ ở đây một chút”. Người này đăng kèm bức ảnh chụp tàu Ever Given chôn chân trên kênh đào Suez dài 193km.

Kênh đào Suez nhộn nhịp thường đón 47 tàu mỗi ngày. Va chạm thường xảy ra do kênh đào này nhỏ hẹp. Năm 2014, hai tàu container lớn đã va vào nhau ở đầu phía bắc kênh đào. Năm 2018, 5 con tàu đã đâm liên hoàn vào nhau trong kênh đào do một tàu hỏng động cơ.

Kênh đào Suez được xây dựng từ năm 1859 tới năm 1869 theo chỉ đạo của kỹ sư Pháp Ferdinand de Lesseps, bằng tiền của chính phủ Ai Cập và Pháp. Tuy nhiên, năm 1875, Ai Cập mất mọi quyền kiểm soát kênh dào sau khi chính phủ mắc nợ nặng nề và buộc phải bán cổ phần trong công ty quản lý kênh đào cho Anh.

Năm 1956, khi hợp đồng thuê 99 năm của công ty trên hết hạn, Tổng thống Ai Cập khi đó Gamel abd al-Nasser đã quốc hữu hóa kênh đào. Sau đó, lực lượng Anh, Pháp, Israel xâm chiếm khu vực kênh đào, đóng cửa nó gần một năm. Dưới áp lực của Mỹ và Liên Xô, các nước này buộc phải rút lui.

Thùy Dương/Báo Tin tức