12:17 11/12/2015

Tàu “67” vay vốn từ Agribank vươn khơi ra Biển Đông

Ngày 11/11/2015, tại cảng Lạch Bạng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP thương mại vận tải và chế biến Hải sản Long Hải đã tổ chức lễ khánh thành tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của chính Phủ.

Ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Agribank Thanh Hóa.

Con tàu “67” vỏ gỗ đầu tiên của Thanh Hóa được đóng mới từ nguồn vốn vay Agribank chi nhánh Thanh Hóa. Trong năm 2015, Agribank chi nhánh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai cung cấp vốn cho ngư dân vươn khơi. Nhân dịp cuối năm, phóng viên báo Tin Tức đã có buổi trò chuyện với ông Trịnh Ngọc Thanh - Giám đốc Agribank Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết vài điều về con tàu đầu tiên của Thanh Hóa được Agribank cho vay vốn theo Nghị định 67 của chính phủ?

Ông Trịnh Ngọc Thanh: Sáng ngày 11/11/2015, tại cảng Lạch Bạng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP thương mại vận tải và chế biến Hải sản Long Hải đã tổ chức lễ khánh thành tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của chính phủ. Con tàu “67” vỏ gỗ đầu tiên của Thanh Hóa được đóng mới từ nguồn vốn vay Agribank chi nhánh Thanh Hóa. Tới tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, trưởng ban chỉ đạo 67 của tỉnh Thanh Hóa; các đồng chí lãnh đạo sở ban ngành cấp tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND huyện Tĩnh Gia; UBND xã Hải Bình, Hải Thanh và đông đảo các chủ tàu trên địa bàn huyện Tĩnh Gia.

Sau gần 5 tháng thi công, con tàu vỏ gỗ mang biển số TH93168 với công suất máy 829 CV và nhiều trang thiết bị hiện đại, tổng kinh phí đóng mới 8,5 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của chính phủ do Agribank Thanh Hóa cho vay là 6 tỷ đồng đã hoàn thành và chính thức vươn khơi. Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, trưởng ban chỉ đạo 67 của tỉnh đánh giá cao sự triển khai tích cực của Agribank Chi nhánh Thanh Hóa trong quá trình phối hợp thực hiện Nghị định 67 của chính phủ trên địa bàn; đồng thời đồng chí cũng thông tin một số chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh đối với ngư dân, các trọng tâm phát triển hạ tầng vùng ven biển để tạo điều kiện thuận lợi phát triển thủy hải sản giai đoạn 2016-2020.

PV: Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 của chính phủ, Agribank Thanh Hóa đã đạt được kết quả như thế nào?

Ông Trịnh Ngọc Thanh:
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 của chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của các ngành, chính quyền địa phương các cấp đã đạt được một số kết quả tốt. Chúng tôi cũng thông qua đài phát thanh và truyền hình Thanh Hoá; đài truyền thanh các huyện, xã; thông qua cuộc họp giao ban của Ban tuyên giáo tỉnh ủy để tuyên truyền chính sách cho vay theo Nghị định 67 của chính phủ. Tổ chức phối hợp các cấp hội, đoàn thể in ấn tờ rơi để tuyên truyền đến khách hàng, người dân về chính sách ưu đãi của nhà nước cũng như các điều kiện, thủ tục vay vốn đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ.

Phía Agribank Thanh Hóa cũng đã phân công cán bộ xuống các xã làm việc trực tiếp với chủ tàu có nhu cầu vay vốn theo Nghị định 67, chủ tàu đủ điều kiện thì hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp xã, cấp huyện. Tại Agribank chi nhánh Thanh Hóa, các chi nhánh loại 3 vùng ven biển và thành phố đã tổ chức tiếp cận khách hàng theo danh sách phê duyệt của UBND tỉnh. Chúng tôi cũng tổ chức đoàn lãnh đạo Agribank tỉnh và lãnh đạo, chuyên viên 5 Agribank cơ sở đi học tập kinh nghiệm công tác cho vay đánh bắt xa bờ tại Agribank huyện Quỳnh Lưu – tỉnh Nghệ An; làm việc với một số nhà máy đóng tàu để tìm hiểu các mẫu tàu; định mức kinh tế kỹ thuật, phương pháp cho vay và quản lý vốn để cán bộ có thêm kiến thức giới thiệu, tư vấn cho ngư dân và phục vụ công tác thẩm định cho vay được thuận lợi, nhanh chóng.

Đến nay, tổng số tàu UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 03 đợt là 55 tàu. Trong đó, tàu khai thác hải sản xa bờ là 42 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 13 chiếc. Số khách hàng Agribank tiếp cận là 40 chiếc bao gồm 12 tàu hậu cần và 28 tàu khai thác đánh bắt. Đến ngày 30/11/2015, có 04 chi nhánh là: Hội sở, Nghi Sơn, Hoằng Hóa và Hậu Lộc đã cho vay được 06 khách hàng (1 tàu dịch vụ hậu cần, 5 tàu đánh bắt xa bờ), trong đó 4 tàu vỏ sắt, 2 tàu vỏ gỗ, tổng số tiền phê duyệt cho vay là 68, 51 tỷ đồng và dư nợ đã giải ngân được 30,82 tỷ đồng.

PV: Trong quá trình thực hiện, Agribank Thanh Hóa gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?


Ông Trịnh Ngọc Thanh: Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh cũng như các ban ngành, các cơ quan truyền thông nên công việc triển khai khá thuận lợi.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn có những vướng mắc cần tháo gỡ như: Năng lực tài chính của ngư dân còn nhiều hạn chế; vốn tự có rất thấp, thậm chí là không có; nhiều hộ chỉ nhìn vào bán tàu cũ để lấy tiền làm vốn đối ứng, trong khi tàu cũ, công suất thấp (phổ biến từ 90CV đến 250CV) nên rất khó bán. Việc đóng mới tàu vỏ thép có công suất từ 800CV để khai thác xa bờ đòi hỏi trình độ tay nghề của ngư dân phải được đào tạo bài bản, thích ứng với điều kiện, môi trường đánh bắt xa bờ chuyên nghiệp, tuy nhiên thực tế hiện nay trình độ tay nghề của ngư dân còn nhiều bất cập, chưa đủ kiến thức để sử dụng các phương tiện đánh bắt hiện đại; chưa có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Nhiều ngư dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, vốn vay của ngân hàng. Bên cạnh đó tại Thanh Hóa, ngư dân chưa thực hiện tham gia vào các tổ, đội đoàn kết để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình tham gia hoạt động sản xuất trên biển.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi nhất. Nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện mô hình ngư dân liên kết, góp vốn đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ (mô hình từ 5 đến 10 hộ vay vốn, góp vốn để đóng tàu khai thác xa bờ theo nghị định 67); với mô hình này một số nơi đã thực hiện có hiệu quả như Quỳnh lưu – Nghệ An; Quảng Ngãi... Khắc phục được tình trạng năng lực tài chính hạn chế, một hộ ngư dân không thể đủ vốn đối ứng tham gia theo quy định và chủ động về nguồn lao động trên tàu; tăng sự gắn bó trách nhiệm giữa các thành viên với nhau, từ đó hiệu quả khai thác, đánh bắt cao hơn.

Việc cho vay vốn để ngư dân vươn khơi sẽ phát huy có hiệu quả việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, thu mua kịp thời sản phẩm đánh bắt của ngư dân, phục vụ cho chế biến của nhà máy, giải quyết được nhiều lực lượng lao động cho địa phương; Đồng thời tiếp sức cho ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển và góp phần khẳng định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Xin cám ơn ông!

Phạm Đăng Giới (Thực hiện)